Cách mạng Tháng Tám – Bài học lịch sử quý giá
Cách đây tròn 75 năm, chỉ sau 15 ngày cuối tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát xít. Từ đây, đất nước, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Cuộc cách mạng long trời lở đất ấy, để lại cho đời sau những bài học vô cùng quý giá.
Thời điểm lịch sử
Sau khi nước Pháp bị phát xít Đức đánh bại và chiếm đóng, Đảng Cộng sản Đông Dương thay đổi chiến lược cách mạng, tập hợp lực lượng cơ bản, vũ trang quần chúng, chờ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc. Tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Cao Bằng. Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vì thời cơ chưa đến, kẻ thù vẫn còn mạnh. Đến ngày 12/3/1945, Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa chỉ đạo hành động, chuẩn bị mọi lực lượng để đón thời cơ khởi nghĩa một cách chủ động đã được Đảng đề ra, phù hợp với tình hình lúc đó.
Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, với tinh thần “dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập ủy ban Dân tộc Giải phóng do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người cũng khẳng định: “Chúng ta không thể chậm trễ”.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một quyết định thiên tài.
Buổi chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng những giá trị phổ quát của nhân loại: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
“Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
“Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”…
Sau khi lên án những tội ác của thực dân Pháp, hoàn cảnh giành chính quyền, Tuyên ngôn nêu rõ: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Những bài học lớn
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kết thúc thắng lợi với sự ra đời của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, để lại cho đời sau nhiều bài học rất sâu sắc, có giá trị thực tiễn lớn lao.
Trước hết, đó là bài học về nắm bắt thời cơ. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, luôn theo dõi, bám sát những biến đổi của tình hình trong nước và thế giới, chủ động, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, chuẩn bị đón thời cơ, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng nhân dân tận dụng thời cơ thuận lợi để giành thắng lợi là bài học nổi bật nhất về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, bài học ấy còn nguyên giá trị. Thế giới biến động không ngừng, thời cơ và thách thức đan xen, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm và bài học quý báu đó mà phải không ngừng chuẩn bị năng lực về mọi mặt để nắm được mọi thời cơ đưa đất nước đi lên, ổn định và phát triển.
Thứ hai là bài học về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng, của khối đại đoàn kết dân tộc. Bằng nhiều hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng phù hợp, hoạt động hiệu quả, Việt Minh đã thu hút được tất cả những cá nhân, đoàn thể, dù theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do độc lập, nên đã hình thành được các tổ chức quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc… quy tụ được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào công cuộc giành độc lập dân tộc.
Từ bài học đó, ngày nay chúng ta phải luôn luôn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, để phát huy vai trò, nhất là giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải bảo đảm những lợi ích thiết thực, những quyền lợi chính đáng của nhân dân; người dân phải được hưởng thụ bình đẳng những thành quả cách mạng, thành quả của sự nghiệp đổi mới; phải thực hành dân chủ rộng rãi, tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; tạo dựng và bảo đảm đồng thuận xã hội, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; gắn những lợi ích và quyền lợi của các tầng lớp nhân dân với vận mệnh và lợi ích dân tộc; gắn thực hành, mở rộng dân chủ với tăng cường kỷ cương.
Bài học thứ ba là phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong mọi hoàn cảnh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm vững thời và thế, phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được Đảng vận dụng linh hoạt để đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập. Đó chính là nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, kịp thời quyết định đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế trên cơ sở đổi mới từng bước về chính trị; vừa tranh thủ và phát huy sức mạnh nội lực, vừa tranh thủ, tận dụng những cơ hội của thế giới, của thời đại mang lại, để không chỉ đưa đất nước chuyển mình theo hướng tích cực, dần vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện, mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận