Chế định về Hội thẩm nhân dân trong hệ thống Tòa án nhân dân Trung Quốc
Về cơ bản, chế định về Hội thẩm nhân dân của Trung Quốc giống các quy định trong pháp luật Việt Nam, với nhiều điểm mạnh và điểm yếu tương đồng.
1.Vài nét về lịch sử chế độ Hội thẩm nhân dân của Trung Quốc
Chế định hội thẩm là một chế định có mặt khá sớm trong hệ thống luật pháp của Trung Quốc hiện đại, mà xuất phát từ việc sao chép mô hình tổ chức tòa án Xô viết. Cụ thể là ngay sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949), trong quy định tạm thời về hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) được ban hành năm 1951 đã có đề cập đến sự tham gia của Hội thẩm nhân dân (HTND), điều này đã được cụ thể hóa ba năm sau đó (1954) với Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các quy định chi tiết khác về việc lựa chọn, thẩm quyền, nhiệm vụ và chế độ đãi ngộ đối với hội thẩm nhân dân[1]. Chế định hội thẩm cũng đã được ghi vào Hiến pháp nước CHND Trung Hoa. Trong một thời gian dài, quy định này cùng với một số quy định riêng rẽ trong các luật tố tụng của Trung Quốc là nguồn luật chính yếu điều chỉnh hoạt động hội thẩm ở TAND các cấp.
Thập niên 50 cho đến đầu những năm 60 của thế kỷ 20 là thời kỳ phát triển nhanh và sâu rộng nhất của hệ thống HTND Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc cách mạng văn hóa đã kéo lùi mọi thành tựu pháp lý của Trung Quốc, chế định hội thẩm cũng không ngoại lệ. Mặc dù vẫn tiếp tục được áp dụng kể từ sau cách mạng văn hóa, nhưng đến những năm 80, hoạt động của Hội thẩm gần như chỉ còn mang tính hình thức và không có bất cứ giá trị thực tiễn pháp lý nào[2].
Nhằm phục hồi và củng cố hệ thống Hội thẩm, sau hơn một thập kỷ nghiên cứu và bàn thảo, theo đệ trình của TANDTC, 2/4/2004 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ban hành Nghị quyết về củng cố hệ thống HTND[3], có hiệu lực từ 1/5/2005, như một phần trong công cuộc cải cách tư pháp của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 1999. Theo quy định này, các cá nhân được đề cử hoặc tự ứng cử có thể tham gia kiểm tra lựa chọn hội thẩm và được Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm HTND[4].
Nhóm Hội thẩm đầu tiên theo quy định mới gồm 1342 người đã đi vào hoạt động vào đúng ngày 1/5/2005 tại các TAND thuộc địa phận Bắc Kinh. Tính đến cuối 2013, đã có khoảng 87.000 HTND được bổ nhiệm trên phạm vi toàn quốc. Tới năm 2015, TANDTC Trung Quốc tiếp tục tiến hành thí điểm một số cải cách về hoạt động Hội thẩm tại 50 TAND các cấp tại 10 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Hồ Bắc[5].
2.Các quy định hiện hành về Hội thẩm nhân dân
Nghị quyết về củng cố hệ thống HTND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/5/2005 bao gồm 8 chương, 44 điều, quy định khái quát về tổ chức, tiêu chí & phương thức chọn lựa cũng như thủ tục, trình tự làm việc của hội thẩm nhân dân[6]. Cũng giống như đa số các văn bản luật về tổ chức hoạt động tư pháp khác của Trung Quốc (như luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính), các điều luật trong quy định này tương đối ngắn, thậm chí là sơ sài, chỉ có tính chất định hướng là chính[7].
Bước tiến lớn trong chế định HTND của Trung Quốc là Luật về Hội thẩm nhân dân được ban hành ngày 27/4/2018[8], nội dung cơ bản dựa trên quyết định nói trên có sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tiêu chuẩn Hội thẩm viên, thành phần hội đồng xét xử và phân định trách nhiệm giữa Thẩm phán và HTND. Gần một năm sau, ngày 24/4/2019, TANDTC Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Luật Hội thẩm nhân dân, chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ của hội thẩm nhân dân[9].
2.1.Quy định về lựa chọn Hội thẩm
Theo các điều 4 – 5 – 6 của Luật Hội thẩm nhân dân 2018 nêu trên, Hội thẩm nhân dân phải là người thỏa mãn các điều kiện sau:
- Tuân thủ hiến pháp và pháp luật Trung Quốc
- Lớn hơn 28 tuổi (trong Nghị quyết 2005 là 23 tuổi)
- Có trạng thái tinh thần bình thường
- Có sức khỏe tốt
- Có trình độ tối thiếu là tốt nghiệp trung học (trong Nghị quyết 2005 là trung cấp)
- Không phải là luật sư, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhân viên của các cơ quan an nình, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
- Không có tiền sử phạm tội
- Không từng bị cơ quan nhà nước sa thải.
Tùy thuộc vào số lượng các vụ án thụ lý, đặc thù của địa phương, đặc điểm về dân cư, cơ cấu dân tộc và các yêu tố khác, cũng như yêu cầu của TAND cấp trên mà xác định số lượng hội thẩm nhân dân cần lựa chọn, nhưng không ít hơn số lượng thẩm phán của TAND. Con số này phải được Ủy ban thường vụ của Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và gửi lên TAND cấp trên để phê duyệt
Một ứng viên thỏa mãn các điều kiện trên có thể được đề cử hoặc ứng cử. Số lượng đề cử không được vượt quá 1/5 tổng số hội thẩm nhân dân. Sau khi TAND cấp cơ sở và phòng tư pháp thẩm định, danh sách các ứng viên đạt yêu cầu sẽ được trình lên chánh án TAND cấp cơ sở. Chánh án sẽ có quyền đệ trình danh sách này lên Hội đồng nhân dân cùng cấp để bổ nhiệm hội thẩm. Quyết định bổ nhiệm phải được thông báo đến người được bổ nhiệm cũng như đơn vị đề cử bằng văn bản. Người được lựa chọn làm hội thẩm nhân dân sẽ được cấp « Giấy chứng nhận Hội thẩm nhân dân » theo mẫu thống nhấtc ủa TANDTC. Tổng số HTND không vượt quá 3 lần tổng số Thẩm phán của Tòa án cùng cấp.
Luật cũng nhấn mạnh đến việc lựa chọn ngẫu nhiên hội thẩm nhân dân, tránh trường hợp định sẵn các hội thẩm nhân dân làm giảm tính khách quan trong xét xử. Trong trường hợp cần phải lựa chọn hội thẩm có trình độ chuyên môn đặc biệt thì phải được sự đồng thuận của tất cả các bên đương sự liên quan. Cụ thể, TAND cấp cơ sở phải lựa chọn ngẫu nhiên hội thẩm nhân dân từ danh sách hội thẩm của quận/huyện mình, TAND cấp trên lựa chọn hội thẩm trong danh sách hội thẩm của TAND cấp cơ sở. Việc lựa chọn ngẫu nhiên sẽ được tiến hành 03 ngày trước khi mở phiên tòa và thông báo cho tất cả các bên đương sự.
2.2.Quy định về miễn nhiệm
Có thể miễn nhiệm hội thẩm nhân dân khi có đề xuất từ TAND cấp cơ sở, phối kiểm tra với các cơ quan tư pháp, đệ trình lên Hội đồng nhân dân trong những trường hợp sau :
- Tự xin rút khỏi vị trí HTND
- Từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến hoạt động pháp lý bình thường
- Vi phạm các quy định của pháp luật về xét xử, thiên vị khiến phán xét sai lầm hoặc các hậu quả pháp lý nghiêm trọng khác
- Hội thẩm viên phạm tội hình sự, phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nhiệm kỳ của HTND là 5 năm. HTND đương nhiên miễn nhiệm khi hết nhiệm kỳ mà không cần phê chuẩn của Hội đồng nhân dân. TAND cấp cơ sở có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân hội thẩm viên và cơ quan công tác, chính quyền địa phương nơi cư trú. TAND cấp cơ sở cũng chịu trách nhiệm xóa tên hội thẩm viên khỏi danh sách hội thẩm nhân dân, báo cáo lên TAND cấp trên và thông báo rộng rãi.
2.3.Phúc lợi & đãi ngộ
Hội thẩm viên trong quá trình tác nghiệp sẽ được đãi ngộ theo luật định. Cụ thể, hội thẩm viên tham gia xét xử, tập huấn và các hoạt động khác sẽ được miễn phí giao thông công cộng, trợ cấp ăn ở và chi phí khác theo tiêu chuẩn công tác phí của địa phương. Hội thẩm viên không có thu nhập cố định trong thời gian tập huấn cũng sẽ được hưởng phụ cấp tương ứng với mức lương trung bình năm trước của địa phương.
2.4.Trình tự, thủ tục tác nghiệp
Giống với quy định Hội thẩm của Việt Nam và khác với chế định bồi thẩm của các nước phương Tây như Anh, Mỹ, trong khi xét xử hội thẩm nhân dân có quyền ngang với Thẩm phán, trừ quyền chủ tọa phiên tòa[10]. Họ có quyền chất vấn, đặt câu hỏi và biểu quyết bản ản. Tòa án Trung Quốc quyết định theo đa số.
Hội thẩm viên có thể tham gia xét xử nhiều loại vụ án khác nhau, trừ các vụ án theo thủ tục rút gọn và các vụ án khác theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, luật Trung Quốc quy định có hai trường hợp bắt buộc phải có hội thẩm nhân dân tham gia, bao gồm :
- Các vụ án hình sự, dân sự và hành chính có ảnh hưởng xã hội lớn.
- Các vụ án hình sự, dân sự và hành chính mà người biện hộ cho bị cáo (với án hình sự) hay nguyên đơn (với án hmành chính) yêu cầu phải có mặt của hội thẩm nhân dân.
Ngoài ra, luật quy định trong những phiên tòa có sự tham gia của HTND thì phải đảm bảo ít nhất tỷ lệ một Hội thẩm viên trên hai Thẩm phán. Cụ thể có thể theo mô hình hội đồng xét xử gồm 3 người hoặc 7 người. Thành phần hội đồng xét xử 3 người tuy không được quy định trong Luật nhưng thường gồm 1 Thẩm phán và 2 HTND; riêng đồng xét xử 7 người được quy định rõ gồm 3 Thẩm phán và 4 HTND.
Nói chung, các vụ án sẽ được xét xử bằng hội đồng xét xử gồm 3 thành viên, mô hình 7 thành viên chỉ được sử dụng khi :
- Các vụ án hình sự có mức án dự kiến lớn hơn 10 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình ;
- Vụ án được dư luận xã hội quan tâm ;
- Vụ án liên quan đến hủy hoại đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh thực phẩm ;
- Các vụ án khác có ảnh hưởng xã hội lớn.
3.Các quy định về Hội thẩm trong các bộ luật tố tụng của Trung Quốc
Như trên đã nói, ngoài Quyết định về củng cố hệ thống Hội thẩm nhân dân, rải rác còn có các quy định về hoạt động của HTND trong pháp luật về tố tụng của nước này. Các quy định này một số còn phản ảnh nội dung của Nghị quyết 2005 mà chưa được cập nhật theo tinh thần Luật 2018.
- Về tố tụng dân sự, Luật Tố tụng dân sự 2012 của Trung Quốc quy định (điều 11): Phiên tòa sơ thẩm phải được xét xử bởi một Hội đồng xét xử gồm số lẻ các thành viên. Thẩm phán và HTND quyền hạn như nhau. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ bao gồm các Thẩm phán. Ngoài ra, luật cũng quy định thủ tục xét xử rút gọn (Điều 157), chỉ duy nhất một Thẩm phán xét xử[11].
