Các bị can phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với bài viết “Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội gì?” của tác giả Phan Thành Nhân đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 25/3/2020, chúng tôi cho rằng các bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hai tội danh trong nhóm tội xâm phạm về sở hữu. Do đó, hai tội phạm này có những dấu hiệu giống nhau dẫn đến việc gây nhầm lẫn khi định tội danh.

Điểm giống nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

– Về khách thể: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hai tội thuộc nhóm tội xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Đối tượng của hai tội phạm này là tài sản.Ngoài ra, hai tội phạm này còn tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội.

 – Về chủ thể: Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường. Bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Điểm khác nhau giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

 + Về ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

– Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi có giao dịch hợp pháp. Tức là sau khi có được tài sản người phạm tội mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt.

– Ý thức chiếm đoạt của người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

 + Hình thức phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản.

 + Giá trị tài sản bị chiếm đoạt:

– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

– Về giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

+ Thủ đoạn thực hiện tội phạm:

– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hoặc dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp.

– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Đưa ra thông tin giả, sai sự thật làm cho nạn nhân tin đó là sự thật để chiếm đoạt tài sản.

 Trong vụ án nêu trên, ta thấy rằng các bị can từ đầu đã có ý thức cố ý chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, bởi vì tình huống đã nêu rất rõ: “Trong quá trình trông giữ xe, N, S, T bàn bạc với nhau và thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản của khách hàng.”. Các dữ liệu khác trong tình huống cũng thể hiện điều này. “Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 01/4/2019, anh Trần Văn M chạy xe SH vừa mới mua khoảng hơn một tháng đến nhà hàng Đ để uống bia và gửi xe cho S rồi lấy phiếu gửi xe số 026. Khi anh M vừa vào nhà hàng thì S gọi T và nói: “Đưa chiếc xe này đi”. T đưa xe SH của anh M dẫn vào bãi giữ xe, khi anh M vào trong quán thì T mang xe đi cất giấu rồi quay về”. Dữ liệu này cho thấy, trước khi hành động, các bị can đã thống nhất, thỏa thuận phương thức chiếm đoạt tài sản của người khác. Tương tự, tình tiết “Nhóm N, S, T đã nhiều lần sử dụng thủ đoạn trên với nhiều khách hàng” cũng thể hiện rằng ý thức chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của người khác của các bị can đã có từ đầu, từ đầu các bị can đã có sự thống nhất, thỏa thuận về phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản.

– Thứ hai, về hình thức chiếm đoạt, thủ đoạn chiếm đoạt, ta thấy rằng rõ ràng các bị can đã có hành vi gian dối nhằm qua mặt, đánh lừa chủ sở hữu để chiếm đoạt tài sản của họ. Thủ đoạn gian dối là không trung thực, không đúng thực tế, cụ thể ở đây các bị can đã đem xe bị hại đi giấu để giả vờ làm mất xe, từ đó mới thương lượng đền bù giá thấp hơn giá trị chiếc xe hoặc mua lại với giá trị thấp hơn giá trị chiếc xe nhằm chiếm đoạt tài sản chênh lệch. Đây chính là thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn này các bị can đã tính toán từ trước chứ không phải sau khi nhận trông giữ tài sản của bị hại theo hợp đồng dân sự rồi các bị can mới nảy sinh ý định và thủ đoạn chiếm đoạt này. Thực tế theo tác giả cũng không thể xem hợp đồng gửi giữ tài sản này là hợp đồng đứng đắn, ngay thẳng bởi một bên chủ thể của hợp đồng đã có ý định bất hợp pháp là lợi dụng công việc của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác (không những chỉ riêng đối với anh M mà còn đối với cả những người khác). Đối với riêng anh M rõ ràng đây là hợp đồng không đúng đắn, hợp đồng giả tạo.

Từ những dữ liệu tình huống và phân tích trên có thể kết luận các bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu  xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng trái phép tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank) nay là (Ngân hàng NCB Chi nhánh Bạc Liêu) và Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử – TTXVN

Th.s NGUYỄN ANH CHUNG (Tòa án quân sự Quân khu 5)