Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao
Ngày 30/6/2025, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành Thông tư số 03/2025/TT-TANDTC thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2025). Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025.
Thông tư số 03/2025 gồm 21 Điều quy định về việc thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời quy định quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Về việc thành lập các Tòa phúc thẩm, Thông tư số 03/2025 quy định thành lập 03 Tòa Phúc thẩm, gồm:
- Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (Tòa Phúc thẩm 1);
- Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng (Tòa Phúc thẩm 2);
- Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tòa Phúc thẩm 3);
Về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, nơi đặt trụ sở của các Tòa Phúc Thẩm Tòa án nhân dân tối cao được quy định như sau:
- Tòa Phúc thẩm 1 có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; các tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Tuyên Quang.
Tòa Phúc thẩm 1 có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội
- Tòa Phúc thẩm 2 có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 07 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế; các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Tòa Phúc thẩm 2 có trụ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng.
- Tòa Phúc thẩm 3 có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Tòa Phúc thẩm 3 có trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư số 03/2025 nêu rõ:
Về chức năng: Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có chức năng xét xử phúc thẩm vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao gồm:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 81/2025/QH15 và Luật khác có liên quan.
- Tổ chức công tác xét xử của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện công tác hành chính, văn thư, quản lý con dấu theo quy định của pháp luật và của Tòa án nhân dân tối cao;
- Thực hiện các hoạt động lưu trữ theo quy định. Tòa Phúc thẩm 1 quản lý tài liệu lưu trữ của mình và của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Tòa Phúc thẩm 2 quản lý tài liệu lưu trữ của mình và của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; Tòa Phúc thẩm 3 quản lý tài liệu lưu trữ của mình và của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thực hiện công tác tài chính, kế toán theo phân cấp của Tòa án nhân dân tối cao và quy định của pháp luật;
- Quản lý tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc; thực hiện công tác bảo vệ, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;
- Quản lý, điều hành và sử dung phương tiện phục vụ hoạt động của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao
- Theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình hoạt động của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đối với các cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao gồm:
- Văn phòng;
- Cục Kế hoạch - Tài chính;
- Cục Công nghệ thông tin;
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra I);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra II);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc, kiểm tra III);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính (Vụ Giám đốc, kiểm tra IV);
- Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học;
- Vụ Tổ chức - Cán bộ;
- Vụ Hợp tác quốc tế;
- Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao;
- Báo Công lý;
- Tạp chí Tòa án nhân dân.
Như vậy, tại Tòa án nhân dân tối cao có 17 đơn vị trực thuộc, gồm 03 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, các cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí và Học viện Tòa án nhân dân. Thông tư số 03/2025 thay thế Thông tư số 02/2024/TT-TANDTC ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận