Chánh án Nguyễn Hòa Bình dự Hội nghị triển khai công tác năm 2024 TAND hai cấp TP.HCM

Sáng 27/12, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC dự hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở TAND TP.HCM và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc TAND quận, huyện và TP Thủ Đức.

Dự hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đồng chí Ngô Minh Châu - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM; đồng chí Phan Thanh Tùng - Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM; đồng chí Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TP.HCM, cùng các lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức TAND TP HCM.

Các đại biểu dự Hội nghị

Năm 2023, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, vì công lý, TAND hai cấp TP.HCM đã nỗ lực hoàn thành và vượt toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm, lập thành tích chào mừng 75 năm truyền thống thi đua yêu nước, 78 năm truyền thống TAND và kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.

Trong năm, TAND hai cấp TP.HCM thụ lý 67.685 vụ việc, đã giải quyết 58.181 vụ việc, đạt 85,96%. Trong đó, án hình sự thụ lý 6.585 vụ việc, đã giải quyết 6.459 vụ việc, đạt 98,09%; án dân sự thụ lý 20.621 vụ việc, đã giải quyết 14.213 vụ việc, đạt 68,92%; án hôn nhân và gia đình (HNGĐ) thụ lý 25.882 vụ việc, đã giải quyết 24.923 vụ việc, đạt 96,29%.

Án kinh doanh thương mại (KDTM) thụ lý 4.734 vụ việc, đã giải quyết 3.230 vụ việc, đạt 68,23%; án lao động thụ lý 1.168 vụ việc, đã giải quyết 1.047 vụ việc, đạt 89,64%; án hành chính thụ lý 1.139 vụ việc, đã giải quyết 755 vụ việc, đạt 66,29%.

Chất lượng giải quyết, xét xử án phúc thẩm năm 2023 đảm bảo không có án xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. So với cùng kỳ năm 2022, thụ lý giảm 688 vụ việc, giải quyết tăng 3.424 vụ việc, tỷ lệ giải quyết tăng 7%.

Trong đó tỷ lệ giải quyết án hình sự vẫn 98%, dân sự tăng 15%, HNGĐ tăng 2%, KDTM tăng 10%, lao động tăng 13% và hành chính tăng 19%.

Đồng chí Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TP.HCM báo cáo tại Hội nghị

Về công tác hòa giải, đối thoại thành, TAND hai cấp đã thực hiện hòa giải thành 6.644 vụ trong tổng số 46.368 đơn chuyển sang thủ tục hòa giải và vụ án đã xét xử, đạt tỉ lệ 14%;

Trong năm, có 194 vụ án bị hủy, sửa gồm 35 vụ án hình sự, 94 vụ án dân sự, 21 vụ án hành chính, 28 vụ án kinh doanh thương mại, 5 vụ hôn nhân và gia đình, 11 vụ lao động.

Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan tổ chức thành công 417 phiên tòa trực tuyến và 2189 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, với tổng 2.606 phiên tòa trực tuyến. Đã gửi đi 4 án lệ, đến nay đã có 2 án lệ được thông qua.

Về phần mềm Trợ lý ảo, có 1.185 Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký tại TAND hai cấp Thành phố thực hiện 72.654 lượt hỏi đáp và trả lời trên phần mềm Trợ lý ảo để phục vụ cho công tác cũng như để nghiên cứu, học tập...

Bên cạnh đó, TAND hai cấp cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, điển hình như chương trình một cửa, một cửa liên thông hay chương trình số hóa dữ liệu hồ sơ, bản án, quyết định của TAND Thành phố...

Về đề án “Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP.HCM, đến nay, đã thực hiện được 420 lần tống đạt trong các vụ án về dân sự, KDTM, hành chính, lao động.

Ngoài ra, TAND TP.HCM còn tham gia thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của TP.HCM về việc phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với công tác chuyên môn, các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa... cũng được đơn vị đẩy mạnh.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đánh giá cao kết quả của hệ thống Tòa án nói chung và TAND hai cấp TP.HCM đạt được trong năm qua.

Đồng chí Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Năm qua, toàn hệ thống giải quyết hơn 600.000 vụ việc, TP.HCM chiếm hơn 60.000 vụ, hơn 10% tổng số án cả nước. Mặt khác, do vị trí của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nên quy mô, tính chất các vụ án xảy ra tại TP.HCM khác biệt và lớn hơn nhiều so với các địa phương khác.

Theo Chánh án, TP.HCM là địa bàn kinh tế năng động, quy mô cũng tăng, áp lực đặt ra cho đội ngũ Thẩm phán khi phải giải quyết một số lượng lớn công việc không ngừng tăng lên, tính chất ngày càng phức tạp.

Trong điều kiện như thế, TAND hai cấp đã giải quyết được 85,96%, vượt so với yêu cầu Quốc hội, chất lượng giải quyết án của TP.HCM rất tốt, tỷ lệ hủy, sửa thấp.

Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án, TP.HCM là đơn vị duy nhất giải quyết được nhiều loại án phá sản, đây được xem là án khó của toàn quốc hiện nay.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng, những kinh nghiệm của TP.HCM trong việc xét xử án phá sản sẽ là những kinh nghiệm chung của các nước trong tương lai.

Chánh án cũng nhấn mạnh nhiều điểm sáng của TAND hai cấp TP.HCM như việc xét xử trực tuyến, việc công khai bản án, ứng dụng công nghệ thông tin...

Cùng với Hà Nội, TP.HCM được ủy quyền xét xử các vụ án lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, TP.HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xét xử nghiêm túc, đúng người, đúng tội, các bản án nghiêm khắc, đúng thời hạn, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý một số hạn chế của TAND hai cấp TP.HCM như án tồn đọng, tạm đình chỉ còn cao; tỷ lệ hòa giải hơi ít so với các địa phương khác; việc tương tác Trợ lý ảo của TP.HCM ít hơn nhiều các địa phương khác.

Trong năm 2024, Chánh án đề nghị TAND hai cấp TP.HCM tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm toàn hệ thống.

"Nhiệm vụ căn cốt là xét xử, nâng cao chất lượng xét xử và hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, đây là thước đo chính xác, đánh giá uy tín của Tòa án để nhân dân tin vào Tòa án, đánh giá năng lực sự cống hiến của Thẩm phán đối với sự nghiệp chung", Chánh án nói.

Đặc biệt, phải nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm, đạo đức Thẩm phán. "Chúng ta vinh dự là những người bảo vệ, thực thi công lý, phải cố gắng giữ gìn hình ảnh đó, vinh dự lớn nhưng trách nhiệm lớn, rủi ro cũng nhiều, áp lực cũng lớn", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án cho rằng một trong những giải pháp để giảm áp lực cho TAND hai cấp TP.HCM là tăng cường xét xử trực tuyến, hòa giải đối thoại.

"TAND TP.HCM phải trở thành điểm sáng hàng đầu trong toàn hệ thống Tòa án về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử", Chánh án Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao, hoan nghênh, cảm ơn sự đóng góp của các ngành bảo vệ pháp luật trên địa bàn thành phố, trong đó có Tòa án.

Ông tin tưởng, TAND hai cấp TP.HCM sẽ tiếp tục vượt qua những thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2023, trong bối cảnh chung, thế giới biến động, TP.HCM cũng có nhiều vấn đề, bên cạnh việc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, xử lý tồn đọng trên địa bàn, thành phố phát sinh thêm những vấn đề mới hết sức nghiêm trọng.

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, đối mặt với khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đây là thành tựu của xã hội loài người, mặt tích cực đã thấy nhưng ngược lại phải đối diện với những mặt trái, thử thách, ông cho rằng đây là thử thách vô cùng lớn đối với lực lượng bảo vệ pháp luật nói chung, các cơ quan tố tụng nói riêng, đặc biệt cơ quan xét xử.

"Thành phố là trung tâm của nhiều trung tâm, pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng đồng bộ, tương thức, sự tương thông trong nhiều vấn đề giữa quan hệ pháp luật không đơn giản", ông Nên nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng dành nhiều lời khen ngợi cho TAND hai cấp TP.HCM, trong đó có việc xét xử vụ Nguyễn Phương Hằng.

Với Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bí thư Nên gợi ý TAND hai cấp TP.HCM mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với tình hình, phù hợp với cái chung nhằm đảm bảo, động viên cho cán bộ, công nhân viên chức cống hiến.

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận Cờ thi đua TAND, Bằng khen của Chánh án TANDTC, danh hiệu Thẩm phán giỏi…

PV