Các đối tượng phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Ba đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Trần Thanh Sơn, đăng ngày 27/ 8 /2021, tôi cho rằng hành vi của ba đối tượng Trần Ngọc A, Nguyễn Văn H, Trần Thị T đã phạm vào tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi”.

Theo Điều 169 BLHS 2015, người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản phải có đồng thời hai hành vi: bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tại sản.

- Khách thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, đó là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Thông thường tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt, người bị bắt cóc là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; còn người bị xâm phạm tài sản lại là những người thân của người bị bắt cóc.

– Xét về mặt khách quan, hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở những hành vi sau:

+ Hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Người bị bắt cóc là người có mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ tình cảm thân thiết với chủ sở hữu tài sản. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, tạo ra điều kiện gây áp lực buộc người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm. Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, lừa dối… để bắt được người làm con tin. Thủ đoạn bắt cóc không phải là dấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội (không có ý nghĩa trong việc định tội), nhưng hành vi bắt cóc người làm con tin lại là đặc trưng cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ bắt người làm con tin chính là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.

+ Hành vi yêu cầu người khác phải trao tài sản cho người phạm tội. Để đạt được mục đích chiếm đoạt người phạm tội có hành vi tiếp theo hành vi bắt cóc con tin là hành vi đe dọa người thân của con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con tin trong trường hợp người đe dọa không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, gây sức ép về mặt tinh thần như đe dọa gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của con tin buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn. Người được yêu cầu phải đưa tài sản cho người phạm tội phải là người khác chứ không phải là người bị bắt cóc. Yêu cầu đưa tài sản có thể thực hiện bằng các phương thức khác nhau, trực tiếp hoặc qua trung gian buộc người chủ tài sản phải thỏa mãn yêu cầu nếu muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người bị bắt cóc.

Trong tình huống trên, Trần Ngọc A và Nguyễn Văn H thấy gia đình Nguyễn Thị Ngọc S là gia đình giàu có nên nảy sinh ý định bắt cóc S để đòi tiền chuộc từ gia đình. H và A đã lên kế hoạch bắt cóc, có rủ Trần Thị T tham gia, phân công T có nhiệm vụ dụ dỗ em S lên xe đưa đến một khách sạn ở tỉnh LA để ép buộc gia đình đưa tiền chuộc. Cả ba đối tượng đã bàn bạc rồi thực hiện hành vi bắt cóc S, các đối tượng đưa S đến một nhà nghỉ rồi dọa đánh, hù doạ lột quần áo quay phim đăng lên mạng để buộc em S gọi điện về cho gia đình đưa tiền chuộc. Các đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi mẹ S là bà Cao Thị Đ phải đưa tiền chuộc 600 triệu đồng và hẹn địa điểm giao nhận tiền.

Hành vi bắt giữ người trái phép và yêu cầu mẹ của S đưa tiền chuộc của ba đối tượng A, H, T đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu việc bắt cóc không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm vào một mục đích khác thì hành vi bắt cóc không cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” mà có thể là hành vi khách quan của tội “Bắt, giam, giữ người trái pháp luật”.

Về hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin là tội phạm đã hoàn thành. Khi nghe bà Đ nói: “Cho thêm 2 người nhà đi cùng đến điểm giao tiền, vì số tiền lớn nên đi một mình sợ bị cướp”, cả nhóm nghi ngờ gia đình đã báo Công an nên sợ, H đã nói với A và T thả S ra. Hành vi của ba đối tượng tuy chưa gây ra hậu quả nhưng đã thực hiện đầy đủ hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc. Thời điểm tội phạm hoàn thành khi đã có hành vi bắt cóc và đòi tiền chuộc không kể là có lấy được tiền hay không. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.

Về mặt chủ quan của tội phạm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt được thực hiện do cố ý. Mục đích của ba đối tượng là mong muốn chủ tài sản giao nộp và chiếm đoạt được tài sản. Các đối tượng đã có sự bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch bắt cóc S để bắt gia đình S đưa tiền chuộc.

Do S chưa đủ 16 tuổi nên cả ba đối tượng phạm tội với tình tiết định khung là “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 BLHS năm 2015 vì khi bị bắt cóc, bị hại S chưa đủ 16 tuổi.

Trên đây là quan điểm của tôi về việc định tội danh đối với bài viết “Ba đối tượng phạm tội gì?”, rất mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bắt giữ người trái pháp luật- Ảnh: P2 VKSNDHY

NGUYỄN THỊ YẾN HOA (Tòa án quân sự Quân khu 1)