Các sân bay trên toàn cầu thường xuyên thu giữ sản phẩm động vật hoang dã,nguy cấp, quý, hiếm
Báo động về tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua lĩnh vực vận tải hàng không. Tính sơ bộ hơn một triệu sản phẩm động vật hoang dã bị thu giữ tại các sân bay trong năm 2019.
Năm 2019, gần như ngày nào các sân bay trên toàn cầu cũng thu giữ sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Các con số trên được nêu trong Báo cáo “Runway to Extinction: Wildlife Trafficking in the Air Transport Sector” (tạm dịch: “Đường băng đến tuyệt chủng: Buôn bán động vật hoang dã trong lĩnh vực vận tải hàng không”) do C4ADS vừa công bố.
Tổ chức Hải quan Thế giới và Interpol cho biết họ đã tiến hành 1.828 vụ thu giữ ở 109 quốc gia vào tháng 6/2019 và thu giữ gần 10.000 con rùa sống, 23 con vượn sống, hàng trăm mảnh ngà voi, nửa tấn ngà và năm sừng tê giác.
Báo cáo tìm hiểu các xu hướng, tuyến đường quá cảnh và phương thức tội phạm buôn lậu động vật hoang dã sử dụng ngành hàng không ở khắp các châu lục. Theo đó, từ năm 2016 đến 2018, hành lý ký gửi là phương thức mà tội phạm buôn bán động vật hoang dã sử dụng nhiều nhất với các mặt hàng sừng tê giác, ngà voi, và cả rùa, chim trong chuồng hay động vật sống được tiêm thuốc an thần.
“Báo cáo nhấn mạnh tính chất phổ biến của buôn lậu động vật hoang dã bằng đường hàng không. Phân tích của chúng tôi cho thấy giới buôn lậu ‘khoét’ vào các lỗ hổng giống nhau và thường sử dụng phương thức tương tự để qua mặt lực lượng thực thi pháp luật cùng giới chức sân bay,” theo Mary Utermohlen – Giám đốc chương trình thuộc C4ADS và tác giả báo cáo. “Dữ liệu thu giữ chỉ ra rằng nhiều mạng lưới buôn lậu động vật hoang dã thường dựa vào cùng một phương thức để vận chuyển hàng hóa.” Được biết, C4ADS là tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp phân tích và báo cáo dựa trên dữ liệu/ bằng chứng về các vấn đề an ninh xuyên quốc gia và xung đột toàn cầu.
Buôn bán lậu động vật hoang dã là chợ đen lớn thứ tư trên thế giới, tác động đến hơn 7.000 loài động thực vật. Nhiều loài bị thu giữ trong quá trình vận chuyển hàng không bao gồm các loài chim, động vật có vú và bò sát sống là những tác nhân có nguy cơ cao mang mầm bệnh.
Juliana Scavuzzi, Giám đốc cấp cao về Môi trường thuộc Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), cho biết: “Giới buôn lậu ngày càng lạm dụng các hệ thống giao thông để vận chuyển sản phẩm nhanh chóng và an toàn. Trong suốt hành trình từ nguồn cung tới thị trường, các sân bay có thể được sử dụng để quá cảnh. Đây là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã. ACI cam kết phát triển một khuôn khổ chống buôn bán động vật hoang dã và hỗ trợ nỗ lực của các thành viên.”
Thông tin trong báo cáo của C4ADS đã được ROUTES Dashboard – website chuyên cung cấp thông tin về buôn bán động vật hoang dã bằng đường hàng không – bổ sung, cho phép người truy cập lọc và xem thông tin về các vụ buôn bán động vật hoang dã trong lĩnh vực vận tải hàng không trong 10 năm qua.
Nguồn: PanNature, TRAFFIC, C4ADS
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận