Chánh án Phạm Hưng, một tấm gương về tinh thần phục vụ nhân dân
Được tin ông Phạm Hưng – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Chánh án TANDTC tạ thế ngày 4 tháng 2 năm 2018 (tức ngày 19 tháng Chạp năm Đinh Dậu), thọ 92 tuổi, cán bộ, công chức, viên chức TAND rất ngậm ngùi, thương tiếc. Với 16 năm (Từ tháng 7 năm 1981 đến tháng 5 năm 1997) giữ cương vị Chánh án TANDTC, ông Phạm Hưng để lại dấu ấn tốt đẹp và sâu đậm đối với nhiều thế hệ cán bộ Tòa án. Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra TANDTC chia sẻ: “Chánh án Phạm Hưng là một tấm gương về tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân”.
Ông Chỉnh cho biết, hồi đó Chánh án quy định mỗi tuần Chánh án trực tiếp tiếp công dân đến khiếu nại một lần và tất cả đơn thư gửi đích danh Chánh án thì chuyển cho Chánh án đọc để xử lý, không chuyển cho cấp dưới đọc rồi báo cáo.
Nhiều người dân khiếu nại bức xúc, được mời lên gặp Chánh án để trình bày, qua đó họ có thêm niềm tin tưởng và yên tâm trở về chờ kết quả giải quyết, không ăn đợi nằm chờ tại Tòa án một cách mệt mỏi và gây phiền phức cho Tòa án. Những buổi Chánh án tiếp dân như thế bao giờ cũng có cán bộ chuyên môn ngồi cùng, nên nhiều vụ được giải quyết nhanh chóng. Nền nếp Chánh án tiếp công dân có từ thời Chánh án Phạm Văn Bạch, được Chánh án Phạm Hưng kế thừa và sau đó Chánh án Trịnh Hồng Dương cũng duy trì.
Ông Chỉnh đã ba lần được Chánh án Phạm Hưng giao nhiệm vụ đến Trại giam Tiền Giang, Quảng Ninh và Hà Nội, gặp trực tiếp tử tù, xác minh nội dung đơn họ gửi đến Chánh án, để làm cơ sở Chánh án ký Tờ trình gửi Chủ tịch nước.
Chánh án CHDC Đức Heinrich Toep Litz đón chào Chánh án TANDTC Phạm Hưng tại Đức năm 1983
Có vụ Chánh án Phạm Hưng giao cho ông Đỗ Văn Chỉnh thay mặt Chánh án xuống Hưng Yên giải quyết một vụ khiếu nại án dân sự chia thừa kế gay gắt, dù bản án giám đốc thẩm đã kết luận án phúc thẩm xử đúng. Hôm đó là buổi sáng đầu tuần, cuối năm 1996, đầu 1997, Chánh án Phạm Hưng cho mời ông Trưởng ban Thanh tra Đỗ Văn Chỉnh lên phòng Chánh án có việc gấp. Vừa vào phòng, Chánh án Phạm Hưng nói: Có vụ này anh giải quyết giúp. Trước hết anh đọc cái đơn đã.
Lá đơn ngắn, viết tay chưa đầy hai mặt giấy, nhưng rõ ràng, mạch lạc. Người đứng đơn tên là Sử ở đường Điện Biên, thị xã Hưng Yên. Đơn viết: Tôi là người Hưng Yên, ông Chánh án cũng là người Hưng Yên, nên bây giờ tôi chỉ còn tin mỗi mình ông, mong ông giải quyết cho nỗi oan kéo dài mấy năm qua của tôi. Nếu vụ án không được giải quyết, tôi sẽ tự kết thúc cuộc đời mình. Ông Chánh án sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của tôi.
– Anh thấy đấy, anh cũng là người Hưng Yên, am hiểu phong tục tập quán địa phương và có kinh nghiệm nên tôi giao vụ này cho anh. Anh nghiên cứu hồ sơ ngay, nhưng quan trọng là phải gặp đương sự, cuối tuần cho tôi biết ý kiến – Chánh án kết luận.
Ông Chỉnh về đọc hồ sơ, thấy vụ án chia thừa kế khá đơn giản, nhưng đơn kêu oan của ông Sử trình bày không rõ, nên quyết định viết giấy mời đương sự, hẹn làm việc tại Tòa án thị xã Hưng Yên sau đó mấy ngày. Ông Chỉnh suy tính: Chuyến này đi sẽ có nhiều tình huống xảy ra, vì đương sự đã sẵn sàng “tử vì án”, phải dự liệu mọi tình huống. Đúng hẹn, ông Chỉnh về Tòa án thị xã Hưng Yên làm việc với đương sự. Sau khi làm việc, lập biên bản tại Tòa án, ông Chỉnh cùng cán bộ Tòa án và đương sự đến nơi có di sản thừa kế. Đến nơi mới biết bản án đã bỏ quên ba gia nhà và gần 100 m2 đất dẫn đến xử sai… Sau khi về báo cáo, Chánh án đã mời Tòa án Hưng Yên lên làm việc, để khắc phục bản án sai. Vụ việc đã được Tòa án địa phương giải quyết bằng cách mời các đồng thừa kế đến phân tích phải trái để họ tự thỏa thuận. Vụ án bức xúc nhiều năm ở địa phương đã được giải quyết dứt điểm.
Ông Đỗ Văn Chỉnh nói: “Chánh án Phạm Hưng luôn luôn là trung tâm đoàn kết, luôn tập hợp được mọi lực lượng để cùng thực hiện nhiệm vụ”. Ông cho rằng, cấp dưới luôn luôn được quan tâm, lắng nghe, đánh giá đúng năng lực và được phân công công việc hợp lý. Do đó, Chánh án Phạm Hưng có một đội ngũ cán bộ dưới quyền rất giỏi chuyên môn, tận tâm, tận lực với công việc được giao, đứng đầu là Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương. Ông Chỉnh kể lại một câu chuyện nhỏ, hôm đó Chánh án Phạm Hưng nói, “sẽ đưa anh KDH về Ban Thanh tra, anh Chỉnh có ý kiến gì không?”. Ông Chỉnh chân thành nói quan điểm của mình là: Anh KDH đã từng là Chánh Văn phòng Tòa án tỉnh, từng làm Thẩm phán và có khả năng viết báo cáo tốt, nên tôi nghĩ rằng anh KDH về làm Chánh Văn phòng TANDTC sẽ phát huy được năng lực hơn về làm Thanh tra. Sau đó, Chánh án Phạm Hưng đưa ông KDH về làm Chánh Văn phòng. Ông Chỉnh kết luận: Phải nói là Chánh án Phạm Hưng rất dân chủ và lắng nghe cấp dưới.
Ông Đỗ Văn Chỉnh khẳng định: Chánh án Phạm Hưng là người có uy tín cao trong xã hội, có uy tín với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có uy tín với các địa phương và đương nhiên rất có uy tín trong ngành Tòa án. “Tôi đã nhiều lần được đi địa phương cùng Chánh án Phạm Hưng, đến đâu cũng được Tỉnh ủy, được Tòa án tỉnh trân trọng, hồ hởi đón tiếp”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận