Chất lượng công tác giải quyết, xét xử và đạt nhiều kết quả tích cực
Tại Phiên họp thứ 48, , UBTVQH nghe TANDTC báo cáo về công tác tư pháp, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các trường hợp đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết. Các Toà án luôn chú trọng việc đối thoại và tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu của mình. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được bảo đảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân còn có những tồn tại, hạn chế; cụ thể là: Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa cao. Việc hướng dẫn, phổ biến pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp cụ thể chưa hiệu quả.
Phó Chánh án TANDTC cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế nêu trên là do số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng (tăng 11.271 vụ so với cùng kỳ năm trước) gây áp lực rất lớn cho các Tòa án, trong khi đó, số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên bố trí cho các Tòa án, nhất là TAND cấp cao còn chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Vẫn còn tình trạng đương sự gửi đơn tràn lan hoặc cố tình kéo dài việc phải chấp hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nhận thức pháp luật của một số đương sự còn hạn chế nên nhiều trường hợp đã có kết luận vụ việc giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, đã đối thoại, giải thích và trả lời nhiều lần, nhưng đương sự vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019
Trước đó, báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án cho biết, về công tác giải quyết, xét xử các loại án: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2020, TAND các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử và đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự: Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết Quốc hội.
Trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự: Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Trong công tác giải quyết án hành chính: Không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều giảm so với cùng kỳ năm 2019; đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 113 trường hợp, qua đó bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án (trong khi, 04 năm, từ 2014 đến 2017, các Tòa án Nhân dân chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp).
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, các TAND vẫn còn có vi phạm dẫn tới VKSNDTC phải ban hành 610 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.399 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 2,2% tổng số các loại án) nhưng tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 51%); tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Về công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của TAND và miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước; công tác xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, Ủy ban Tư pháp tán thành với báo cáo của TANDTC về kết quả đạt được trong các công tác này, tuy nhiên, lưu ý còn để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên áp dụng hình phạt trục xuất đồng thời ra quyết định trả tự do, nhưng không phối hợp thông báo cho cơ quan thi hành án, dẫn đến việc người bị trục xuất bỏ đi, không xác minh được địa chỉ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ báo cáo – Ảnh: QH.Vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Anh Lâm
07:53 18/01.2025Trả lời