Cần tuyên trả lại chiếc xe cho chị Trần T
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xử lý vật chứng dùng vào việc phạm tội là tài sản chung của vợ chồng” của tác giả Đinh Minh Lượng (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5), bài đăng ngày 19 /2 tôi cho rằng cần tuyên trả lại chiếc xe cho chị T.
Qua nội dung vụ án mà tác giả đã nêu và các quan điểm xung quanh việc xử lý chiếc xe xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 mà bị cáo Hoàng A và Nguyễn Văn B dùng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày 29/11/2020 cũng như các quan điểm trong đó có quan điểm của tác giả bài viết và quan điểm của tác giả Dương Văn Hưng (đăng ngày 24/02/2021) xung quanh việc xử lý đối với chiếc xe này, tôi có ý kiến không đồng tình với quan điểm thứ 3 (cũng là quan điểm của tác giả).
Tác giả nhận định và kết luận: “Vật chứng là 1 xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20, là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa Hoàng A và vợ là Trần T nên căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước nộp ½ giá trị của xe mô tô, ½ giá trị của xe mô tô trả lại cho chị Trần T.”. Đây cũng là quan điểm của tác giả có bài tranh luận Dương Văn Hưng.
Tôi cho rằng việc xử lý chiếc xe mô tô trên mà bị cáo Hoàng A và Nguyễn Văn B dùng làm phương tiện thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày 29/11/2020 phải được xử lý như quan điểm thứ hai là có cơ sở và đúng pháp luật. Vừa đảm bảo tính nghiêm minh, trừng trị nhưng đồng thời cũng đảm bảo tính phòng ngừa chung. Với các căn cứ pháp lý mà tác giả đã nêu, tôi xin phản biện lại đối với quan điểm thứ nhất và thứ ba như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc thì theo quy định tại khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 việc xử lý vật chứng được xử lý như sau: “a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy…” Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS phải được hiểu là việc bị cáo sử dụng công cụ, phương tiện vào việc thực hiện hành vi phạm tội mà công cụ, phương tiện đó phải thuộc sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp của tài sản đó phải có lỗi trong việc để bị can, bị cáo sử dụng làm công cụ phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.
Trong vụ án này, ngày 29/11/2020, Hoàng A đến nhà Nguyễn Văn B và rủ B đi trộm cắp tài sản, A điều khiển xe mô tô của mình nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 chở B đi... nên việc xác định chiếc xe mô tô là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc thực hiện hành vi phạm tội là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để xử lý chiếc xe này nằm ở chỗ mặc dù, đây là tài sản chung của Hoàng A và chị T, vì tài sản này hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đúng như phân tích của tác giả nhưng việc xử lý mà các tác giả đưa ra là tuyên tịch thu 1/2 giá trị chiếc xe để xung công quỹ nhà nước theo tôi là chưa phù hợp.
Theo quy định tại 2 Điều 47 BLHS thì “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp” và điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS thì “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”. Trong khi qua nội dung vụ án cho thấy việc bị cáo Hoàng A dùng chiếc xe để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, chị Trần T hoàn toàn không biết và đây là phương tiện đi lại hàng ngày của chị T, đặc biệt gia đình chị T lại khó khăn... Có thể thấy ở đây việc bị cáo dùng chiếc xe làm phương tiện thực hiện hành vi trộm cắp là việc sử dụng trái phép và chị Trần T hoàn toàn không biết nên chị T có đơn xin lại chiếc xe này là hợp tình hợp lý.
Do vậy, theo tôi nếu trong quá trình nghiên cứu vụ án xét thấy việc trả là cần thiết và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì Chánh án Tòa án đang thụ lý vụ án cần ra quyết định trả lại chiếc xe trên cho chị Trần T, nếu không thì khi xét xử vụ án Tòa án cần triệu tập chị Trần T tới phiên tòa với tư cách là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để làm rõ yếu tố lỗi trong việc để bị cáo dùng chiếc xe này và qua việc thẩm tra công khai xác định đúng như lời chị đã trình bày, chị không có lỗi trong việc bị cáo cùng Nguyễn Văn B sử dụng chiếc xe trên thì Tòa cần áp dụng điểm 2 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 để tuyên trả lại chiếc xe máy cho chị Trần T là hoàn toàn có cơ sở và đúng pháp luật.
Thứ hai, đối với các nhận định và quan điểm giải quyết đối với chiếc xe ở cả 02 quan điểm, cụ thể quan điểm thứ nhất cho rằng “phải tịch thu chiếc xe mô tô Jupiter BKS 43N1-312.20 để nộp ngân sách nhà nước” và quan điểm thứ ba, cho rằng “tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước nộp ½ giá trị của xe mô tô, ½ giá trị của xe mô tô trả lại cho chị Trần T” theo tôi là chưa phù hợp với các nhận định, phân tích ở trên. Thực tế giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến xâm phạm sở hữu hay ma túy, trật tự công cộng... thì việc các bị cáo sử dụng công cụ hay phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội thì tùy từng trường hợp cụ thể mà phải giải quyết cho phù hợp và đúng pháp luật. Theo đó, tôi đặc biệt tôi nhấn mạnh là “công cụ, phương tiện đó phải thuộc sở hữu của người thực hiện hành vi phạm tội” thì Tòa án mới tuyên tịch thu để nộp ngân sách hoặc tiêu hủy; nếu tài sản mà bị cáo dùng làm phương tiện, công cụ để phạm tội không thuộc sở hữu của bị cáo và người quản lý hay sở hữu không có lỗi thì không tuyên tịch thu mà phải trả cho người quản lý hoặc chủ tài sản đó.
Tôi lấy ví dụ ví như bị cáo sử dụng nhà mình làm nơi tổ chức đánh bạc, gá bạc, hay nơi cất, tàng trữ, sử dụng ma túy; hay sử dụng phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về tham gia giao thông gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe hay tài sản của người khác... thì trong các trường hợp trên, chúng ta có tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước không? Theo tôi thì không mà tùy từng trường hợp phải xét đến mối quan hệ giữa phương tiện, công cụ đó thì ai là là chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp và xác định họ có lỗi không? Nếu có lỗi thì việc tịch thu nộp ngân sách nhà nước là hoàn toàn đúng pháp luật nhưng ngược lại họ không biết, không có lỗi thì cần trả lại tài sản là công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã chiếm đoạt hay sử dụng, trái phép cho chủ sở hữu hoặc người quản lý là phù hợp và đúng pháp luật. Do vậy tôi cho rằng việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện là tài sản của vợ, chồng mà bị can, bị cáo dùng vào việc phạm tội ở các giai đoạn khác nhau việc giải quyết không hề có vướng mắc.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài viết “Xử lý vật chứng dùng vào việc phạm tội là tài sản chung của vợ chồng”, xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận