Chủ thể của tham nhũng trong khu vực tư - Quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử

Với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, đảm bảo sự phát triển bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực tư nhân. Trong thời gian gần đây, khu vực tư ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển tích cực đó cũng tiềm ẩn những dấu hiệu tiêu cực. Một trong những biểu hiện tiêu cực mới xuất hiện trong khu vực tư đó là tham nhũng.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, cũng như làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp khu vực tư; đe dọa sự tín nhiệm, trung thực và trung thành - những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế.

Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi tham nhũng trong khu vực tư, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời, quá trình hội nhập quốc tế đã và sẽ đặt ra cho Việt Nam các yêu cầu về việc thiết lập các biện pháp nhằm quản lý và thúc đẩy nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó Công ước của Liên hợp quốc có quy định về việc các quốc gia mở rộng phòng chống tham nhũng ra cả khu vực kinh tế tư nhân. Tinh thần đó đã được thể chế hoá tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (Luật PCTN) và Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS). Tuy nhiên, tham nhũng trong khu vực tư là vấn đề khá mới mẻ và việc truy cứu tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư trên thực tế vẫn còn có những điều chưa thực sự thuyết phục, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bài viết này bàn về vấn đề chủ thể của tội tham ô, một hành vi điển hình của tội phạm tham nhũng và những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn xét xử thời gian vừa qua.

1. Quy định của pháp luật về chủ thể tội phạm tham nhũng

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ trước đến nay thường dùng khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” để chỉ chủ thể của tham nhũng. Tuy nhiên, pháp luật hình sự thì sử dụng thuật ngữ “người có chức vụ” đối với chủ thể của hành vi này. Bản thân việc dùng hai khái niệm khác nhau để chỉ cùng một đối tượng là điều cần suy nghĩ điều chỉnh cho thống nhất. Việc thống nhất về quy định sẽ là điều kiện quan trọng để dẫn đến sự thống nhất về nhận thức và quá trình áp dụng sau nay.

Khoản 2 Điểu 3 Luật PCTN 2018 quy định về chủ thể tham nhũng theo phương thức liệt kê: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.

Luật PCTN đưa ra hành vi tham nhũng trong khi BLHS có 7 tội danh tham nhũng. Theo cách hiểu hiện nay thì hành vi tham nhũng nhiều hơn tội danh về tham nhũng. Trên thực tế thì những hành vi tham nhũng chưa được hình sự hóa nên tương đối khó xác định và trong nhiều trường hợp thực chất chỉ là những biểu hiện của “hành vi sách nhiễu vì vụ lợi”. Có thể việc quy định một số hành vi tham nhũng chưa được hình sự hóa nhằm mục đích răn đe phòng ngừa đối với những hành vi thường được gọi là “tham nhũng vặt” để có cơ sở xử lý hành chính. Mặc dù vậy thì thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy thực tế hầu như chưa thấy trường hợp nào bị xử lý với những hành vi này.

Trong khi đó tại khoản 2 Điều 352 BLHS thì giải thích: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.

Việc có quy định khác nhau để chỉ cùng một đối tượng là điều không nên, cần có sự điều chỉnh cho hợp lý và thống nhất. Trên thực tế thì hành vi tham nhũng vốn được coi là tội phạm có chủ thể đặc biệt nhưng với việc mở rộng hành vi tham nhũng sang khu vực tư, cùng với đó là cả đối với người có được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó” (Luật PCTN) và BLHS thì người được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ, thực tế chủ thể tham nhũng đã không còn thực sự là “đặc biệt”. Điều đó dẫn đến nguy cơ tội danh này được áp dụng tràn lan, không đúng với bản chất của hành vi tham nhũng là phải trên cơ sở quyền lực thực sự mà sẽ được phân tích qua các vụ việc cụ thể dưới đây

2. Thực tiễn xét xử tội tham ô tài sản và một số vấn đề đang đặt ra

Vụ án thứ nhất: Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh B tuyên phạt 01 bị cáo (làm nghề shipper) mức 07 năm 06 tháng tù về “tội tham ô tài sản” (theo khoản 2 Điều 353 BLHS) vào ngày 01/3/2024 (Bản án số 18/2024/HS-ST). Bị cáo 22 tuổi, nhà nghèo, xin làm shipper cho một công ty TNHH một thành viên (công ty), nhưng chỉ được thỏa thuận công việc bằng lời nói và được chỉ định số đơn hàng nhất định mỗi ngày, nên có trách nhiệm giao hàng cho khách hàng và nhận tiền từ khách hàng về giao trả cho công ty. Bị cáo đã nhiều lần không giao trả và không giao trả đầy đủ tiền hàng cho công ty. Với thủ đoạn đó, bị cáo đã chiếm đoạt hơn 63 triệu đồng của công ty.

Vụ việc này có thể đặt ra hai câu hỏi:

+ Shipper là một nghề nghiệp hay một chức vụ? Cụ thể, bị cáo này, trong trường hợp này, có thể bị xem là người có chức vụ không?

+ Có thể áp dụng tội danh “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cho phù hợp hơn không?