- Các quy định về hội thẩm trong Luật Tố tụng hình sự 2012 của Trung Quốc về cơ bản cũng giống như trong Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, số lượng Thẩm phán và Hội thẩm được quy định rõ là 3 đối với các phiên xử của TAND cấp dưới (trừ thủ tục rút gọn) và 3, 5 hoặc 7 đối với các phiên xử của TANDTC. Cũng như trong tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ bao gồm Thẩm phán với số lượng 3 hoặc 5 người[12].
- Luật Tố tụng hành chính 1989 của Trung Quốc có độ hoàn thiện không cao bằng các luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự đã nêu ở trên. Luật này cũng quy định (Điều 46) phiên tòa hành chính sơ thẩm phải được xét xử bởi một Hội đồng xét xử gồm số lẻ các thành viên là Thẩm phán hoặc Thẩm phán/ HTND với quyền hạn như nhau[13]. Tuy nhiên, luật này không đề cập đến hội đồng xét xử của phiên phúc thẩm. Song theo tập quán, Hội đồng xét xử phúc thẩm hành chính chỉ bao gồm Thẩm phán.
Bên cạnh đó, do luật tố tụng của Trung Quốc không quy định có các phiên Tái thẩm/Giám đốc thẩm riêng biệt, nên khi có quyết định tái thẩm, thì phiên tái thẩm sẽ được mở lại theo thủ tục sơ phẩm/phúc thẩm như đã nêu ở trên.
4.Thực tế tình hình thực hiện chế định HTND ở Trung Quốc
Cho tới thời điểm này, việc củng cố chế định hội thẩm tại Trung Quốc đã tiến được một bước dài. Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ các phiên xét xử có HTND tham gia đạt 71,7% năm 2013. Tỷ lệ này là 62,9% năm trước đó, và thực sự là một bước phát triển vượt bậc từ tỷ lệ 19,7% năm 2006 – năm đầu tiên ngay sau khi chế định hội thẩm mới có hiệu lực. Tổng cộng trong 8 năm (2006 – 2013), đội ngũ HTND đã tham gia xét xử 6,28 triệu phiên tòa, trong đó 1,76 phiên hình sự.
Năm | Số lượng các vụ án có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân | Tỷ lệ các vụ án có sự tham gia của hội thẩm nhân dân |
2006 | 339.965 | 19,73% |
2007 | 377.040 | 19,31% |
2008 | 505.412 | 22,48% |
2009 | 632.006 | 26,51% |
2010 | 912.177 | 28,42% |
2011 | 1.116.428 | 46,50% |
Nguồn : Tân Hoa Xã[14]
Các năm sau 2013, Trung Quốc không công bố số liệu cụ thể về tỷ lệ các vụ án có sự tham gia của HTND do con số này đã lên đến mức trên 95%. Năm 2019, Trung Quốc đã tiến hành lựa chọn và bổ nhiệm trên 170.000 HTND trên phạm vi toàn quốc[15].
Tuy nhiên, việc thực hiện chế định Hội thẩm ở Trung Quốc cũng bộc lộ một số bất cập. Trong một nghiên cứu của TANDTC Trung Quốc có đề cập đến một số hạn chế của hệ thống này[16] :
- Nguồn Hội thẩm hạn chế, nhất là ở các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, tiêu chuẩn sơ tuyền cao cùng với những quy định phức tạp về đề cử - ứng cử đã khiến cho diện lựa chọn của HTND càng thêm hẹp, đa phần đều là Đảng viên hoặc người trong Hội đồng nhân dân các cấp. Điều này làm giảm tính đại diện, đồng thời phần nào đó ảnh hưởng tới tính khách quan của hội thẩm.
- Đã hạn chế về nguồn, nhưng số lượng Hội thẩm có trình độ, đặc biệt là có kiến thức luật học, còn thấp hơn. Điều này là do hệ thống đào tạo Hội thẩm đa phần chú trong tới hình thức, các vấn đề mang tính thủ tục mà không trang bị các kiến thức chuyên sâu. Các khóa tập huấn đều ngắn ngày và nội dung lặp đi lặp lại khiến cho ý nghĩa thực tiễn không cao.
- Nhiều HTND chỉ dừng ở mức « tham gia phiên tòa » mà không thực sự « tham gia xét xử ». Do thiếu kiến thức pháp lý, tâm lý ngại va chạm, cũng như tập quán bất thành văn là hội thẩm chỉ đóng vai trò « đại biểu danh dự » khiến nhiều Hội thẩm gần như không có đóng góp pháp lý nào cho tiến trình phiên tòa.
- Hạn chế về chi phí khiến cho chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm quá thấp, thậm chí các yêu cầu tối thiểu (ví dụ như đồng phục, lễ phục) cũng không được trang bị, dẫn đến giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của việc HTND có mặt trong các phiên xét xử.
- Hội thẩm thường giành quá ít thời gian cho công tác xét xử và công tác trau dồi nghiệp vụ xét xử.
5.Kết luận
Thực tiễn cho thấy, việc triển khai chế định hội thẩm của Trung Quốc hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đảm bảo tính đại diện của hội thẩm nhân dân được lựa chọn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, hẻo lánh. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng là một bước tiến lớn trong tiến trình cải câch tư pháp của nước này, tiệm cận với các chuẩn mực pháp lý của thế giới trong khi vẫn đảm bảo những đặc điểm riêng của hệ thống pháp luật Trung Quốc.
[1] 人民法院组织法 (Luật Tổ chứcTòa án Nhân dân Trung Quốc, 21/9/1954
[2] QIU Qunran, YAN Chen, The People’s Assessors in China’s Legal System: Current Legal Structure for their Duty and its Justification, Tsinghua China Law Review, số 12/2019
[3] 全国人大常委会关于完善人民陪审员制度的决定) (Nghị quyết về củng cố hệ thống Hội thẩm nhân dân, 2/4/2004
[4] Qi, Ming, The People’s Jurors in Chinese Judicial System: Mechanisms and Policies, Tsinghua University, 2014
[5] 最高人民法院、司法部关于印发《人民陪审员制度改革试点方案》的通知 (Thông báo của TAND tối cao và Bộ Tư pháp Trung Quốc về việc thử nghiệm cải cách hệ thống hội thẩm nhân dân), 24/4/2015
[6] 全国人大常委会关于完善人民陪审员制度的决定) (Nghị quyết về củng cố hệ thống Hội thẩm nhân dân, 2/4/2004
[7] 周媛媛, 我国人民陪审制的历史沿革与改革背景 (Nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển chế định hội thẩm nhân dân của Trung Quốc), 法制与社会, 2015
[8] 人民陪审员法) (Luật Hội thẩm nhân dân Trung Quốc), 2018
[9] 最高人民法院关于适用《中华人民共和国人民陪审员法》若干问题的解释) (Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Hội thẩm nhân dân Trung Quốc) - 2019.
[10] Kexin Xu, The comparison of Jury system in the US and in China, Bucerius Law School, 2011
[11] 中华人民共和国民事诉讼法 (Luật tố tụng dân sự Trung Quốc), 2012
[12] 中华人民共和国刑事诉讼法 (Luật tố tụng hình sự Trung Quốc), 2012
[13] 中华人民共和国行政诉讼法 (Luật tố tụng hành chính Trung Quốc), 1990
[14] Qi, Ming, The People’s Jurors in Chinese Judicial System: Mechanisms and Policies, Tsinghua University, 2014
[15] China appoints 170,000 people's assessors in 2019, Xinhua, 20/1/2020
[16] QIU Qunran, YAN Chen, The People’s Assessors in China’s Legal System: Current Legal Structure for their Duty and its Justification, Tsinghua China Law Review, số 12/2019
Một phiên tòa hình sự Trung Quốc. Ảnh: Handout
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận