Cần điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thảo luận Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số đại biểu thống nhất cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 09/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, về nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong Tờ trình của Chính phủ có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, tuy nhiên hầu như đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan. Thậm chí có nguyên nhân chưa có tính thuyết phục cao, như do đại dịch Covid-19.
Đại biểu đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Ngoài ra, công tác triển khai đề án đào tạo nghề giải quyết việc làm và tổ chức lại đời sống cho người dân được tiến hành quá chậm, trong khi đây là nội dung quan trọng của dự án. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga
Không còn lùi thời hạn nữa
Về sự cần thiết và thẩm quyền điều chỉnh một số nội dung liên quan tới Nghị quyết 53/2017/QH14, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn. Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như là triển khai công tác giải ngân các dự án. Việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, đồng thời kết nối với quốc tế. Đại biểu ghi nhận trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn một. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là một giải pháp rất là hợp lý của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và ý kiến một số đại biểu đã phát biểu trước vẫn còn một số băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ trên thực tế thì tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Lý do nêu là khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID - 19, đại biểu cho rằng đây không phải lý do chính. Bởi vì quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021. COVID-19 diễn ra tại Đồng Nai là vào giữa năm 2021. Như vậy, đây không phải là lý do chính. Đại biểu cho rằng còn có nhiều nguyên nhân và Chính phủ cũng như tỉnh cần phải có những phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi chúng ta triển khai những dự án tương tự thì chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp.
Về yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm. Đại biểu đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025. Đại biểu cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ. Đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?
Về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề nội dung này có đủ điều kiện để có thể xem xét kéo dài ngân sách vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước không? Điều này Chính phủ cần làm rõ cho Quốc hội.
Nêu rõ dự án sân bay Long Thành là một dự án rất là lớn và vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa XIV thì ban hành Nghị quyết 53/2017/QH14 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. "Lần này Quốc hội khóa XV xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần. Điều này là một sự cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn và hy vọng là tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa"- đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đã thu hồi
Tham gia phát biểu, đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của tỉnh Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kinh tế xã hội khó khăn. Đến nay công tác này đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, như: giải phóng mặt bằng đến nay chưa xong; tiến độ đầu tư kéo dài; giải ngân vốn đầu tư chậm… Từ những hạn chế trên nên, đại biểu cho rằng, một số chỉ tiêu cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng. Cụ thể, cần giảm tổng mức đầu tư, giảm diện tích đất thu hồi, bổ sung tái định cự một số hộ dân do phát sinh vào khu dân cư, tái định cư Lộc An- Bình Sơn…
Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết bởi thời hạn giải phóng mặt bằng đã hết nhưng công tác này còn chưa thực hiện xong, thời gian thực hiện vốn đầu tư và giải ngân đã hết trong khi nhiều dự án thành phần đang dở dang chưa hoàn thành.
Đánh giá hồ sơ trình của Chính phủ đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đại biểu cho biết, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu dân cư Bình Sơn và đất khu nghĩa trang đã hoàn thành bằng vốn ngân sách nhà nước, nay không có nhu cầu sử dụng vào mục đích của dự án. Đại biểu đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Quốc hội cho chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đã thu hồi vào mục đích khác, nhằm tránh gây khiếu kiện vì đất không sử dụng đúng mục đích.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) bày tỏ thống nhất với việc kéo dài các nội dung tại Nghị quyết 53. Đề cập tới nội dung giải quyết đề án việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc diện di dời, giải toả và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân ở khu vực bị thu hồi đất, đại biểu cho biết, thực hiện cái Quyết định số 1487 ngày 6/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2281 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân trong vùng thuộc dự án sân bay quốc tế Long Thành. Với mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ miễn phí học phí cũng như học tập giáo dục phổ thông, đại học với kinh phí dự kiến khoảng trên 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, nội dung chi đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được giải ngân do giai đoạn 2019-2022, các hộ dân đã nhận quyết định thu hồi đất, nhận suất tái định cư để xây dựng nhà. Như vậy, bước đầu đã ổn định được cuộc sống nên chưa có nhu cầu đăng ký học nghề và giải quyết việc làm.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Long Thành để tổ chức tuyên truyền, tổng hợp các cái nhu cầu về đăng ký đào tạo nghề, giải quyết việc làm của người dân. Trong thời gian này, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có chỉ đạo về khảo sát nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực cho người dân ở các cơ sở cung ứng việc làm, đồng thời yêu cầu các đơn vị này cam kết với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ưu tiên sử dụng lao động là người của địa phương với tỉ lệ nhất định.
Đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch và Trung tâm giới thiệu việc làm cũng đã tổ chức được ba sàn giao dịch với số lượng đăng ký nhu cầu là khoảng là 9473 người, đã tư vấn việc làm cho 725 lượt người, tiếp nhận hồ sơ là 576 hồ sơ của người có nhu cầu giải quyết việc làm.
Theo đại biểu, hầu như các hộ dân trong vùng dự án đều đang ở tuổi lao động và đang có việc làm. Do vậy, khi giải tỏa, nhu cầu việc làm không phải là quá lớn. Do đó, việc thực hiện giải ngân trong đề án giải quyết việc làm đạt không nhiều.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Tổ và tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay đối với dự án này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau phiên thảo luận tại Tổ, cơ quan soạn thảo đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai... Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trường cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 7 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất sự cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53.
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những cố gắng của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng cũng còn những nguyên nhân chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chủ yếu là do 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng cũng đề nghị đánh giá thêm các nguyên nhân khác để rút kinh nghiệm.
Có đại biểu đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm trong việc tăng, giảm tổng mức đầu tư, diện tích sử dụng đất kéo dài thời gian thực hiện dự án. Có đại biểu đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và đề nghị kịp thời xử lý các vướng mắc đối với dự án trọng điểm.
Đa số các đại biểu thống nhất cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Có đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tính khả thi khi chỉ cho phép kéo dài việc thực hiện đến hết năm 2024. Có đại biểu đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ, có giải pháp quyết liệt hơn, không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn tiếp theo...
Có đại biểu đề nghị đánh giá rõ việc điều chỉnh thời gian thực hiện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2025 đưa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác. Các đại biểu đều thống nhất phải bố trí đủ vốn cho dự án và thống nhất với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024.
Nhưng cũng có nhiều đại biểu cho rằng số vốn chưa giải ngân đã hủy dự toán, quyết toán kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc nên không thể kéo dài thời gian giải ngân vốn và đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất phương án xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến như hình thức quyết định của Quốc hội, Nghị quyết chung hay cần có nghị quyết riêng về vấn đề này. Cụ thể hơn thông tin, số liệu điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng và triển khai hiệu quả đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng của dự án, thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chú ý đến vấn đề đảm bảo các cơ sở hạ tầng xã hội.
Có đại biểu cũng đề nghị một số nội dung tương tự thì Quốc hội nên ủy quyền giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải quyết. Đồng thời cũng lưu ý các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời đề xuất xử lý các vấn đề tồn tại, không để kéo dài nhiều năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Bài liên quan
-
Tòa án nhân dân các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội
-
Quốc hội tiếp tục kế thừa, đổi mới và phát triển hoạt động lập hiến trong giai đoạn hiện nay
-
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận