Cần thay đổi cách tính tỷ lệ án đã giải quyết để bảo vệ Thẩm phán

Hiện nay, một số quy định của pháp luật về một số tiêu chí thi đua và xem xét xử lý trách nhiệm của những người giữ chức danh tư pháp còn xung đột nhau, gây ảnh hưởng đến tâm lý của Thẩm phán trong thi hành công vụ.

1. Tình trạng hạn chế nhận đơn khởi kiện

Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Khóa XIV, tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đã nêu lên ý kiến là: “Hằng năm ngày 30 tháng 9 là ngày kết thúc năm công tác của Tòa án, vì vậy các Tòa án đua nhau xét xử, xét xử dồn dập để có thành tích, để không có án tồn; Người dân nộp đơn vào thời điểm này thì khó được Tòa nhận, thậm chí là không nhận. Theo đó, người tiến hành tố tụng: thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát, người tham gia tố tụng kể cả luật sư cũng bị động theo. Vậy Chánh án có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế tồn tại từ lâu, có nơi có lúc dẫn đến vi phạm tố tụng, chất lượng xét xử không tốt”.[1]

Bên cạnh chỉ tiêu thi đua, việc giải quyết các vụ việc có tính chất phức tạp hoặc số lượng các vụ việc mỗi Thẩm phán phải giải quyết trong năm cao, làm cho công tác giải quyết của Thẩm phán trở nên quá tải, dẫn đến chất lượng xét xử bị ảnh hưởng. Kết quả là các Thẩm phán có tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan cao vượt quá mức quy định, không được bình xét thi đua, khen thưởng; thậm chí là được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ trong năm công tác hoặc không được tái bổ nhiệm Thẩm phán.

Do đó, xử lý đơn khởi kiện quá hạn luật định, hạn chế thụ lý vụ án là nhằm mục đích giảm lượng án phải thụ lý giải quyết, nâng cao tỷ lệ án đã giải quyết, đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết án của từng Thẩm phán và Tòa án trong áp lực thi đua.

Cũng vì áp lực thi đua, khen thưởng nên một số Thẩm phán sợ tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vượt mức quy định[2] dẫn đến mất thi đua, khen thưởng và không được tái bổ nhiệm[3] nên một bộ phận Thẩm phán sợ trách nhiệm, có biểu hiện tránh né, không dám giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp (vì có nguy cơ bị hủy, sửa án cao). Thậm chí đã có trường hợp làm khống đến 57 hồ sơ vụ án để giải quyết theo hướng nguyên đơn rút đơn, tăng tỉ lệ án xử đạt để đủ điều kiện được bổ nhiệm.[4]

Mặt khác, số vụ việc các Thẩm phán và các Tòa án phải giải quyết ngày càng tăng cao, làm cho công tác của một số Thẩm phán và Tòa án trở nên quá tải. Số lượng án phải giải quyết của từng Thẩm phán trong năm công tác một số nơi cao hơn gấp hai hoặc ba lần so với mức quy định (mức quy định là mỗi Thẩm phán giải quyết trong năm là 72 vụ việc).

Một số quy định của pháp luật về một số tiêu chí thi đua và xem xét xử lý trách nhiệm của những người giữ chức danh tư pháp còn xung đột nhau, gây ảnh hưởng đến tâm lý của Thẩm phán trong thi hành công vụ. Các quy định này đã xung đột với quy định về bảo vệ Thẩm phán theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

2.1. Quy định về cách tính tỷ lệ án đã giải quyết

Hiện nay, cách tính tỷ lệ án đã giải quyết các loại án là tỷ lệ giữa tổng số các loại án đã được giải quyết trong năm công tác (bao gồm án xét xử, hòa giải thành, đình chỉ) trên tổng số án đã thụ lý trong năm.

Ví dụ: Mỗi tháng Tòa án thụ lý 10 vụ, trong một năm thụ lý tổng cộng là 120 vụ. Trong đó, có 80 vụ quá thời hạn chuẩn bị xét xử (đã được thụ lý trên 04 tháng); có 40 vụ mới thụ lý, dưới 04 tháng, trong thời hạn chuẩn bị xét xử.

Tòa án đã giải quyết được 90 vụ, trong đó đã giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử là 70 vụ, còn lại đã giải quyết những vụ mới thụ lý, trong thời hạn chuẩn bị xét xử là 20 vụ.

Khi đó, tỷ lệ án đã giải quyết của Tòa án trong năm sẽ là: (90 vụ đã giải quyết)/(120 vụ đã thụ lý)*100% = 75%.

Do quy định này, nên phần lớn các Tòa án đều hạn chế thụ lý các vụ án vào những tháng cuối năm thi đua như thực trạng đã nêu. Giả sử trong 04 tháng cuối năm do Tòa án hạn chế thụ lý nên không thụ lý thì khi đó tổng lượng án phải giải quyết sẽ là 120-40=80 vụ. Khi đó tỷ lệ án đã giải quyết của Tòa án sẽ là 70/80*100*=87,5%, đạt chỉ tiêu đã đề ra là từ 85% trở lên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Tòa án hạn chế thụ lý án vào những tháng cuối năm như các Đại biểu Quốc hội đã nêu.

Tuy nhiên, nếu Thẩm phán, Tòa án không thụ lý án vào những tháng cuối năm sẽ vi phạm thời hạn về xử lý đơn và sẽ bị xử lý trách nhiệm theo các điểm a, b, c khoản 1, Điều 9 của Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 về Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân (gọi tắt là Quyết định 120). Cụ thể như sau:

Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi Thẩm phán có một trong những hành vi vi phạm trong việc xử lý đơn, thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc:

- Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 3 Điều 121 Luật Tố tụng hành chính;

- Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Thụ lý vụ, việc chậm quá thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 195; khoản 4 Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 125 Luật Tố tụng hành chính;

Như vậy, nếu hạn chế thụ lý án vào những tháng cuối năm thì Thẩm phán vi phạm thời hạn xử lý đơn và bị xử lý trách nhiệm theo quy định. Ngược lại, nếu không hạn chế thụ lý giải quyết án để không vi phạm thời hạn xử lý đơn và không bị xử lý trách nhiệm theo quy định thì tỷ lệ án đã giải quyết của Thẩm phán, Tòa án không đạt chỉ tiêu. Do đó, cách tính tỷ lệ án đã giải quyết như hiện nay đã gây khó khăn rất lớn cho Thẩm phán.

3.2. Quy định của Quy định 120 chưa phù hợp

Khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án có quy định: “Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.

Mục 2.4 của Chỉ thị 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 của Chánh án TANDTC về việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tâm công tác năm 2020 của các Tòa án có quy định: “Bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5 tổng các loại án.”.

Để hướng dẫn cách tính tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, TANDTC đã ban hành Công văn số 356/TANDTC-TĐKT ngày 15/12/2020. Tại khoản 1, Mục III của Công văn có hướng dẫn “Báo cáo chất lượng xét xử: “Tổng” số bản án, quyết định bị (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan “chia 2” không vượt quá “1,5%” tổng số các vụ (án, việc) đã giải quyết, xét xử trong năm thi đua “12 tháng”.”

Trong khi đó, nếu Thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan từ 1,16 trở lên đều bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120.

Ví dụ: Trong một năm công tác hoặc một nhiệm kỳ, nếu Thẩm phán A đã giải quyết 100 vụ, bị hủy 02 vụ do nguyên nhân chủ quan, không bị sửa vụ nào với nguyên nhân chủ quan thì tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được tính để xét thi đua từ năm 2020 trở về sau là: ((02+00)/2)/100*100%=01%. Như vậy này, Thẩm phán vẫn được xét thi đua, khen thưởng bình thường.

Còn tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan để làm cơ sở xử lý trách nhiệm đối với Thẩm phán và làm cơ sở có tái bổ nhiệm đối với Thẩm phán hay không được tính là: 02/100*100%=02%. Khi đó, Thẩm phán sẽ bị xử lý trách nhiệm theo khoản 7, Điều 10 của Quyết định 120 và kèm theo đó sẽ không xét thi đua, khen thưởng đối với Thẩm phán đã vi phạm.

3. Một số giải pháp, kiến nghị khắc phục

3.1. Cần thay đổi cách tính tỷ lệ án đã giải quyết

Tỷ lệ các loại vụ việc đã giải quyết là tỷ lệ giữa tổng số vụ việc đã giải quyết trên tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết[5]. Theo đó, tổng số vụ việc đã thụ lý và có điều kiện giải quyết là tổng số vụ việc đã thụ lý giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử cộng với số vụ việc đã giải quyết trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Khi đó, việc tính tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc sẽ được tính như sau:

Tỷ lệ án đã giải quyết theo đề xuất = (Tổng số các loại vụ việc đã giải quyết (90)/tổng số các loại vụ việc đã được thụ lý và có điều kiện (80+20 = 100))*100%=90%.

Với cách tính này sẽ đảm bảo cho các Thẩm phán xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo đúng thời hạn luật định, không bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120 nhưng tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc vẫn đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; tháo gỡ việc Thẩm phán bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, giảm tải áp lực đối với Thẩm phán và chấm dứt tình trạng các vi phạm. Mặt khác, cách tính này góp phần thúc đẩy các Thẩm phán tập trung giải quyết các loại vụ việc tồn đọng, kéo dài vì nếu không giải quyết sẽ bị tính là án tồn…

3.2. Cần sửa đổi một số quy định của Quyết định 120

Quyết định số 120 được ban hành từ năm 2017, trong khi đó, chỉ tiêu và cách tính tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong công tác xét thi đua, khen thưởng đã được thay đổi từ năm 2020 cho đến nay. Các quy định về xử lý trách nhiệm của Thẩm phán trong Quyết định 120 chỉ đặt ra tiêu chí tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan, không có quy định đối với tỷ lệ án bị sửa do nguyên nhân chủ quan. Nên có thể nói, các quy định này của Quyết định 120 đã lỗi thời cần phải được sửa đổi ngay để phù hợp với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân[6].

 

TAND huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang xét xử  vụ án Tổ chức đánh bạc- Ảnh: Lưu Em

 

[1] Huỳnh Minh Khánh, “Cần thay đổi cách tính tỷ lệ án giải quyết”, Tạp chí Tòa án điện tử, ngày 28/02/2018, đường link https://tapchitoaan.vn/can-thay-doi-cach-tinh-ty-le-an-giai-quyet , [truy câp ngày 10/7/2023]

[2] Khoản 1, Mục III của Công văn số 356/TANDTC-TĐKT ngày 15/12/2020 của Tòa án nhân dân tổi cao “- Báo cáo chất lượng xét xử: “Tổng” số bản án, quyết định bị (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan “chia 2” không vượt quá “1,5%” tổng số các vụ (án, việc) đã giải quyết, xét xử trong năm thi đua “12 tháng”.”

[3] Khoản 1, Điều 16 của Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 về Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

[4] Trung Tấn – Đình Cương, “Làm khống 57 bộ hồ sơ: Viện KSND tối cao vào cuộc, chánh án nói “không cấu thành tội phạm”, Tuổi Trẻ ngày 17/6/2021, đường link https://tuoitre.vn/lam-khong-57-bo-ho-so-vien-ksnd-toi-cao-vao-cuoc-chanh-an-noi-khong-cau-thanh-toi-pham-20210617143909187.htm , truy cập ngày 14/7/2023.

[5] Án có điều kiện giải quyết là án đã thụ lý và đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử (quá 04 tháng hoặc 06 tháng tùy theo tiêu chí quy định); hoặc án trong thời hạn chuẩn bị xét xử những đã được giải quyết xong.

[6] Điều 101 của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

TRẦN TÚ ANH – HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, Tiền Giang)