Chúng tôi thấy rằng nếu căn cứ vào dấu hiệu được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ thi người này có vẻ như đã thỏa mãn yêu cầu về các yếu tố chủ thể tội tham ô tài sản. Nhưng nếu xét một cách đầy đủ tình tiết vụ án thì việc gọi người nay là “người có chức vụ” thì thực sự là thấy khiên cưỡng và chúng tôi nghiêng về tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với trường hợp này hơn.

Khác hơn một chút là vụ việc Nguyễn Hữu N (SN 1987, trú phường P, thành phố T, tỉnh B) bị khởi tố để điều tra về tội tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty CP dịch vụ Giao hàng nhanh - chi nhánh huyện N, tỉnh N. Nguyễn Hữu N là nhân viên Công ty CP dịch vụ Giao hàng nhanh - chi nhánh tại huyện N. N đã thu tổng số tiền hơn 143 triệu đồng của 13 nhân viên giao hàng nhưng chỉ nộp vào tài khoản của công ty hơn 36 triệu đồng và chiếm đoạt số tiền hơn 106 triệu đồng còn lại. Cơ quan CSĐT Công an huyện N ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Nguyễn Hữu N về tội “tham ô tài sản”[1].

Vụ thứ hai: Trương Mỹ Lan bị xử về tội tham ô tài sản trong vụ Van Thịnh Phát

Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định tính đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm.

Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB thì bà Lan thực tế là đại hội cổ đông của SCB, là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng này và lợi dụng việc đó để chỉ đạo rút tiền của SCB[2].

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận chi phối, điều hành Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) để tham ô tài sản. Luật sư cho rằng bị cáo Lan không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản, bởi HĐQT mới quyết định mọi hoạt động của SCB. Đối đáp, Viện kiểm sát đánh giá SCB là ngân hàng TMCP, vì vậy hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định liên quan, theo đó Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, hoặc tổ chức tín dụng; có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm HĐQT... Vì vậy, luật sư cho rằng bị cáo Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB, không phải chủ thể tội tham ô tài sản là không có căn cứ chấp nhận[3].

Trong vụ án này việc Trương Mỹ Lan dùng quyền chi phối của mình để thực hiện hành vi tham ô tài sản là có thể thấy khá rõ ràng nhưng khái niệm “người có chức vụ” là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác được áp dụng đối trường hợp này không thực sự rõ ràng chắc chắn.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Từ thực tiễn xét xử một số vụ án nêu trên, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật làm cơ sở vững chắc cho việc xứt xử các tội danh về tham nhũng, trước hết là tội tham ô tài sản. Cụ thể như sau:

3.1. Thống nhất khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” trong Luật PCTN và khái niệm “người có chức vụ” được sử dụng trong BLHS. Theo chúng tôi nên dùng khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” để bao quát và phù hợp hơn với mọi trường hợp, bởi lẽ theo tiếng Việt thông thường thì “người có chức vụ” thường để chỉ những người có chức danh lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của một cơ quan, tổ chức để phân biệt với một nhân viên bình thường. Đối với khu vực nhà nước thì cần nghiên cứu để hạn chế đối tượng “người có chức vụ” chỉ với người có chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp với quy mô ở mức độ nào đó. Điều này sẽ góp phần giảm bớt tình trạng xử lý tội danh tham ô tràn lan, không đúng bản chất của hành vi phạm tội, trong những trường hợp có thể xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bản thân khái niệm “người có chức vụ” hay “người có chức vụ, quyền hạn” cũng cần điều chỉnh lại để bao quát cả những trường họp không phải là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ để có thể xử lý những đối tượng như Trương Mỹ Lan.

3.2. Nghiên cứu thống nhất các hành vi tham nhũng với tội danh về tham nhũng trong các văn bản pháp luật theo hướng:

+ Giữ nguyên 7 hành vi tham nhũng trong Luật PCTN đã thống nhất với 7 tội danh tham nhũng trong BLHS (tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi).

+ Bỏ hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi trong Luật PCTN vì đây chỉ là thủ đoạn đòi hối lộ tinh vi mà thôi.

+ Một số hành vi trong Luật PCTN có thể lược bớt như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Những hành vi này hoàn toàn có thể được xử lý như đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

+ Các hành vi: đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi và đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi có thể lược bỏ mà chỉ được coi là tình tiết tăng nặng đối với tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

 

TS. ĐINH VĂN MINH

[1] Gia Đức, Khởi tố nhân viên công ty chuyển phát nhanh chiếm đoạt tiền, https://congly.vn/khoi-to-nhan-vien-cong-ty-chuyen-phat-nhanh-chiem-doat-tien-449559.html.

[2] Đan Thuần, Vụ Vạn Thịnh Phát: Hội đồng xét xử khẳng định bà Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản, https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-hoi-dong-xet-xu-khang-dinh-ba-truong-my-lan-pham-toi-tham-o-tai-san-20240411101450595.htm.

[3] Ngọc Lê - Phan Thương - Ngân Nga, Viện kiểm sát: Trương Mỹ Lan là chủ thể tội tham ô tài sản, https://thanhnien.vn/vien-kiem-sat-truong-my-lan-la-chu-the-toi-tham-o-tai-san-185240401231418998.htm.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát - Nguồn: Internet.