Các yếu tố tác động đến sự hình thành nhân thân người thực hiện các tội xâm phạm tình dục
Nhân thân người phạm các tội xâm phạm tình dục là tổng thể các dấu hiệu, đặc điểm về mặt xã hội, đạo đức, tâm lý, trong sự kết hợp với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài làm cho người đó đã phạm các tội xâm phạm tình dục được quy định tại BLHS hiện hành.
1. Khái niệm nhân thân người thực hiện các tội xâm phạm tình dục
Tội phạm là một hiện tượng tiêu cực nhất trong xã hội, xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước và pháp luật, cũng như khi xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Nhà nước đã quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người nào thực hiện các hành vi đó, nên tội phạm mang bản chất là một hiện tượng pháp lý. “Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học là con người phạm tội chứ không phải là con người nói chung. Người phạm tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm”[1]. Như vậy, khi nghiên cứu nhân thân người phạm tội chính là nghiên cứu con người phạm tội cụ thể. Những dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội bao gồm tất cả các đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt của người phạm tội mà luật hình sự quy định là chủ thể của tội phạm. Dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội khác với nhân thân con người nói chung là họ đã thực hiện hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các đặc điểm riêng đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, thái độ chính trị, sở thích cá nhân, ý thức chấp hành pháp luật…
Như vậy, khái niệm nhân thân người phạm tội tức là người có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội phạm được hiểu là: “Tổng thể tất cả các dấu hiệu, đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội, trong sự kết hợp với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người đó”[2].
Tuy nhiên, để nêu được khái niệm nhân thân người phạm các tội xâm phạm tình dục cần làm rõ thêm khái niệm xâm phạm tình dục, tội xâm phạm tình dục.
Theo Từ điển Tiếng Việt thì khái niệm: “Xâm phạm là động chạm đến quyền lợi của người khác”[3], “còn tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao”[4]. Từ các khái niệm này, có thể hiểu xâm phạm tình dục là hành vi tác động gây thiệt hại đến quyền tự do về tình dục của người khác.
Từ quy định tại khoản 1, Điều 8, BLHS 1999, có thể thấy dấu hiệu của tội phạm được thể hiện: đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội; được quy định trong luật hình sự; do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý; xâm phạm vào những quan hệ được luật hình sự bảo vệ. Từ những phân tích nêu trên có thể đưa ra định nghĩa tội phạm xâm phạm tình dục như sau:
Tội xâm phạm tình dục là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người khác, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần của họ.
Từ định nghĩa này và những phân tích ở trên, có thể đưa ra định nghĩa nhân thân người phạm các tội xâm phạm tình dục như sau:
Nhân thân người phạm các tội xâm phạm tình dục là tổng thể các dấu hiệu, đặc điểm về mặt xã hội, đạo đức, tâm lý, trong sự kết hợp với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài làm cho người đó đã phạm các tội xâm phạm tình dục được quy định tại BLHS hiện hành.
2. Những yếu tố tác động đến sự hình thành nhân thân người phạm các tội xâm phạm tình dục
Nhân thân của một con người không được tự nhiên sinh ra mà hình thành, phát triển trải qua một quá trình tương tác lâu dài giữa các yếu tố khách quan thuộc môi trường sống với các yếu tố chủ quan thuộc về ý thức của con người. Trong quá trình tương tác đó cá nhân chịu sự tác động của môi trường sống (chứa đựng yếu tố thuận lợi và yếu tố không thuận lợi) nhưng tiếp thu và chịu sự tác động đó như thế nào là do từng cá nhân; yếu tố thuận lợi sẽ tác động hình thành nhân thân tốt, yếu tố không thuận lợi sẽ tác động hình thành nhân thân xấu. Chính những đặc điểm nhân thân xấu này kết hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và sự thiếu bản lĩnh trước mọi cám dỗ tiêu cực trong xã hội dễ làm phát sinh hành vi phạm tội.
2.1. Các yếu tố khách quan thuộc môi trường sống
2.1.1. Môi trường gia đình
Gia đình là môi trường đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của một con người, cũng chính trong gia đình mỗi con người học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội. Ở đó, mỗi thành viên trong gia đình chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Trẻ em ngày nay với sự phát triển sớm về thể chất và tâm, sinh lý nhưng việc cung cấp kiến thức đúng đắn, kỹ năng cơ bản về giới tính đều chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức. Bản thân trẻ em ngay từ nhỏ đã quan tâm đến sự khác biệt giới tính giữa con trai – con gái và sự quan tâm này tiếp tục phát triển khác nhau theo độ tuổi của trẻ nên nếu gia đình không có nền tảng cơ bản kiến thức về giáo dục giới tính, để các em tự tìm hiểu qua các kênh thông tin tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nhận thức và hành động sai lầm, lệch lạc trong vấn đề liên quan đến tình dục. Phần lớn các gia đình Việt Nam chưa có thói quen dạy trẻ về giới tính, coi đây là vấn đề cấm kỵ.
Đối với trường hợp gia đình khuyết thiếu như không có cha, không có mẹ, hoặc không có cả cha và mẹ, cha mẹ ly hôn, hoặc cha mẹ kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, thường thiếu sự quan tâm và dạy bảo các em về vấn đề giới tính, thậm chí nhiều trường hợp các em trở thành nạn nhân của xâm phạm tình dục ngay trong gia đình. Ngoài ra, trẻ sống trong gia đình kiểu này, thường cảm thấy cô đơn, thiếu nơi nương tựa do thiếu đi cha hoặc mẹ nhiều gia đình vì những chia sẻ, giáo dục về giới tính cho các em không được cha mẹ quan tâm, để ý đến do bản thân cha mẹ, người lớn trong gia đình cũng mù mờ về giáo dục giới tính, nhận thức hạn chế, không đúng đắn về xâm phạm tình dục nên không có sự chỉ bảo cần thiết, nhiều trường hợp trẻ xâm phạm tình dục người khác hoặc bị xâm hại tình dục thì gia đình lúng túng trong cách xử lý, xấu hổ, sợ nhiều người biết, mặc cảm… nên chậm hoặc không tố cáo tội phạm với cơ quan chức năng, vô tình che đậy, tiếp tay cho tội phạm.
Một số gia đình kinh tế khó khăn, đông con do người lớn mải mê công việc thiếu sự quan tâm, dạy dỗ đối với từng đứa trẻ nhất là về giới tính. Mặt khác, đối với điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ không đủ điều kiện để thiết kế không gian cho mỗi trẻ có một phòng riêng tư mà thường ăn, ngủ, sinh hoạt với nhau cùng một không gian kể cả nam lẫn nữ dẫn đến không ít trường hợp con cái xâm phạm tình dục lẫn nhau mà cha mẹ không hề hay biết hoặc thậm chí cha mẹ xâm phạm tình dục luôn cả con cái.
Ngoài ra, một số kiểu gia đình quá nuông chiều con cái hoặc gia đình con một luôn chăm sóc theo kiểu các em muốn gì được đó, vô tình hình thành tính cách sở hữu ngay từ nhỏ đến khi gặp tình huống thuận lợi thấy một cô gái đẹp đi trên đường làm các em nảy sinh tâm lý muốn chiếm đoạt và xâm phạm tình dục đối với nạn nhân.
2.1.2. Môi trường giáo dục
Những nhân tố không lành mạnh trong môi trường hiện nay như quá tập trung vào sách vở mà thiếu kiến thức về giới tính dẫn đến nhiều học sinh không nhận thức hoặc thiếu hiểu biết về vấn đề tình dục an toàn. Hiện nay, tình trạng yêu nhau của học sinh diễn ra khá phổ biến, các em yêu nhau từ nhiều độ tuổi khác nhau nhưng do chưa có sự trang bị đầy đủ về kiến thức giới tính nên dẫn đến nhiều em xâm phạm tình dục lẫn nhau khi tuổi đời còn rất trẻ. Bên cạnh đó, hiện tượng văn hóa ngoại lai từ bên ngoài nhất là thông qua Internet đầy rẫy những tranh ảnh khiêu dâm, ảnh sex… làm cho học sinh càng tò mò, khám phá giới tính. Trong nhiều vụ án trên thực tế học sinh yêu nhau và quan hệ tình dục lẫn nhau nhưng khi bị phát hiện các em vẫn không phân biệt được hành vi xâm phạm tình dục của mình là nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS. Mặc khác, việc thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình; gia đình không quan tâm, ỷ lại, giao phó việc quản lý giáo dục cho nhà trường còn nhà trường chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà không quan tâm đến học sinh dẫn đến nhiều học sinh xâm phạm tình dục. Nhiều trường hợp các em yêu đương lẫn nhau đến khi gia đình, nhà trường phát hiện thì nhiều em đã bị pháp luật trừng trị.
2.1.3. Môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì cũng bộc lộ một số vấn đề như tỉ lệ thất nghiệp còn cao nên nhiều người có thời gian rảnh rỗi thường xuyên truy cập phim đồi trụy, ảnh khiêu dâm dẫn đến không kiềm chế được cảm xúc sẵn sàng xâm phạm tình dục đối với người khác hoặc có trường hợp người phạm tội xâm phạm sở hữu nhưng vì sự kích thích cơ thể từ phía nạn nhân nên người phạm tội xâm phạm tình dục luôn nạn nhân. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế xã hội không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, nhiều vùng miền vẫn còn điều kiện hết sức khó khăn nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra còn phổ biến. Mặt khác, văn hóa nước ngoài ngày càng du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó tranh ảnh khiêu dâm, băng đĩa đồi trụy đầy rẫy trên mạng Internet, thậm chí được bày bán tràn lan ngoài thị trường dẫn đến tâm lý cởi mở trong vấn đề tình dục nên xem thường các giá trị văn hóa truyền thống dẫn đến không ít trường hợp xâm phạm tình dục loạn luân, bắt chước hành vi lệch lạc về giới tính trên Internet.
2.2. Các yếu tố chủ quan thuộc về người phạm các tội xâm phạm tình dục
2.2.1. Sai lệch về sở thích, nhu cầu và cách thức thỏa mãn nhu cầu
Nếu con người có những sở thích lành mạnh thì hình thành ở người đó nhân cách đúng đắn. Ngược lại, con người có sở thích không lành mạnh, tiêu cực sẽ hình thành ở cá nhân đó nhân cách lệch lạc như sống ích kỷ, hưởng thụ, sống buông thả, coi thường chuẩn mực đạo đức… Chẳng hạn, đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu thì sở thích về tình dục và nhu cầu thiếu thốn vật chất, sở thích hưởng thụ tài sản người khác mà không phải thông qua lao động hay thói quen chiếm đoạt tài sản người khác là đặc trưng điển hình cho tội phạm sở hữu. Còn đối với người phạm tội xâm phạm tình dục thì nhu cầu tâm sinh lý về thiếu thốn tình cảm, thỏa mãn nhu cầu sinh lý; có những sở thích bệnh hoạn, lệch lạc; thói quen quan hệ tình dục, xem phim khiêu dâm là đặc trưng cơ bản và phổ biến. Người phạm tội xâm phạm tình dục sẵn sàng bất chấp những giá trị, quy tắc đạo đức, pháp luật để thỏa mãn nhu cầu, sở thích hàng ngày của mình. Yếu tố ý thức của người phạm tội xâm phạm tình dục có ý nghĩa quyết định thực hiện hành vi phạm tội của họ, đa phần trong ý thức của họ sai lệch về nhu cầu, sở thích, cách thỏa mãn nhu cầu tình dục thấp hèn của mình, dẫn đến hành động theo thói quen cảm tính. Các yếu tố thuộc về chủ quan cá nhân người phạm các tội xâm phạm tình dục gồm có những sai lệch về sở thích, nhu cầu, cách thức thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của bản thân bất chấp hành vi đó là vi phạm pháp luật “Vì các đặc điểm nhân thân được hình thành thông qua một quá trình lâu dài và phức tạp, hơn nữa lại phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết của từng cá nhân cụ thể”[5]. Trong đó, đặc điểm nổi bật về sở thích, nhu cầu và cách thức thỏa mãn nhu cầu như người phạm tội thường xuyên sử dụng ma túy hoặc chất kích thích khác dẫn đến thiếu kiểm soát và phạm tội; có sở thích xem phim sex, tranh ảnh khiêu dâm và bị ảnh hưởng bởi sở thích này; thường xuyên uống rượu bia và phạm tội trong trạng thái không làm chủ được bản thân…
2.2.2. Hạn chế về ý thức pháp luật cá nhân và khả năng kiểm soát hành vi
Người phạm tội xâm phạm tình dục thường là người có trình độ học vấn thấp, quan niệm sai về các giá trị cuộc sống, không hiểu biết hoặc hiểu biết rất ít pháp luật nên thường có thái độ thờ ơ, coi thường pháp luật. Những sai lệch trong ý thức pháp luật cũng là một trong những yếu tố tác động trong cơ chế làm phát sinh tội phạm khi gặp những hoàn cảnh, tình huống cụ thể họ sẽ không kiềm chế, kiểm soát được hành vi của mình, xử sự không đúng đắn và có hành vi vi phạm pháp luật. Mặc khác, do nhận thức và trình độ học vấn thấp nên khả năng kiểm soát và hạn chế hành vi đối với người phạm tội xâm phạm tình dục ở mức độ thấp, nhiều trường hợp người phạm tội xâm phạm tình dục ngay chính cả người thân trong gia đình.
3. Các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm tình dục
3.1. Hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực từ môi trường gia đình
Gia đình cần giáo dục giới tính cho trẻ, ở từng độ tuổi, giới tính khác nhau mà có phương pháp giáo dục khác nhau. Trong đó, phương pháp giáo dục giới tính cần cụ thể, dễ hiểu tránh trường hợp giáo dục giới tính tạo ra sự tò mò, khám phá cho trẻ. Đối với những trẻ có tính cách năng động, trẻ tiếp thu chậm, trẻ chậm phát triển… gia đình cần hiểu tâm lý của trẻ khi đưa ra phương pháp giảng dạy về kiến thức giới tính. Cần tạo lập cho trẻ một đam mê sở thích lành mạnh như đàn hát, bơi lội… để trẻ ít có thời gian rãnh rỗi lang thang trên các diễn đàn Internet.
Gia đình cần thiết kế không gian sinh hoạt cho riêng từng trẻ, đối với từng đối tượng cụ thể. Đối với con từ độ tuổi 4 tuổi cần ngủ riêng với cha mẹ. Cha mẹ cần hạn chế tình trạng cho nhiều con cái sinh hoạt và ngủ trong một không gian chung như ngủ chung một giường nhất là trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Nếu gia đình có con trai đang trong độ tuổi chưa thành niên cần đặc biệt quan tâm giáo dục định hướng mục đích sống của trẻ. Nghiêm cấm trẻ uống rượu, bia, thuốc lá… kể cả khi tổ chức sinh nhật, cắm trại, hội họp dễ làm trẻ kích thích ham muốn tình dục. Tuyệt đối cấm trẻ không được xem phim ảnh, sách, tranh ảnh có nội dung đồi trụy, khiêu dâm (vì đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của trẻ sau này). Cha mẹ cần dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào, cũng như không được chạm vào của các bạn khác, hay của người lớn; dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể cho các em tham gia các lớp học võ thuật để tăng cường kỹ năng bảo vệ bản thân, có cách ứng phó với những tình huống bị xâm phạm tình dục trên thực tế. Khi gặp những tình huống có người lạ bắt chuyện, cha mẹ nên dạy các em nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác có đông người. Có thể dạy trẻ biết nói dối để thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Dạy trẻ cách nhận dạng những hành vi xấu như ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối… Lúc đó, phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
3.2. Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường giáo dục
Nhà trường ngoài việc truyền dạy kiến thức phổ thông cần phải đưa giáo dục giới tính vào nhà trường thành môn học chính khóa bắt buộc để giảng dạy trong các cấp học nhất là các trường ở những huyện vùng xa, vùng sâu. Thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa chuyên đề, lớp kỹ năng về nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh. Đối với từng cấp học cần đưa ra một giáo trình phương pháp giáo dục giới tính khác nhau; tài liệu và phương pháp cần cụ thể, sinh động, đưa ra các tình huống giả định xâm phạm tình dục trên thực tế cuộc sống và cách ứng phó khi gặp tình huống bị xâm hại để phòng ngừa, đặc biệt là các học sinh ở những địa bàn vắng vẻ người qua lại.
Nhà trường cần giáo dục về tình yêu nam nữ và tuyên truyền hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn cho các em. Xây dựng các kênh thông tin học đường giữa nhà trường và học sinh như phòng tư vấn sức khỏe, trung tâm hỗ trợ tâm lý giới tính khi học sinh bị xâm phạm tình dục hoặc có nhu cầu giải đáp về vấn đề giới tính trên thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường cần lắp đặt các hệ thống camera quanh trường để kiểm soát hành vi của học sinh. Đối với các phòng học tin học tất cả các cấp học cần xây dựng phần mềm ngăn cấm truy cập các trang website sex, ảnh khiêu dâm để theo dõi tình hình các em có biểu hiện lệch lạc giới tính, xem phim đồi trụy, ảnh khiêu dâm.
Nhà trường cần bố trí chỗ ngồi cho học sinh để hạn chế trong một lớp không quá nhiều bạn trai, ít bạn gái hoặc quá nhiều bạn gái, ít bạn trai nhằm đảm bảo sự cân bằng về mặt giới tính. Khoảng cách các em học sinh ngồi học phải hợp lý và khoa học không được quá chật chội, đảm bảo về cân bằng giới tính giữa nam và nữ. Phòng học sạch sẽ, không được treo những bức hình, tấm ảnh khiêu gợi tình dục như ảnh khỏa thân, ảnh tắm.
3.3. Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường bạn bè
Hiện nay, Internet đã được phủ sóng, lắp đặt nên việc giao lưu kết bạn đối với các bạn bè mới quen trên các diễn đàn mạng xã hội các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm nhất là các bạn gái ở những vùng nông thôn nhẹ dạ, cả tin dễ là nạn nhân của các vụ xâm phạm tình dục qua mạng xã hội. Vì vậy, cha mẹ cần hạn chế cho con tiếp xúc thân mật và gặp nhau trực tiếp ngoài đời đối với những người mới quen qua mạng xã hội ở những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Gia đình cần thường xuyên quan tâm xem những người bạn bè thân của mình thuộc đối tượng nào như có phải là người có sở thích tình dục, xem phim khiêu dâm hoặc yêu đương với trẻ em để có biện pháp, cơ sở hạn chế tiếp xúc với những bạn bè này để phòng ngừa nguy cơ trở thành chủ thể của các tội xâm phạm tình dục.
Cha mẹ cần giáo dục cho trẻ các kỹ năng đề phòng người lạ có biểu hiện như quan tâm tới con bạn quá mức; tặng con đồ chơi đắt tiền; dành nhiều thời gian ở một mình với con bạn; muốn đưa con bạn đi chơi hoặc đi tham quan, nghỉ mát cùng… để phòng tránh các trường hợp xâm phạm tình dục xảy ra. Ngoài ra, gia đình cần hạn chế cho các em chơi bời với những bạn gái thường xuyên khoe khoang thân thể, khiêu gợi dễ khiến các em không làm chủ được bản thân xâm phạm tình dục đối với nạn nhân.
3.4. Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường kinh tế – xã hội
Thực hiện các giải pháp kinh tế, xã hội để phòng ngừa có hiệu quả tội phạm xâm phạm tình dục như: Giảm tỷ lệ thất nghiệp, thu hẹp khoảng cách về mức sống, về thu nhập của người lao động giữa các vùng trong cả nước để hạn chế thời gian rảnh rỗi nhất là các ngành nghề nông nghiệp và ngư nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn. Tuyên truyền vận động mỗi người dân thực hiện các chương trình quốc gia về kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ nên đẻ từ 1 đến 2 con để đảm bảo giáo dục cho tốt; hướng dẫn cho các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai an toàn. Ngoài ra, đảm bảo thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo vệ nhóm yếu thế (trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật) là đối tượng dễ bị xâm phạm tình dục nhất.
Công tác quản lý cư trú hộ khẩu, khai báo tạm trú cần được đặc biệt quan tâm nhất là các khu công nghiệp, khu du lịch có nhiều dân cư đông đúc. Trong đó, thường xuyên kiểm tra các khu nhà trọ, nhà nghỉ đối với các cặp nam nữ chung sống với nhau mà không phải vợ chồng. Lực lượng Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ như dịch vụ massage, khách sạn, nhà nghỉ nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp tiếp tay cho tội phạm xâm phạm tình dục để xử lý. Đối với dịch vụ Internet, cần phải tuyên truyền phổ biến cho những người hành nghề này cam kết ngăn chặn các trang website khiêu dâm, ảnh sex. Đồng thời, sử dụng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các mối quan hệ bất minh trong quá trình chuẩn bị xâm phạm tình dục đối với người khác.
3.5. Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường văn hóa
Nhận thức rõ vị trí và vai trò của văn hóa tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành nhân cách của con người. Vì vậy, ban hành những chuẩn mực văn hóa tích cực với những đức tính tốt đẹp, tư tưởng đạo đức trong sáng góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường xã hội tốt lành. Thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần đẩy lùi tiêu cực, hạn chế tệ nạn nạn xã hội. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người phát triển toàn diện trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp như sau:
Cần quan tâm tổ chức các loại hình văn hóa lành mạnh, thể dục, thể thao thu hút thanh, thiếu niên và mọi người tham gia nhằm hạn chế việc tìm sở thích xem phim ảnh sex, truy cập các trang website đồi trụy. Nguyên nhân phần lớn các đối tượng phạm tội xâm phạm tình dục đều bị kích thích bởi các phim, ảnh có nội dung khiêu dâm, kích dục. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực có liên quan đến an ninh trật tự, tổ chức phối hợp thanh, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh văn hóa có điều kiện có nguy cơ tội phạm chọn làm địa điểm để thực hiện hành vi xâm phạm tình dục như rạp chiếu phim, nhà xuất bản sách, tranh, ảnh, trung tâm sản xuất đĩa, nhạc… nhằm hạn chế, phòng ngừa tình hình tội phạm xâm phạm tình dục.
Cần ban hành các văn bản quy phạm để hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường văn hóa. Trong đó, tăng cường phòng, chống văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh của các cơ sở kinh doanh Internet, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lập trang web, phát tán, chia sẻ các phim ảnh, bài viết có nội dung khiêu dâm, kích dục. Mặc khác, cần tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng nhập khẩu, tiếp thu thiếu chọn lọc những sản phẩm văn hóa nước ngoài, tình trạng các văn hóa phẩm độc hại, bạo lực được bày bán và sử dụng công khai như hiện nay; phải quản lý chặt chẽ việc kiểm duyệt truyện, sách, báo, game online, băng đĩa, phim ảnh… Ngăn chặn các trang web có nội dung không lành mạnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua mạng Internet hoặc hạn chế khả năng truy cập của người dùng đối với những trang web không lành mạnh, nhằm kiên quyết bài trừ các văn hóa phẩm độc hại.
3.6. Các giải pháp nhằm ngăn chặn tái phạm tội
3.6.1. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án
Công tác thi hành án hình sự có vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời cũng là biện pháp ngăn ngừa người phạm tội xâm phạm tình dục tiếp tục phạm tội; giáo dục, động viên, khuyến khích, giúp cho người phạm tội xâm phạm tình dục hiểu, nhận thức, biết ăn năn hối cải về hành vi mình gây ra và cố gắng sửa chữa. Vì vậy, thời gian tới cần phải tập trung thực hiện tốt công tác sau:
Đối với người phạm tội liên quan đến các tội xâm phạm tình dục, với đặc điểm nhân cách của họ có hành vi biểu hiện lệch lạc về giới tính, sở thích xem phim khiêu dâm, ảnh sex. Cơ quan Thi hành án hình sự cần phải căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức án người chấp hành hình phạt… thực hiện phân loại phạm nhân xâm phạm tình dục để biết được đặc điểm nhân thân, lai lịch, thái độ chấp hành án của từng phạm nhân mà áp dụng các biện pháp, tuyên truyền, quản lý, giáo dục, cải tạo cho phù hợp. Trong đó, giáo dục người phạm tội xâm phạm tình dục về giới tính, quan hệ tình dục an toàn, tác động của phim, tranh ảnh khiêu dâm đến nhận thức của con người, tập trung giáo dục nhân cách, đạo đức, chuẩn mực xã hội, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, lối sống và sinh hoạt lành mạnh.
Đa phần người phạm tội xâm phạm tình dục thường không có việc làm hoặc việc làm không ổn định và trình độ học vấn thấp. Vì vậy, cần có chương trình đào tạo những ngành nghề đơn giãn, dễ hiểu, dễ tiếp thu cho người phạm tội xâm phạm tình dục. Đảm bảo cho họ sau khi chấp hành xong hình phạt tù họ có thể kiếm sống lương thiện bằng nghề đã được học. Tuy nhiên, việc dạy nghề cho phạm nhân hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như cơ sở vật chất cho dạy nghề ở trại giam còn rất thiếu, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có của trại, cho nên số phạm nhân được học nghề chưa nhiều. Một số phạm nhân đã có tay nghề vững thì việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ cho họ lại chưa được quan tâm thực hiện, nên thực tế sau khi mãn hạn tù họ khó xin việc; mặc khác một số phạm nhân có nơi cư trú trước khi phạm tội là ở đô thị nhưng đào tạo nghề cho phạm nhân chủ yếu là nghề thủ công, mỹ nghệ, sản xuất nông lâm ngư nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản… Do vậy, nhiều phạm nhân khi chấp hành xong trở về địa phương không thể áp dụng nghề đã học vào cuộc sống. Để việc dạy nghề cho phạm nhân mang lại hiệu quả hơn thì việc cần làm ngay là phải đa dạng hóa các ngành nghề dạy cho phạm nhân, không chỉ dạy các ngành nghề như sửa chữa ô tô, xe gắn máy, đồ điện tử gia dụng, xây dựng, may mặc…mà phải mở rộng thêm các nghề dịch vụ, tin học, quản lý kinh doanh… Phải chuyển từ việc dạy các nghề nông nghiệp, thủ công sang các nghề sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản… để tăng khả năng tìm kiếm việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp.
3.6.2. Thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cho người chấp hành xong hình phạt
Người phạm tội xâm phạm tình dục là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng xã hội, nhưng sẽ càng đáng buồn hơn nếu gia đình và xã hội kỳ thị, không cho họ một cơ hội hoàn lương. Điều này, dễ đẩy họ vào con đường tái phạm, không còn niềm tin và ý chí làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, các chương trình giúp người phạm tội xâm phạm tình dục tái hòa nhập cộng đồng đã và đang được các cấp ngành xã hội đặc biệt quan tâm. Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau: Đối với người bị kết án xâm phạm tình dục, bản thân họ sau khi gây án đã bị sự lên án, chỉ trích của người khác nên khi trở về cộng đồng không ít trường hợp họ cảm thấy mặc cảm, thậm chí có không ít trường hợp mắc bệnh trầm cảm. Vì vậy, việc tuyên truyền, giải thích cho người bị hại, người thân trong gia đình người bị kết án, người dân hiểu nguyên nhân hành vi phạm tội, chia sẽ và giúp cho người bị kết án xâm phạm tình dục quay trở lại hòa nhập cộng đồng. Số ít trường hợp sau khi chấp hành án về, người bị kết án phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác vì sợ mặc cảm và người dân dèm pha. Vì vậy, đối với những trường hợp trên các cấp ban ngành cần động viên, khích lệ và giúp đỡ người bị kết án xâm phạm tình dục khi họ quay trở về địa phương như tạo điều kiện công ăn việc làm, hướng dẫn thủ tục xóa án tích khi đủ điều kiện. Ngoài ra, trong thời gian người bị kết án trở về cộng đồng cần theo dõi biểu hiện và hành vi lệch lạc tình dục của họ có thay đổi theo chiều hướng tích cực hay không để kịp thời nắm bắt, theo dõi.
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình Tội phạm học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.149;
[2] Võ Khánh Vinh (2008), Giáo trình tội phạm học, Trường Đại học Huế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.131;
[3] Viện ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.1054;
[4] Viện ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.917;
[5] Trần Hữu Tráng (2010), Bàn về nguyên nhân tội phạm học, Tạp chí Luật học, (số 11), tr.45.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận