Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, phục vụ nhân dân ở Tòa là bảo đảm công lý, phán xử đúng, tuân thủ pháp luật
Cuối phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sáng 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) và phát biểu về một số nội dung các đại biểu quan tâm.
Về đổi mới tổ chức Tòa án, TAND cấp tỉnh và cấp huyện thành Tòa án phúc thẩm và Tòa án sơ thẩm, Chánh án TANDTC nhận định lập luận của các bên đều rất sắc sảo, rất thuyết phục và thể hiện quan điểm của mình là: Phải đổi mới, phải tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Việc này chúng ta đã có truyền thống, chúng ta đã có nghị quyết của Đảng, quy định trong hệ thống pháp luật, trong Hiến pháp. Hiến pháp quy định có 2 cấp xét xử.
“Bản thân Luật này cũng quy định nhiệm vụ sơ thẩm, phúc thẩm chứ không nói nhiệm vụ của Tòa huyện, tỉnh. Tương tự, các luật tố tụng chỉ nói nhiệm vụ sơ thẩm – phúc thẩm, việc đổi mới phù hợp với xu thế quốc tế. Có thể, Quốc hội bỏ phiếu thế nào chúng tôi chấp hành, có thể giữ nguyên hoặc đổi mới nhưng có điều chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay không làm thì con cháu sau này phải làm”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ không có việc thành lập tràn lan, “chỗ nào cũng có”.
“Dự kiến của lãnh đạo TANDTC sẽ chỉ có 1 Tòa sở hữu trí tuệ, 2 Tòa phá sản và các Tòa hành chính chỉ có ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và cân nhắc thêm ở Cần Thơ”.
Về Tòa sở hữu trí tuệ, Chánh án cho biết, hiện nay chúng ta đang đối mặt với thực tế, gạo ST25, cà phê Trung Nguyên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc đang bị đăng ký sở hữu ở nước ngoài. Do vậy, rất cần một thiết chế tư pháp bảo vệ. “Nếu chúng ta phải đối mặt với kiện tụng, có thể thua vì chúng ta yếu về luật quốc tế. Do vậy, rất cần có Tòa sở hữu trí tuệ”- Chánh án TANDTC nhấn mạnh.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu
Về vấn đề mở rộng nguồn Thẩm phán Tòa án tối cao, Chánh án cho biết, Hội đồng Thẩm phán có 17 người, “Luật quy định Hội đồng có nam, nữ, có 2 đại diện không quá 15% là thành viên bên ngoài Tòa án như điều tra viên, kiểm sát viên, luật gia, giáo sư đại học luật… tiêu chuẩn, quy trình như nhau”.
“Tại sao phải có 2 thành viên này vì cấp giám đốc thẩm không có luật sư, bị can, bị cáo, nguyên đơn nên cần có 2 thành viên bên ngoài để tăng tính phản biện trong hội đồng”, Chánh án nêu quan điểm.
“Đây là tổ chức khoa học, nếu 17 ông là Thẩm phán thì người ta quan ngại cùng nếp nghĩ, thói quen. Chúng ta lựa chọn mô hình tranh tụng thì ngay trong Hội đồng phải tôn trọng vì tranh tụng là con đường dẫn đến công lý”- Chánh án phân tích.
Về thông tin tại phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, đã phát biểu ở Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo đó, Điều 141 dự thảo Luật “không quy định về quyền truyền thông. Chúng tôi chỉ điều chỉnh quyền này trong phòng xét xử, còn ra ngoài ban công phỏng vấn ai, quay phim ai là quyền của báo chí. Nhưng trong phòng xét xử, phải quy định theo Điều 141, như đại biểu nói để nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự, duy trì quyền con người”.
Theo Chánh án, đại biểu Quốc hội nói chỉ cần một bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình “nhưng bên này đồng ý, bên kia không thì ảnh hưởng quyền con người. Chúng ta hình dung, vợ chồng ly dị vì nhiều lý do, vợ đồng ý nói trước truyền thông nhưng chồng không đồng ý, không thể một bên đồng ý mà cho phép truyền thông”.
Về thu thập chứng cứ, Chánh án cho biết, Tòa hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập “còn đối tượng hỗ trợ thế nào thì sau này sẽ có hướng dẫn”.
“Nói như đại biểu, giờ 80% không có luật sư, Tòa phải đi thu thập chứng cứ cho người dân, giờ không nước nào làm... Nguyên đơn là nhân dân, bị đơn cũng là nhân dân. Một vụ án nguyên đơn đi kiện, Tòa phục vụ nguyên đơn bằng cách thu thập chứng cứ, sau đó lại đi phục vụ nhân dân là bị đơn, nó sinh ra vụ án kỳ cục” Chánh án phân tích.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, phục vụ nhân dân ở Tòa là đảm bảo công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ pháp luật “chứ không phải đi thu thập chứng cứ”.
Quốc hội nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu
Bài liên quan
-
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tới Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nhiều quyết sách mang tính lịch sử trước kỷ nguyên mới
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận