Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản là đồng phạm

Sau khi nghiên cứu bài viết “Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản có phạm tội không?” và các ý kiến trao đổi, tôi đồng tình với quan điểm hành vi của Thạch Quốc Cường chỉ nhà cho Tài thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là đồng phạm nhưng không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng có tính chất chuyên nghiệp.

Qua nghiên cứu bài viết “Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản có phạm tội không?”, có 2 vấn đề cần được giải quyết:

- Thứ nhất, hành vi chỉ nhà ông Trần Văn Tân để Tài thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 25/6/2020 của Thạch Quốc Cường có cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” hay không?

- Thứ hai, nếu cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” thì có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không?

Về vấn đề thứ nhất, theo Điều 17 BLHS, hành vi của Cường là đồng phạm với Tài, Cường phạm tội với vai trò là người xúi dục.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam thì xúi giục có nghĩa là “xui và thúc đẩy người khác làm việc sai trái, với dụng ý xấu”. Theo khoản 3 Điều 17 người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Theo dữ liệu trong bài viết, trước khi chỉ nhà ông Tân để Tài đi trộm, ngày 11/4/2020, Cường rủ Tài đến nhà bà Đào Thị Ngọc Giàu lấy trộm tài sản trị giá 3.693.300 đồng, bản thân Cường đã trộm tài sản nhà ông Tân vào ngày 23/6/2020. Do đó có thể đánh giá, khi Cường chỉ nhà ông Tân để Tài đi trộm thì hành vi của Cường đã tác động đến ý chí, tư tưởng của Tài, khiến Tài đưa ra quyết định đi trộm nhà ông Tân. Do hành vi xúi giục của Cường  trực tiếp bằng lời nói, xúi giục đối tượng cụ thể là Tài, để thực hiện hành vi cụ thể là trộm cắp tài sản nhà ông Tân, mối quan hệ nhân quả là ngày 25/6/2020 Tài đã thực hiện hành vi trộm. Do đó hành vi của Cường thỏa mãn các điều kiện về người xúi dục Tài, Cường đồng phạm với Tài trong lần trộm ngày 25/6/2020.

Do đồng phạm với vai trò là người xúi dục nên hành vi phạm tội của Cường được hoàn thành kể từ thời điểm Tài lấy được tài sản trong nhà ông Tân. Tài sản Tài chiếm đoạt có giá trị là 2.233.000 đồng nên hành vi của Cường đã cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Vấn đề thứ hai, chúng ta cần nghiên cứu vận dụng Nghị quyết số 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định tại tiểu mục 5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Để áp dụng tình tiết này cần thoải mãn hai điều kiện:

-  Điều kiện thứ nhất: Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích: Cường có một tiền án về tội trộm cắp tài sản (trong bản án này đã xác định là tái phạm), chưa được xóa án tích mà tiếp tục 4 lần trộm cắp tài sản, đã thỏa mãn điều kiện này.

- Điều kiện thứ hai: Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Thứ nhất chúng ta cần xem xét bao lâu sau khi chấp hành xong hình phạt tù Cường mới thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày 11/4/2020. Xem xét điều này bởi lẽ trường hợp sau khi chấp hành xong hình phạt tù 1-2 tháng Cường tiếp tục đi trộm sẽ khác với việc sau khi chấp hành xong hình phạt tù 1-2 năm Cường tiếp tục đi trộm. Chúng ta không thể đánh giá việc Cường lấy việc trộm cắp tài sản làm nguồn sống chính khi chấp hành xong hình phạt tù 1-2 năm, vì rõ ràng trong khoảng thời gian này chúng ta không chứng minh được Cường sống bằng tiền phạm tội mà có.

Thứ hai, dữ liệu bài viết chưa nêu rõ Cường có nghề nghiệp, công việc ổn định để tạo ra thu nhập trong thời gian phạm tội hay không. Mặt khác, cũng cần phải làm rõ số tiền phạm tội sử dụng vào việc phục vụ những nhu cầu ăn ở hàng ngày hay phục vụ những ham muốn như đánh bạc, sử dụng ma túy.

Thứ ba, thực tế, sau khi trộm, Tài bán tài sản chiếm đoạt và tiêu xài cá nhân hết, không có chia cho Cường. Tức Cường  không sử dụng tiền phạm tội vào nguồn sống chính của mình.

Từ 03 lý do nêu trên, có thể khẳng định hành vi của Cường không thỏa mãn điều kiện thứ hai, hành vi của Cường không được xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Trên đây là quan điểm cá nhân sau khi đọc bài viết “Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản có phạm tội không?” . Rất mong nhận được ý kiến thảo luận của độc giả.

 

TAND Tp Hà Giang xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Phùng Ngọc Minh

 

 

TRẦN XUÂN HẢI ( VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)