Cần đồng bộ các chính sách về lao động và BHXH

Quy định mới về tăng tuổi nghỉ hưu trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động. Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên và đưa ra nhiều nhận định quan trọng.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, chính sách BHXH, trong đó có chính sách hưu trí là một trong những bộ phận quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Việc xác định tuổi nghỉ hưu căn cứ vào nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội. Một trong những chỉ tiêu quan trọng là tình trạng sức khỏe, thể lực và trí lực của NLĐ; tuổi thọ bình quân của NLĐ, cơ cấu độ tuổi lao động (bao nhiêu người trẻ, bao nhiêu người trong độ tuổi lao động và bao nhiêu người già) và đặc biệt là trình độ phát triển của nền kinh tế- xã hội.

Theo xu hướng chung, nền kinh tế luôn phát triển dẫn đến đời sống của NLĐ nói riêng và toàn dân nói chung được cải thiện. Khi sức khỏe tốt lên và tuổi thọ tăng lên, sẽ dẫn đến xu hướng già hóa dân số. Các nước trên thế giới thực hiện điều chỉnh từng bước như kéo dài độ tuổi làm việc và chắc chắn Việt Nam phải kéo dài độ tuổi nghỉ hưu sẽ sử dụng nguồn lực cho hiệu quả.

* PV: Như ông đã nói, việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Vậy, phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đề xuất như thế nào?

– Ông Đỗ Văn Sinh:

Chính sách BHXH tại Việt Nam được thực hiện đã trên 70 năm. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 54/1945. Khi đó, NLĐ là công chức nhà nước và lực lượng vũ trang đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ thì được nghỉ hưu. Thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của chúng ta thấp, khoảng 55-56 tuổi.

Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đã phát triển, theo đó tất cả các điều kiện kinh tế- xã hội phát triển theo, dẫn đến đời sống của nhân dân nói chung, đặc biệt của NLĐ được cải thiện rất nhiều. Tuổi thọ bình quân tại Việt Nam khoảng 74, đặc biệt nhóm người có độ tuổi từ 55 trở lên có tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi.

Tôi cho rằng, sức khỏe được cải thiện, càng những người đã có thời gian làm việc thì kinh nghiệm càng lớn, nhất là những người có trình độ trí óc và biết sử dụng công nghệ cao. Nếu không có chính sách điều chỉnh vấn đề này, thì thực sự lãng phí nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số già, không có sự điều chỉnh kịp thời bằng cách kéo dài thời gian lao động và tăng tuổi nghỉ hưu, thì trong tương lai gần sẽ thiếu nguồn nhân lực.

Mặc dù Việt Nam đang xuất khẩu lao động, nhưng các nước phát triển hơn chúng ta hàng chục năm đang trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực (Hàn Quốc, Nhật, Malaysia…). Do vậy, chúng ta phải tính trước vấn đề này, bởi đến giai đoạn nhất định Việt Nam cũng thiếu và không thể thu hút nguồn nhân lực từ các quốc gia khác- đây là vấn đề cần sớm điều chỉnh.

Một trong những yếu tố xác định tuổi nghỉ hưu phụ thuộc rất lớn vào trình độ nền kinh tế- xã hội. Các nước phát triển ở bậc cao đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhiều lần, nên tuổi nghỉ hưu của những nước đó cao. Phương án điều chỉnh của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước, nhưng đây là phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển nền kinh tế. Do vậy, dự báo đến năm 2028 mới có lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2035 mới có lao động nữ về hưu ở tuổi 60. Tuy nhiên, có thể sau năm 2035, chúng ta nên xem xét điều chỉnh lại như các nước đã làm, nếu điều kiện phát triển và hiệu quả quản lý của chúng ta cao hơn.

* Theo ông, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có tác động tích cực thế nào đến xã hội, trong đó có quỹ BHXH?

– Quỹ BHXH là nguồn tài chính quan trọng nhất để đảm bảo đủ nguồn lực chi trả cho tất cả những người đã tham gia BHXH và có thời gian đóng góp cho quỹ BHXH. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc nguồn tài chính đóng góp cho quỹ tăng lên, sự đóng góp của chủ SDLĐ, NLĐ cũng như việc quỹ BHXH được đầu tư phát triển. Đây là quỹ tích lũy, dùng chung cả cộng đồng NLĐ và xã hội; vì vậy khi nguồn lực này tăng lên thì sức đảm bảo về mặt tài chính ổn định và bền vững hơn.

Trong xã hội, cần thiết có nhiều nhóm lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Do vậy, mọi chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải gắn kết các nhóm, lực lượng lao động cho phù hợp. Trong dự thảo lần này, chúng ta đang kế thừa tinh thần đó và tôi cho rằng như thế vừa phù hợp với yêu cầu quản lý nói chung, vừa phù hợp với tất cả các loại hình ngành nghề lao động nói riêng.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng ta sửa đổi Luật BHXH cũng cần khảo sát thêm đối với các nhu cầu của từng nhóm NLĐ, thậm chí phải kết hợp hài hòa giữa thực hiện chính sách BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện, để cân đối lại nhu cầu và giải quyết được vấn đề quyền lợi của NLĐ.

* Vậy, đâu là phương án để đảm bảo tính bền vững lâu dài của quỹ BHXH?

– Tôi cho rằng, chính sách lao động (có tuổi nghỉ hưu) và quỹ BHXH cũng như chính sách cho người nghỉ hưu gắn rất chặt với việc ban hành Luật BHXH. Song, rất tiếc trong kỳ họp lần này chúng ta mới thông qua được Bộ luật Lao động. Tôi hy vọng, thời gian tới Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) bởi hai chính sách này gắn kết với nhau.

Theo đó, việc sửa đổi chính sách BHXH phải đảm bảo nguyên tắc: Không được giảm quyền lợi được hưởng, thậm chí phải từng bước tăng dần theo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo sự công bằng, hợp lý đối với những người tham gia và hưởng BHXH trong mọi thời kỳ; đảm bảo hài hòa giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác như chính sách ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội…

Tôi tin rằng, thời gian tới, chúng ta sẽ có hệ thống chính sách đồng bộ để đất nước phát triển bền vững, qua đó đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ và người dân.

* Trân trọng cảm ơn ông!

 

Trương Tuấn