Cần mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Mặc dù pháp luật về thi hành án hình sự nói chung và về chế định giảm thời hạn chấp hành án phạt cho phạm nhân nói riêng đã ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng còn có một số quy định mà các hướng dẫn để triển khai vẫn còn chưa có, chưa kịp thời nên việc vận dụng áp dụng còn có những khác nhau trong cách thức giải quyết.

Về quy định của pháp luật

Qua thực tiễn thực hiện chế định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020), thì hiện mới có một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của các Cơ quan tư pháp Trung ương ban hành; tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn, ban hành trong đó có hướng dẫn về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Do vậy, hiện nay vẫn phải vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì vấn đề thẩm quyền của Hội đồng xét giảm được quy định, hướng dẫn tại khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì “Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng quyết định: “a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; c) Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.”.

Bất cập trong thực tiễn

Phạm nhân Nguyễn Văn A đã chấp hành được trên ½   mức án phạt (cụ thể Nguyễn Văn A bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Đánh bạc”. Tính đến kỳ xét giảm 30/4/2021 đã chấp hành án phạt tù được 04 năm 02 ngày; đã được giảm thời hạn chấp hành án 01 lần với thời gian được giảm là 07 tháng đợt xét giảm 02/9/2020. Đợt 30/4/2021 đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là lần thứ hai (lần này là trước 01 kỳ) thời gian chấp hành án còn lại là 4 tháng 28 ngày). Tuy nhiên, Trại đề nghị trên cơ sở thẩm định của Cơ quan quản lý Thi hành hình sự có thẩm quyền chỉ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân 4 tháng. Phạm nhân Nguyễn Văn A tại kỳ xét giảm 30/4/2021, có đủ điều kiện để được xét giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại hay không?

Qua tình huống này, thì các quan điểm mặc dù có quan điểm giải quyết khác nhau nhưng đều có điểm chung nhau, đó là mặc dù Điều 38 Luật Thi hành án hình sự  có quy định “5. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 3 đợt. Người chấp hành án mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần. Trường hợp sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng không quá 02 lần trong 01 năm.”. Như vậy, theo quy định trên thì Nguyễn Văn A do đã được xét giảm ở đợt 2/9/2020. Phải thỏa mãn trường hợp: Đáng được khoan hồng như lập công, đã quá già yếu hoặc bệnh hiểm nghèo thì phải tới đợt 02/9/2021 mới được đề nghị xét giảm lần thứ hai. Tuy nhiên, các quan điểm đều đồng tình cho rằng, nếu để đến đợt 2/9/2021 thì phạm nhân Nguyễn Văn A đã chấp hành xong hình phạt tù và ra trại.

Do lần xét giảm lần thứ nhất đợt 2/9/2020, phạm nhân A đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 7 tháng; thì thời hạn tù còn lại dưới 12 tháng. Do vậy, vận dụng nội dung hướng dẫn tại khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 thì “Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là một năm. Trường hợp đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm một lần. Trường hợp sau khi đã được giảm thời hạn mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm thêm nhưng không được quá hai lần trong một năm”. Trên cơ sở hướng dẫn này các quan điểm đều có điểm chung thống nhất là phạm nhân Nguyễn Văn A thỏa mãn được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trước 1 đợt. Tuy nhiên, việc chấp nhận giảm thời hạn chấp án ở đợt 30/4/2021 đối với phạm nhân Nguyễn Văn A như thế nào thì có 02 quan điểm giải quyết như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng Toà án mà cụ thể ở đây là Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Trại giam đối với phạm nhân Nguyễn Văn A với mức giảm 4 tháng. Thời hạn còn lại mà Nguyễn Văn A còn phải chấp hành là 28 ngày (kể từ ngày 30/4/2021). Căn cứ theo các quy định tại Điều 63 BLHS, Điều 38 Luật Thi hành án hình sự và khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013.

Quan điểm thứ  lại cho rằng Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù chấp nhận một phần đề nghị của Trại giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân Nguyễn Văn A là 04 tháng 28 ngày (kể từ ngày 30/4/2021); là phù hợp với quy định của pháp luật. Căn cứ theo các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 63 BLHS; Điều 38 Luật Thi hành án hình sự và vận dụng Điều NQ số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán, theo đó tại điểm d khoản 1 Điều 2 có quy định: “ Đối với người được đề nghị xét giảm, nếu sau khi được chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với họ, mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại không quá 1 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm toàn bộ phần hình phạt còn lại.”.

Như vậy, qua tình huống cụ thể trên cho chúng ta thấy mặc dù pháp luật về thi hành án hình sự nói chung và về chế định giảm thời hạn chấp hành án phạt cho phạm nhân nói riêng đã ngày càng hoàn thiện và đã được các cơ quan tư pháp ở Trung ương ban hành hướng dẫn kịp thời tạo thuận lợi cho vận dụng áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, cũng còn có một số quy định mà các hướng dẫn để triển khai vẫn còn chưa có, chưa kịp thời nên việc vận dụng áp dụng còn có những khác nhau trong cách thức giải quyết mà chúng tôi nêu vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trong giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là một ví dụ.

Qua tình huống này, cá nhân người nghiên cứu thấy có hai vấn đề cần trao đổi:

Một là, vấn đề khi nào phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành phạt tù trước một đợt;

Hai là, vấn đề thẩm quyền của Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Theo quy định thì thẩm quyền của Hội đồng, cụ thể: Không chấp nhận đề nghị giảm; chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm hoặc chấp nhận một phần đề nghị giảm. đối với hai trường hợp này thì chỉ xẩy ra các trường hợp chấp nhận bằng hoặc thấp hơn mức đề nghị chứ không có thẩm quyền chấp nhận mức cao hơn đề nghị của Trại.

Đối với cả hai vấn đề trên qua tình huống cụ thể mà tác giả đã nêu, tôi có quan điểm là hiện tại phạm nhân Nguyễn Văn A không thỏa mãn xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trước một đợt và do vậy đặt tình huống nếu ở đợt xét giảm 30/4/2021 phạm nhân Nguyễn Văn A không phải là trước một đợt mà thời hạn phạt tù còn lại là 4 tháng 28 ngày thì Tòa án cũng không thể chấp nhận một phần đề nghị của Trại để giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân được.

Lý do, tôi đồng tình với nhận định ở quan điểm thứ nhất. Vì theo quy định của pháp luật và vận dụng nội dung hướng dẫn tại khoản 3 Điều 15 của Thông tư liên tịch số 02 ngày 15/5/2013 đã hướng dẫn thẩm quyền Tòa án không được chấp nhận mức cao hơn đề nghị của Trại, trừ trường hợp theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15:  “c) Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.”. Và, đối với điểm c hướng dẫn như trên áp dụng với trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn A là không phù hợp. Do vậy, không thể chấp nhận một phần để giảm hết thời gian chấp hành án cho phạm nhân Nguyễn Văn A được. Mặc dù, theo quan điểm của tôi ở đây chính là một bất cập cần có sự hoàn thiện về quy định và hướng dẫn tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.  Đặc biệt là đối với Tòa án, để giải quyết vấn đề này theo cá nhân tôi cần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các quy định về thi hành án hình sự trong đó có vấn đề về thẩm quyễn của Tòa án trong công tác giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Tòa án.

Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện

Một là, cần bổ sung trường hợp nếu phạm nhân đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt vào quy định tại khoản 5 Điều 38 Luật Thi hành án hình sự. Sau khi đã bổ sung trường hợp trên thì khoản 5 Điều 38 Luật thi hành án hình sự có quy định như sau: “5. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 03 đợt. Người chấp hành án mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần. Trường hợp sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt hoặc có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng không quá 02 lần trong 01 năm.”. Theo tôi nếu chúng ta bổ sung trường hợp như trên theo tinh thần của ý 1 khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02 thì sẽ giải quyết được vướng mắc là trường hợp phạm nhân được xét giảm trước một đợt khi không thuộc trường hợp bệnh hiểm nghèo, đã lập công hoặc quá già yếu mà là trường hợp sau khi đã giảm thì thời hạn còn lại dưới năm vào trường hợp năm tiếp theo được đề nghị giảm trước một đợt. Có như vậy, mới phù hợp với thực tiễn.

Hai là, đối với điểm c khoản 3 Điều 15 “ Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.” Hướng dẫn như vậy, theo chúng tôi chưa sát. Vì tại điểm d khoản 1 Điều 2 NQ số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán thì “Đối với người được đề nghị xét giảm, nếu sau khi được chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với họ, mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại không quá 1 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm toàn bộ phần hình phạt còn lại.”. Vì vậy, theo tôi cần sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 15 Thông tư số 02 theo hướng như quy định tại điểm d khoản 1 Điều NQ số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mới phù hợp và sát với thực tiễn.

Ba là, theo quan điểm cá nhân tôi là cần mở rộng thẩm quyền của Tòa án mà đặc biệt ở đây là thẩm quyền của Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo hướng sửa đổi ý 2 điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 theo hướng thay nội dung “không được quyết định mức giảm cao hơn…” bằng nội dung “có thể quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị… nếu có đủ cơ sở.”.  Như vậy, mới đảm bảo tính khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ. Và cũng phù hợp với nguyên tắc lấy Tòa án là trung tâm, Quyết định chấp nhận và chấp nhận một phần hay không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân là thẩm quyền của Tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật, chứ không nên ràng buộc theo hướng bó hẹp như hiện tại.

 

Trao quyết định giảm án tha tù trước thời hạn cho phạm nhân - Ảnh MH

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)