Cần xác định mức độ lỗi của Nguyễn Đình V liên quan đến vấn đề bồi thường cho anh Trần Văn K

Qua nghiên cứu bài viết “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự khi có đồng phạm bỏ trốn” của tác giả Trần Văn Minh, đăng ngày 03/8/2023 trên, chúng tôi thấy cần xác định mức độ lỗi của Nguyễn Đình V.

Nội dung bài viết có đoạn: “Trong thời gian bị tạm giam, H bỏ trốn. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra và quyết định truy nã đối với Trần Quốc H”. Như vậy, cần xác định trong thời gian tạm giam đã tiến hành lấy lời khai của H hay chưa? Khi V và H “mang đi bán được 15 triệu đồng và cùng nhau tiêu xài hết” thì đã xác định được tỷ lệ phân chia số tiền của V và H hay chưa? Việc làm rõ một số nội dung nêu trên có ý nghĩa trong việc xác định mức độ lỗi của V và H qua đó, xác định nghĩa vụ liên đới hay nghĩa vụ riêng rẽ.

1. Quy định về nghĩa vụ liên đới, nghĩa vụ riêng rẽ và quyền yêu cầu bồi thường của bên có quyền

Nghĩa vụ liên đới trong bồi thường thiệt hại dân sự có thể hiểu là một khái niệm pháp lý liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhiều bên trong việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Trong bối cảnh này, nghĩa vụ liên đới áp dụng khi có nhiều người có liên quan đến hành vi vi phạm hoặc sự kiện gây hại, và tất cả các bên này phải chịu trách nhiệm chung trong việc đền bù cho bên có quyền. Khoản 1 Điều 288 BLDS năm 2015 quy định Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Căn cứ vào quy định này, khi xác định nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ là nghĩa vụ liên đới thì phát sinh quyền yêu cầu của bên có quyền. Theo đó, bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Ở một khía cạnh khác, nghĩa vụ riêng rẽ trong bồi thường thiệt hại dân sự là khái niệm pháp lý đối lập với nghĩa vụ liên đới nêu trên. Trong bồi thường thiệt hại dân sự, nghĩa vụ riêng rẽ xác định rằng mỗi bên gây hại sẽ chịu trách nhiệm độc lập và riêng rẽ trong việc bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra, không chịu trách nhiệm chung với bất kỳ bên nào khác. Điều 287 BLDS năm 2015 quy định: Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình”. Điều này cũng đặt ra vấn đề là bên có quyền yêu cầu bồi thường cũng không được yêu cầu một người có nghĩa vụ riêng rẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Bởi lẽ, bản chất của nghĩa vụ riêng rẽ có sự tách rời trách nhiệm, nghĩa là mỗi bên liên quan đến sự việc gây hại sẽ đứng riêng và chỉ phải chịu trách nhiệm cho phần thiệt hại do họ gây ra. Nghĩa vụ riêng rẽ giúp xác định rõ ràng trách nhiệm của từng bên và tránh việc phải chịu trách nhiệm chung trong một số tình huống không thích hợp. Đồng thời có sự, phân chia trách nhiệm, mỗi bên chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ gây hại của hành vi vi phạm của họ, và không chịu trách nhiệm chung phần thiệt hại mà họ không gây ra.

2. Quan điểm của tác giả

Khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Tại mục 8 phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn: Khi xem xét, quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại Tòa án căn cứ vào Điều 48 của BLHS. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án có đồng phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 587 của BLDS năm 2015, theo đó thì “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Như vậy, về nguyên tắc nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng không phải mọi trường hợp nhiều bị cáo cùng gây thiệt hại tài sản cho bị hại thì tất cả đều phải cùng có nghĩa vụ liên đới, mà còn phải căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người, tương ứng với thiệt hại đã được xác định.

Ngoài ra, về nguyên tắc trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ”, tức là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường và “Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời” nghĩa là thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại. Và để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời, việc giải quyết vấn đề bồi thường trong vụ án hình sự phải được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự, có nội dung giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề bồi thường có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Điều 3 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).

Tóm lại, đối với vụ án được nêu trong bài viết “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự khi có đồng phạm bỏ trốn”, nếu không xác định được nghĩa vụ riêng rẽ của V và H thì về nguyên tắc phải xác định đó là nghĩa vụ liên đới. Khi đó, để bảo đảm nguyên tắc “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ” “Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời” thì bên có quyền (anh Trần Văn K) có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ (V, H) phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình theo khoản 2 Điều 288 BLDS năm 2015.

Trên đây là quan điểm đối với vụ án, kính mong các độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến./.

 

*TAND tỉnh Hậu Giang

Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, Tuyên Quang xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Trần Thị Huyền Trang

LÊ THỊ THỌ - CHÂU THANH QUYỀN*