Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề xuất về thành lập Tòa án Tp Thủ Đức
Ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, UBTVQH đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Tp Thủ Đức thuộc Tp Hồ Chí Minh. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trình bày về các đề xuất thành lập TAND Tp Thủ Đức.
Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Tp Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 /1 /2021.
Nghị quyết nêu rõ: Thành lập Tp Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, Tp Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Tp Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Điều 3 của Nghị quyết cũng nêu rõ, giải thể TAND, VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND, VKSND Tp Thủ Đức.
Do đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trình bày tờ trình về việc thành lập TAND Tp Thủ Đức.
Về tổ chức bộ máy, ngoài bốn tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính và bộ máy giúp việc, TANDTC đề nghị thành lập thêm Tòa Kinh tế. Chánh án TANDTC phân tích: Thống kê cho thấy các vụ, việc về kinh tế của ba Tòa án phải giải quyết là gần 1.100 vụ, việc/năm, tương lai còn tiếp tục gia tăng.
Về biên chế, số lượng Thẩm phán và chế độ, chính sách, ông cho biết: Từ thống kê năm năm qua cho thấy sau khi hợp nhất, TAND Tp Thủ Đức sẽ phải giải quyết trung bình là 6.300 vụ, việc/năm. Với số lượng lớn như vậy, đây là quy mô của tòa án cấp tỉnh. Thực tế hiện có rất nhiều tỉnh có quy mô 5.000-6.000 vụ, việc/năm. Trong khi đó, tổng biên chế được giao cho ba Tòa án nói trên là 128 người, trong đó có 67 Thẩm phán và đội ngũ này đang quá tải. Do đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề xuất UBTVQH giao bổ sung cho TAND Tp Thủ Đức 180 biên chế (nằm ngoài tổng số biên chế đã giao cho TAND từ năm 2012), trong đó có 85 Thẩm phán.
Về chế độ, chính sách, “nếu bố trí tương đương cấp huyện cho các chức danh ở đây thì khó cho anh em. Đây là đặc thù, không có trong luật. Thẩm quyền của chánh án chỉ có thể quyết được chính sách hoặc theo huyện hoặc theo tỉnh nên đề nghị chính sách cao hơn cấp huyện một chút” – Chánh án bày tỏ.
Chánh án cũng đề nghị UBTVQH chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp đất sạch, có vị trí tại Trung tâm hành chính của Tp Thủ Đức và bố trí đủ ngân sách để kịp thời khởi công xây dựng trụ sở TAND Tp Thủ Đức với quy mô tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ… Chánh án cũng đề nghị UBND Tp Hồ Chí Minhbố trí ngân sách tương ứng để hỗ trợ TANDTC xây dựng TAND TP Thủ Đức.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết về cơ bản, UBTVQH và Ủy ban Tư pháp đều đồng ý về nguyên tắc: Tới đây, phải tính cho cán bộ tư pháp của thành phố thuộc thành phố này có chế độ đặc thù riêng so với cấp quận, huyện. Hiện khối cơ quan tư pháp mới có Tòa án đề nghị thôi, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thi hành án chưa đề nghị. Vấn đề này cũng liên quan đến đề án đổi mới một cách căn bản chính sách, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức của hệ thống chính trị và vị trí việc làm nên để lại cái này, giải quyết trong thời gian tới đây.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc đề nghị thành lập TAND Tp Thủ Đức thuộc Tp Hồ Chí Minh - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận