Các quy định của luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực thi pháp luật là đầu tư cho sự phát triển

Ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra.

Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực thi pháp luật là đầu tư cho sự phát triển, yêu cầu bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Thời gian qua, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã thực hiện nghiêm đường lối lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội và hệ thống chính trị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo những chuyển biến, kết quả tích cực về chất lượng, tiến độ, nhất là tháo gỡ được một số vướng mắc, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển và tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Thủ tướng biểu dương các bộ đã có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, khẩn trương chuẩn bị, trình các dự án luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; hoan nghênh các thành viên Chính phủ đã phát huy tinh thần dân chủ, phát biểu trách nhiệm, sôi nổi, bám sát thực tiễn xây dựng các dự án luật.

Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng các luật cần bám sát và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước; vừa tháo gỡ vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, các luật phải tôn trọng quy luật thị trường, song cũng cần phải có công cụ để Nhà nước can thiệp kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, đảm bảo an sinh xã hội; các luật phải bao quát được các đối tượng, phạm vi điều chỉnh, phù hợp với khả năng quản lý và điều kiện đất nước.

Việc xây dựng và hoàn thiện các dự thảo luật phải trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, tránh tiếp xúc trực tiếp, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; bảo đảm có ổn định, kế thừa và phát triển; đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ giữa các luật; không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi; các quy định của luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; chống cơ chế "xin - cho", góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện, trình Chính phủ các dự án luật tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật đồng bộ, đổi mới trong quản lý, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo không gian, động lực, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai, ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước.

"Các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước là chủ yếu, không sa vào các việc cụ thể; cấp dưới không làm thay việc của cấp trên và ngược lại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ý kiến góp ý đối với các dự án luật; tinh thần chung là vì chất lượng cao nhất của các luật, vì lợi ích quốc gia. Các bộ, cơ quan chủ động hơn nữa trong việc tham gia ý kiến và cùng nhau trao đổi, thảo luận để tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ trì tiếp tục huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; thảo luận, tôn trọng ý kiến phản biện, phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ và chất lượng.

 

Thủ tướng phát biểu kết luận - Ảnh: Nhật Bắc

THÁI VŨ