Căn cứ xác định pháp nhân thương mại là đồng phạm trong vụ án hình sự

Kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành thì đã có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đặt ra câu hỏi liệu pháp nhân thương mại có thể là đồng phạm trong vụ án hình sự hay không? Nếu có thì có trường hợp pháp nhân thương mại là đồng phạm với pháp nhân thương mại không và có thể xảy ra đồng phạm giữa pháp nhân thương mại và cá nhân?

Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) lần đầu tiên ghi nhận chủ thể của tội phạm không chỉ là thể nhân (cá nhân) mà còn bao gồm cả pháp nhân. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, BLHS 2015 chỉ coi pháp nhân thương mại mới là chủ thể của tội phạm chứ không phải bất kỳ pháp nhân nào cũng là chủ thể của tội phạm. Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Quy định của luật

Thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS 2015 trong việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội vẫn còn nhiều vướng mắc bất cập, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành thì đã có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đặt ra câu hỏi liệu pháp nhân thương mại có thể là đồng phạm trong vụ án hình sự hay không? Nếu có thì có trường hợp pháp nhân thương mại là đồng phạm với pháp nhân thương mại không và có thể xảy ra đồng phạm giữa pháp nhân thương mại và cá nhân?

Quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS 2015 như sau:

“ 1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Như vậy, đồng phạm phải là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm có thể bao gồm người thực hành, người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục. Như vậy, với khái niệm đồng phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 BLHS 2015 thì nhà làm luật đã xác định người đồng phạm ở đây chỉ phù hợp cho việc giải thích các loại người đồng phạm là thể nhân, không phù hợp để giải thích cho khái niệm pháp nhân thương mại.

Điều 8 BLHS 2015 thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”. Như vậy, trong khái niệm tội phạm, BLHS 2015 đã quy định rõ có hai chủ thể chính thực hiện hành vi phạm tội gồm “người có năng lực trách nhiệm hình sự” và “pháp nhân thương mại”.

Chính vì sự quy định thiếu thống nhất trong nội dung của các điều luật nên đã dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định đồng phạm trong BLHS. Có quan điểm cho rằng: Căn cứ vào nội dung hai điều luật nói trên thì trong quy định về đồng phạm rõ ràng là không có quy định liên quan đến pháp nhân thương mại mà chỉ đề cập đến việc “hai người” trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm hoặc có sự câu kết chặt chẽ giữa “những người” cùng thực hiện tội phạm. Do đó, không xảy ra đồng phạm giữa pháp nhân thương mại với nhau hoặc giữa pháp nhân thương mại với cá nhân.

Cần thống nhất cách hiểu và áp dụng

Tác giả cho rằng, đúng là các quy định của BLHS 2015 có sự thiếu thống nhất, thiếu sự đồng bộ trong phần thứ nhất: Những quy định chung nhưng cũng không nên hiểu theo cách hiểu như trên, vì sẽ không giải quyết được triệt để các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội khi đưa pháp nhân thương mại trở thành chủ thể của tội phạm.

Nghiên cứu các quy định trong BLHS 2015 thấy rằng:

+ BLHS 2015 có các quy định chung đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại với các quy định khác về chủ thể của tội phạm là thể nhân. Đây là các quy định mà theo nhà làm luật, điều chỉnh các vấn đề trách nhiệm hình sự chung cho cả chủ thể là thể nhân và pháp nhân thương mại. Thông thường, tuy được quy định trong cùng một điều luật nhưng các quy định liên quan đến thể nhân và pháp nhân thương mại lại được quy định trong các khoản khác nhau; hay nói cách khác, quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội được quy định trong khoản riêng của các điều luật.

+ Các quy định về pháp nhân thương mại phạm tội được quy định trong một điều riêng (Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội) hoặc chương riêng mang tính đặc thù đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội). Trong chương này gồm các quy định mang tính đặc thù, chỉ áp dụng riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà không phải đối với tất cả các chủ thể của tội phạm.

Ở đây, về mặt lý luận, có một vấn đề được đặt ra là liệu các điều luật phần chung BLHS không đề cập đến pháp nhân thương mại thì có được áp dụng đối với chủ thể này hay không. Ví dụ các quy định về hiệu lực của BLHS, các quy định về chuẩn bị phạm tội (Điều 14), phạm tội chưa đạt (Điều 15), các quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (Chương IV); các quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27, Điều 28), quy định về đồng phạm (Điều 17)… Theo chúng tôi, các điều luật đó là quy định phần chung, tức là cơ sở chung cho việc quy định trách nhiệm hình sự cho mọi trường hợp; cho nên, nếu không trái với bản chất của chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội thì vẫn áp dụng đối với chủ thể đó. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 74 BLHS 2015: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Về mặt lý luận, theo chúng tôi cần thống nhất một số vấn đề. Thuật ngữ pháp lý, “Người” (person) trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới được hiểu là bao gồm hai loại: Thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person). Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật lập pháp, trong BLHS 2015 của Việt Nam lại có sự quy định không thống nhất, có điều luật ghi là “người”, có điều luật lại ghi nhận cả “người” và “pháp nhân thương mại” nên đã tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Cho nên, trong tương lai, khi chúng ta có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLHS lần tiếp theo thì các quy định chung cho thể nhân, pháp nhân chỉ cần quy định thuật ngữ chung là người và không phân biệt trong mỗi quy phạm. Các quy định riêng đối với pháp nhân mới được quy định trong một chương riêng. Vì vậy, không ngẫu nhiên mà Điều 74 BLHS 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của chương này; theo các quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Quy định của Điều 74 BLHS có nghĩa rằng, các quy định ở Chương XI BLHS là quy định riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội; còn các quy định khác ở Phần thứ nhất (trừ Chương XII) là quy định chung cho cả thể nhân và pháp nhân thương mại phạm tội.
Như vậy, với quy định tại Điều 17 BLHS 2015 về đồng phạm cần hiểu nội dung điều luật điều chỉnh đối với cả chủ thể của tội phạm là cá nhân và pháp nhân thương mại. Khi xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại, cần xác định, chứng minh thỏa mãn với các điều kiện, căn cứ như đối với cá nhân. Cần lưu ý rằng, do pháp nhân thương mại là chủ thể mới của BLHS 2015 nên khi xem xét, chứng minh cần xác định chính xác điều kiện xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, cụ thể:

– Pháp nhân thương mại bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) thông qua hành vi phạm tội của thể nhân. Thể nhân đó có thể là người làm công, đại lý hoặc bất kỳ nhân viên nào của pháp nhân thương mại; có thể là người lãnh đạo, quản lý, điều hành (nhân viên cao cấp) của pháp nhân thương mại. Những người này đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự của quốc gia. Không có hành vi của thể nhân thì không có TNHS của pháp nhân thương mại. Ví dụ, để thiết lập sự hiện diện của ý định trong các hoạt động của pháp nhân, luật hình sự Mỹ yêu cầu xem xét các hành động của nhân viên và truy cứu TNHS pháp nhân, nếu nhân viên đã hành động, trước hết, thuộc thẩm quyền của mình và thứ hai, với mục đích mang lại lợi ích cho tổ chức.

– Để xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, giữa pháp nhân thương mại và thể nhân bao giờ cũng tồn tại mối quan hệ ràng buộc nhất định. Pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về hành vi phạm tội của thể nhân khi người đó thực hiện hành vi nhân danh tổ chức, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân thương mại. Đồng thời thể nhân đó thực hiện hành vi trong phạm vi chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được pháp nhân thương mại giao. Trong thuyết trách nhiệm thay thế – đó là người làm công, đại lý và ràng buộc với nhau bằng hợp đồng; trong thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm – đó là người chỉ huy, quản lý, lãnh đạo, điều hành (nhân viên cao cấp) quyết định chính sách của pháp nhân; trong thuyết văn hóa – đó là bất kỳ nhân viên nào của pháp nhân và ràng buộc với nhau bằng văn hóa pháp nhân.

– Để xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, thì hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện phải vì quyền lợi, lợi ích của pháp nhân thương mại đó. Nếu không chứng minh được hành vi phạm tội mà thể nhân đã thực hiện là vì lợi ích của pháp nhân thương mại, thì pháp nhân thương mại đương nhiên không phải chịu TNHS đối với hành vi phạm tội đó do thể nhân thực hiện.

– Thể nhân đó khi thực hiện hành vi phạm tội là do được sự nhất trí của lãnh đạo, chỉ đạo, đồng ý của pháp nhân thương mại thì lúc này, pháp nhân thương mại mới phải chịu TNHS đối với hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện. Trong trường hợp thể nhân thực hiện hành vi phạm tội một cách tự phát, không do sự chỉ đạo, đồng ý của pháp nhân thương mại thì không thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện được.

– Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại thông thường không loại trừ TNHS của cá nhân đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm cụ thể. Nói cách khác, đồng thời với việc pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS, cá nhân đã có hành vi mà vì nó pháp nhân thương mại phải chịu TNHS cũng có thể bị truy cứu TNHS. Điều kiện này đặc trưng cho việc truy cứu TNHS theo thuyết trách nhiệm thay thế và thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm mà không nhất thiết đối với thuyết văn hóa pháp nhân. Đối với thuyết văn hóa pháp nhân, có thể truy cứu TNHS đối với tổ chức mà không nhất thiết xác định TNHS của thể nhân là thành viên pháp nhân đó.

Điều này cũng phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 85 BLHS 2015 [ ] quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại có ghi nhận: “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Quy định “câu kết” ở đây phải được hiểu là “cùng cố ý” thực hiện một tội phạm. Từ đó xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bởi, trong thực tiễn, pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm với vai trò tổ chức, xúi giục, giúp sức. Nếu không xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không có căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý khi pháp nhân có hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức tội phạm và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

Đây là một vấn đề khá mới mẻ và hiện còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau, rất mong nhận được ý kiến, quan điểm của bạn đọc cả nước về vấn đề này để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất./.

1. Điều 85. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;
b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

PHẠM HOÀI NGÂN