Cần tính nghĩa vụ chịu án phí liên đới theo phần

Nghiên cứu bài viết “Nghĩa vụ chịu án phí của hộ gia đình khi có người được miễn án phí trong vụ án không có giá ngạch”, chúng tôi xin trao đổi quan điểm của mình về vấn đề tác giả Ngọc Oanh đưa ra.

Tác giả Ngọc Oanh nêu trường hợp: Bản án tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Đ, buộc hộ bà L (gồm bà L, ông B và chị P) trả 361m2 đất. Ngoài ra, bản án còn tuyên về phần án phí đối với hộ bà L như sau: Hộ bà Nguyễn Thị L (gồm bà L, ông B và bà P) liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng. Riêng bà L thuộc trường hợp người cao tuổi nên được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà. Còn ông Nguyễn Văn B và chị Lê Thị P phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng.[1] Đồng thời, bài viết cũng nêu ra những quan điểm khác nhau về việc tính án phí.

Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này phải tuyên về phần án phí như sau: “Hộ bà Nguyễn Thị L (gồm bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị P) phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng. Riêng bà Nguyễn Thị L thuộc trường hợp người cao tuổi nên bà Nguyễn Thị L được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm. Còn ông Nguyễn Văn B và chị Lê Thị P phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 đồng (trong đó, phần của ông Nguyễn Văn B và chị Lê Thị P, mỗi người là 100.000 đồng)”. Việc tuyên như vậy sẽ rõ ràng, không những đảm bảo quá trình thi hành án mà còn tránh được những quan điểm, cách hiểu khác nhau. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 147 của BLTTDS về Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm:

“1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

…5. Trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này”.

Đồng thời, Điều 26 Nghị quyết 326/NQ-QH về án phí, lệ phí Tòa án quy định về Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm:

“1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

…9. Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.

Như vậy, nếu đây là nghĩa vụ riêng rẽ[2] thì việc xác định nghĩa vụ chịu án phí rất đơn giản, rõ ràng. Còn trong trường hợp này, để xác định chính xác nghĩa vụ chịu án phí của hộ gia đình thì chúng ta phải hiểu rõ quy định về “nghĩa vụ liên đới”. Khoản 1, 2 Điều 288 BLDS năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau:

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.”

Như vậy, chúng ta cần hiểu bản chất của thực hiện “nghĩa vụ liên đới” là như thế nào. Có thể hiểu đây là trường hợp người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Nếu một trong số những người có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ của họ mà những người khác chưa thực hiện thì quan hệ nghĩa vụ giữa người đã thực hiện với người có quyền vẫn chưa được coi là chấm dứt. Nghĩa là, người có nghĩa vụ không những phải thực hiện phần của mình mà còn phải thực hiện thay cho người có nghĩa vụ khác khi người đó không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Ngược lại, nếu một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì quan hệ nghĩa vụ dân sự liên đới giữa những những người có nghĩa vụ (kể cả những người chưa được thực hiện) với người có quyền được chấm dứt. Đồng thời, sẽ phát sinh một nghĩa vụ hoàn lại, trong đó người đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu người chưa thực hiện nghĩa vụ phải thanh toán phần nghĩa vụ mà người này đã thực hiện cho họ.

Chính vì vậy, khi xác định án phí của hộ gia đình là nghĩa vụ liên đới thì chúng ta cần phải xác định đây là nghĩa vụ liên đới theo phần, tức là cần xác định phần án phí cụ thể của mỗi người trong hộ gia đình là bao nhiêu. Trong ví dụ này, phần án phí của mỗi người phải chịu tương đương 300.000 đồng : 3 = 100.000 đồng.

Như vậy, phần án phí của bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị P tương ứng mỗi người là 100.000 đồng. Đồng thời, các thành viên trong hộ gia đình phải chịu trách nhiệm liên đới như đã phân tích trên, tức là cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bất cứ thành viên nào đóng toàn bộ án phí và nếu một thành viên đứng ra đóng toàn bộ án phí thì họ có quyền yêu cầu các thành viên còn lại phải hoàn trả lại phần án phí mà họ đã đóng thay.

Sau khi xác định án phí thì mới xét đến người nào thuộc diện miễn án phí. Do bà Nguyễn Thị L là người cao tuổi nên chỉ bà bà Nguyễn Thị L được miễn án phí. Ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị P vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần của mình, và lẽ đương nhiên ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị P vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần, mỗi người là 100.000 đồng, tương ứng hai người phải chịu liên đới 200.000 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ cần ghi cụ thể thêm phía sau để việc tuyên án được rõ ràng hơn, cụ thể: “… Còn ông Nguyễn Văn B và chị Lê Thị P phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 đồng (trong đó, phần của ông Nguyễn Văn B và chị Lê Thị P, mỗi người là 100.000 đồng)”.

Thứ hai, nếu theo quan điểm thứ 2 cho rằng: “Hộ bà L phải chịu án phí 300.000đ như bản án đã tuyên. Bởi vì án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng thì không thể tuyên thấp hơn mức 300.000 đồng đã được quy định”. Chúng tôi cho rằng đây là quan điểm không thuyết phục. Bởi lẽ, khi giải quyết Tòa án cũng xác định án phí mà hộ gia đình phải chịu là án phí không có giá ngạch tương đương 300.000 đồng. Sau đó, Tòa án mới xác định đến trường hợp người phải nộp án phí có được miễn án phí hay không? Nếu thuộc trường hợp được miễn án phí thì miễn cho họ theo quy định. Nói cách khác, nếu trong trường hợp này cả 3 người đều thuộc trường hợp được miễn án phí thì đương nhiên họ được miễn toàn bộ, không ai phải chịu án phí. Do đó, việc một thành viên được miễn án phí hay toàn bộ thành viên được miễn án phí dẫn đến số tiền án phí phải nộp thấp hơn 300.000 đồng hoàn toàn không mâu thuẫn với quy định án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng.

Hơn nữa, không lẽ bởi vì bà L được miễn án phí mà nghĩa vụ nộp án phí của ông Nguyễn Văn B và bà Lê Thị P lại tăng lên (từ 100.000 đồng/người thành 150.000 đồng/người (300.000 đồng : 2 người = 150.000 đồng). Điều này hoàn toàn không hợp lý và cũng không phù hợp với quy định miễn án phí.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi không thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, rất mong nhận được các ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp và các bạn đọc.

 

TAND huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”- Ảnh: Minh Quân

 

 

[1] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/nghia-vu-chiu-an-phi-cua-ho-gia-dinh-khi-co-nguoi-duoc-mien-an-phi-trong-vu-an-khong-co-gia-ngach

[2] Điều 287 Bộ luật dân sự năm 2015.

Th.s NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG (Phó trưởng phòng Vụ Pháp chế và QLKH TANDTC) Th.s HUỲNH XUÂN TÌNH (Thẩm phán TAND thành phố Vị Thanh, Hậu Giang)