Chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác khác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao

Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác năm 2021.

Số vụ việc các Tòa án đã đã giải quyết đạt tỷ lệ 81,2%

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021, số vụ việc các Tòa án đã đã giải quyết đạt tỷ lệ 81,2%; số vụ việc đã thụ lý, đã giải quyết giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo. Trong đó, đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đưa ra xét xử nhiều vụ liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác đặc xá dịp 2/9/2021.

Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, số vụ việc các Tòa án đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 79%. Chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp.

Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 53,1%. Tính đến ngày 30/9/2021, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.

Các Tòa án đã tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật.

Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho toàn hệ thống TAND. Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.

 Hoàn thành với chất lượng cao

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, TANDTC đang tích cực nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2022. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và chức vụ; Nghị quyết hướng dẫn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nghị quyết hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phòng chống dịch Covid – 19, Chỉ đạo áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các loại tội phạm này.

 

Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án TANDTC tại Hội trường

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, một số mặt công tác quan trọng đã hoàn thành với chất lượng cao. Cụ thể, công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, đã công bố được hơn 750.000 bản án, quyết định với hơn 113 triệu lượt người truy cập. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. TANDTC tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần thứ 8 theo hình thức trực tuyến. Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch CACJ nhiệm kỳ 2020-2021. Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Tòa án điện tử. Đề xuất Quốc hội cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn do tác động của đại dịch Covid-19 và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: một số chỉ tiêu Quốc hội giao thực hiện thấp hơn các năm trước; tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tổ chức bộ máy của các Tòa án chưa thực sự tinh gọn, cơ cấu đội ngũ công chức TAND các cấp còn thiếu…

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, TANDTC đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với Tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Báo cáo thẩm tra cơ bản đồng tình

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2021, các TAND đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nên chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác khác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Cụ thể, về xét xử các vụ án hình sự, tỷ lệ xét xử đạt 89,62%; số lượng, chất lượng xét xử đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Đặc biệt, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà TAND áp dụng cơ bản nghiêm minh. Việc cho các bị cáo hưởng án treo; cải tạo không giam giữ; áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Các TAND đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh, chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt về ngân sách Nhà nước. Các vụ án hình sự khác, nhất là các vụ án ma túy, xâm hại tình dục trẻ em nhìn chung được đưa ra xét xử khẩn trương và áp dụng hình phạt nghiêm minh với đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được nâng lên và đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Ủy ban Tư Pháp nhận thấy, TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao tỷ lệ và chất lượng công tác giải quyết đơn. Cơ bản, chất lượng trả lời đơn, kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND được bảo đảm.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chánh án TANDTC, tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đặc biệt là có giải pháp mạnh mẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính, bảo đảm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm trong công tác xét xử; tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức, thực hiện các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nâng cao số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại thành. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó thực hiện tốt nhiệm vụ Quốc hội giao tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội.

 

 

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: Qh.vn

KIM DUNG