Cần xác định mục đích chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Duy T là có trước hay sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?” của tác giả Nguyễn Thành Luân, tôi cho rằng cần xác định mục đích chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Duy T là có trước hay sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
BLHS năm 2015 quy định về hai tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) và tội tham ô tài sản (Điều 353) về đặc điểm định tội tương đối giống nhau. Cả hai hành vi phạm tội đều xâm phạm đến quyền sở hữu, sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan ngoài Nhà nước; Về mặt khách quan: đều là tội cấu thành vật chất; Về mặt chủ quan: đều là lỗi cố ý trực tiếp với mục đích tư lợi. Tuy nhiên, tội tham ô tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có rất nhiều điểm khác nhau chúng ta cần phân biệt tránh trường hợp nhầm lẫn trong việc xác định tội danh của hai loại tội này:
Về khái niệm: Tội tham ô: Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Là vay, mươn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Về chủ thể: Tội tham ô: Là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Người đủ năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS.
Về đối tượng tác động: Tội tham ô: Là tài sản bị chiếm đoạt do chính người phạm tội quản lý. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Là tài sản bị chiếm đoạt do người khác quản lý, đó có thể là tài sản của Nhà nước.
Về dấu hiệu phạm tội:
- Tội tham ô: Là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, đánh tráo tài sản do mình quản lý thành tài sản cá nhân, làm mất đi 1 khối lượng tài sản nhất định của nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức mà người đó quản lý. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Là lợi dụng lòng tin của người khác để vay, mượn, thuê tài sản hoặc uy hiếp tinh thần chủ tài sản buộc họ giao tài sản. Sau đó, sử dụng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn chiếm đoạt tài sản vào mục đích bất hợp pháp.
- Tội tham ô: Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý. Đây là điểm khác biệt quan trọng nhất để xác định hành vi đó cấu thành tội tham ô hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, theo quan điểm cá nhân tôi, các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần làm rõ mục đích của hành vi chiếm đoạt số tổng số tiền là 311.121.000 đồng là có trước hay có sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì mới xác định được tội danh chính xác cho Nguyễn Duy T. Và cần xác định mục đích chiếm đoạt từ khi T thực hiện hành vi thứ nhất và hành vi thứ hai chiếm đoạt tổng số tiền 311.121.000 đồng chứ không phải xác định từ khi T ký hợp đồng dịch vụ với Công ty A. Việc xác định rõ điều này mới có cơ sở để định tội hành vi của T phạm vào tội “Tham ô tài sản” hay “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong được sự trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.
TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt bị cáo Lê Thanh Thao 14 năm tù về “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Giang Ngọc/ Báo BTVT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
Bình luận