Chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại
Sau khi đọc bài viết “Không có người bị hại thì có truy tố tội Cố ý gây thương tích?” của tác giả Võ Văn Như, tôi xin đưa ra quan điểm của mình để trao đổi cùng các bạn đọc.
Trong vụ án tác giả đưa ra, vì cho rằng có nhóm người đang đi hướng về mình để đánh nhau, Sự đã nhắn tin cho Đồng. Nhận được tin của Sự, Đồng cùng Côn mang theo hai cây dao, lưỡi dài 90cm, cán dài 37cm đi đến chỗ Sự. Trên đường đi thì bị Công an bắt giữ. Tại cơ quan Công an thì Sự khai là không biết ai dí đánh nhưng Sự thấy nhóm người này đi lại gần nên bỏ chạy. Cơ quan tiến hành tố tụng không xác định nhóm người này là ai.
Có ba quan điểm, quan điểm thứ nhất và thứ hai xác định hành vi của Đồng và Côn đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS; xem xét hành vi của Nguyễn Sinh Sự có vai trò đồng phạm.
Quan điểm thứ ba, tác giả cho rằng tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là tội cấu thành vật chất, nên phải xác định được đối tượng mà những người chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội hướng đến là ai? Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ ba, trên lập luận sau: Như chúng ta đã biết, một tội phạm thực hiện được chia làm ba giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội - phạm tội chưa đạt - phạm tội hoàn thành. Tại giai đoạn chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, chưa gây ra hậu quả tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động, chỉ có các hành vi tạo ra tiền đề (điều kiện) cần thiết cho việc thực hiện tội phạm mà chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó. “Điều 14 - Khoản 1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”.
Nhưng người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh, cùng một điều luật như trường hợp tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên, trong 318 tội danh được quy định trong BLHS chỉ có 25 tội giai đoạn chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, riêng đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi, thì chỉ áp dụng đối với 02 tội (tội giết người (Điều 123) và tội cướp tài sản (Điều 168)). Và hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội cũng sẽ nhẹ hơn hình phạt đối với trường hợp tội phạm hoàn thành. Như đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, chuẩn bị phạm tội thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (khoản 6 Điều 134), tội phạm hoàn thành có hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy, về mặt lý luận hay quy định pháp luật đều cho thấy tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội thấp hơn hành vi phạm tội đã hoàn thành.
Khoản 1 Điều 155 BLTTHS quy định: Tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Khoản 1 Điều 134 BLHS quy định các dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Như vậy, để khởi tố vụ án theo khung cơ bản của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì cần phải có yêu cầu của bị hại.
Nên, để làm căn cứ khởi tố vụ án trong trường hợp chuẩn bị phạm tội Tội cố ý gây thương tích cũng cần thiết phải xác định được bị hại và phải làm rõ ý chí của bị hại có hay không yêu cầu khởi tố vụ án. Bởi vì, mục đích của việc quy định chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại là nhằm hướng đến bảo vệ quyền tự định đoạt của đương sự, vừa giữ cho bị hại quyền riêng tư, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát tinh thần, danh dự, thời gian tham gia tố tụng không cần thiết, vừa hoá giải mâu thuẫn giữa hai bên khi khuyến khích các bên thoả thuận bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để đổi lại bị hại cho người thực hiện hành vi phạm tội có cơ hội thoát khỏi lao lý khi không yêu cầu khởi tố vụ án. Và như đã lập luận ở phần trên, phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS. Nên sẽ là mâu thuẫn rất lớn nếu cơ quan tiến hành tố tụng khi có yêu cầu của bị hại mới khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS nhưng lại không cần yêu cầu của bị hại mà khởi tố vụ án “chuẩn bị phạm tội Cố ý gây thương tích” theo khoản 6 Điều 134 BLHS.
Tôi cho rằng câu hỏi của tác giả Võ Văn Như về việc có bắt buộc phải xác định bị hại trong trường hợp chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hay không là rất hay. Vì qua câu hỏi này, chúng ta đã chỉ ra được một bất cập trong quy định của BLHS và BLTTHS hiện hành. Và theo tôi, đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác cũng cần phải quy định chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại. Có như vậy thì quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại trong BLTTHS mới phù hợp với tính chất của từng giai đoạn phạm tội đối với tội cố ý gây thương tích trong BLHS, cũng như đạt được sự thống nhất trong áp dụng các quy định của pháp luật về chuẩn bị phạm tội tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, đó là trong trường hợp chuẩn bị phạm tội tội cố ý gây thương tích, cũng cần phải xác định được bị hại.
Theo đó, nên bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS như sau để đầy đủ hơn: “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 134, và khoản 1 các điều 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”
Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của các độc giả.
Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp, Bình Phước xét xử vụ án Cố ý gây thương tích - Ảnh: Thành Trung
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận