Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ tỉnh Nghệ An kêu cứu vì đầu tư trên 70 tỉ đồng không nhận được tài sản
Tạp chí TAND nhận được đơn của bà Trần Thị Toàn, hộ khẩu thường trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ tỉnh Nghệ An kêu cứu về việc đầu tư trên 71 tỉ đồng, đang có dấu hiệu bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đầu tư trên 71 tỉ đồng
Theo nội dung đơn trình bày, vào tháng 3/2019, bà Trần Thị Toàn ký “Thỏa thuận kế hoạch đầu tư” với bà Lê Thị Bạch Tuyết (tức Nga- Phó Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp nữ Tp Vinh), bà Lê Thị Kim Ngân và ông Trần Lương Sơn, với nội dung bà Toàn dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng vào hai Công ty là Công ty Hanviland và Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An. Bà Toàn là người đầu tư tiền còn bà Lê Thị Bạch Tuyết và bà Lê Thị Kim Ngân, ông Trần Lương Sơn trực tiếp sử dụng tiền để đầu tư và chịu trách nhiệm với bà Toàn.
Nội dung cụ thể của kế hoạch đầu tư là: Mua lại Công ty Havi land 8 tỷ; Mua Công ty Dầu khí 12 tỷ gồm: Cổ phần của anh Dũng (Bắc Á) và Công ty Lanmak (25%) 7 tỷ; Gom Cổ phiếu lẻ Công ty để đạt trên 51%: 5 tỷ.
Đầu tư một số tiền để chi phí trả một số nợ cho Công ty và đầu tư dự án Hưng Lộc, Vinh Tân 130 tỷ. Trong đó trong vòng 02 tháng: 80 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Hưng Lộc 17 tỷ; Trả cho Haviland tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư Vinh Tân tại sở kế hoạch và đầu tư 12 tỷ; Trả nợ ngân hàng 30 tỷ…
Tiếp đó đầu tư dự án Hưng Lộc phần tiếp theo khoảng 2 - 6 tháng 50 tỷ gồm xây dựng hạ tầng, nộp tiền thuế chuyển đổi sử dụng đất, một số chi phí khác.
Bà Tuyết có trách nhiệm phối hợp với ông Trần Lương Sơn làm thủ tục mua lại tất cả cổ phần của Công ty Havi Land và thanh toán 20 tỷ. Bà Tuyết nắm giữ số cổ phần Công ty Dầu khí của ông Đường Hùng Cường (con trai bà Tuyết) là 2.300.000 cổ phần không chuyển nhượng cho ai khi chưa thỏa thuận bán lại cho bà Toàn.
Bà Tuyết cùng với ông Sơn dùng Công ty CP Haviland mua lại 25% số cổ phần của Công ty Dầu khí từ anh Dũng Bắc Á và Công ty Lammak với số tiền khoảng 6 tỷ đồng.
Ông Sơn có trách nhiệm tổ chức hoạt động Công ty Hanvi Land và đại diện số cổ phần của Công ty Hanvi Land có tại Công ty dầu khí để điều hành Công ty Dầu khí triển khai dự án đúng cam kết, tiến độ, đúng pháp luật và hiệu quả và cùng bà Tuyết, theo từng tiến độ cụ thể tiến hành đầu tư từ Công ty Havi Land vào Công ty Dầu khí (khi chưa đủ 65% Cổ phần thì tiến hành cho vay, khu đủ 65% cổ phần trở lên thì cho mượn để Dầu khí đầu tư dự án và hoạt động.
Bà Lê Thị Kim Ngân có trách nhiệm phối hợp với ông Sơn để thu gom hết cổ phần còn lại của Công ty Dầu khí. Sau từng đợt sẽ chuyển cho Công ty Hanvi Land nắm giữ.
Ngày 11/5/2020, bà Toàn và bà Tuyết đã tiến hành đối chiếu, bà Tuyết xác nhận đã nhận của bà Toàn trên 71,67 tỷ đồng. Bản đối chiếu này đã thể hiện số tiền cho vào danh mục các tài sản mà bà Lê Thị Bạch Tuyết đã đầu tư theo “Thỏa thuận kế hoạch đầu tư”.
Thực tế đầu tư?
Sau một thời gian đầu tư, bà Toàn nhận thấy bà Tuyết và các cộng sự không thực hiện đúng kế hoạch, không mua cho bà Toàn những tài sản nêu tại Thỏa thuận kế hoạch đầu tư.
Bà Toàn cho biết đến nay, bà Tuyết cũng không cung cấp được các tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh việc đầu tư đúng như hai bên đã thống nhất theo Thỏa thuận kế hoạch đầu tư, không chỉ ra được cụ thể các tài sản đã đầu tư. Do đó bà Toàn đã gửi đơn tố giác bà Lê Thị Bạch Tuyết, bà Lê Thị Kim Ngân,ông Trần Lương Sơn về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 71 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Nghệ An đã giải quyết đơn tố giác của bà Toàn. Kết quả kiểm tra, xác minh nhận thấy sau khi nhận tiền của bà Toàn, bà Tuyết đã mua các tài sản đúng như cam kết. Tuy nhiên đến ngày 11/05/2020 hai bên có ký kết với nhau bằng một “Biên bản đối chiếu”. Trong biên bản đối chiếu thể hiện, bà Trần Thị Toàn là Bên cho thê tài chính; còn bà Lê Thị Bạch Tuyết là Bên thuê tài chính, thể hiện việc bà Trần Thị Toàn đã chuyển cho bà Lê Thị Bạch Tuyết, với tổng số tiền là 71,67tỉ đồng. Như vậy, văn bản đối chiếu này đã thể hiện bà Trần Thị Toàn chuyển từ hình thức đầu tư, sang hình thức cho bà Lê Thị Bạch Tuyết vay toàn bộ số tiền trên.
Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên tại xã Hưng Lộc là tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu Khí, không thuộc tài sản của riêng cá nhân nào; mặt khác, hiện tại bà Tuyết có cam kết sẽ trả lại toàn bộ tài sản mà trước đây đã đứng tên mua cho và Trần Thị Toàn hoặc sẽ trả lại toàn bộ số tiền mà bà Toàn đã chuyển; cho vay; nên không có yếu tố chiểm đoạt tài sản.
Tại buổi làm việc giữa bà Trần Thị Toàn và bà Lê Thị Bạch Tuyết tại Cơ quan Điều tra, hai bên đã thống nhất giải quyết dân sự là bà Tuyết sẽ trả toàn bộ tài sản do bà Toàn trả tiền mua.
Hiện nay, bà Tuyết và những người có liên quan vẫn thừa nhận việc nhận tiền của bà Trần Thị Toàn theo yêu cầu, thỏa thuận; không có yếu tố chiếm đoạt tài sản. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Bà Toàn không đồng ý với kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Theo bà Toàn: Quá trình giải quyết, Cơ quan điều tra chỉ nghe hai bên trình bày, nhận các tài liệu giấy tờ do hai bên cung cấp, không tiến hành thu thập các tài liệu, xác minh việc bà Lê Thị Bạch Tuyết, bà Lê Thị Kim Ngân, ông Trần Lương Sơn đã sử dụng số tiền của tôi chuyển cho phía bà Lê Thị Bạch Tuyết như thế nào, đã mua được cái gì, hiện nó ở đâu, chỉ căn cứ vào lời trình bày của các bên xác định quan hệ giữa bà Toàn với bà Tuyết, bà Ngân, ông Sơn để xác nhận là quan hệ dân sự, không khởi tố vụ án hình sự khiến bà Toàn rất bức xúc.
Bà Toàn cho rằng việc cơ quan điều tra xác định “bà Trần Thị Toàn chuyển từ hình thức đầu tư, sang hình thức cho bà Lê Thị Bạch Tuyết vay toàn bộ số tiền trên”, là trái với quy định của pháp luật, vì nội dung của biên bản đối chiếu không thể hiện nội dung của hợp đồng vay tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Trong tất cả các văn bản bà Toàn ký kết với bà Tuyết không có nội dung nào thể hiện bà Toàn cho bà Lê Thị Bạch Tuyết vay tiền.
Tạm kết
Vụ đầu tư trên 71 tỉ đồng nhưng không nhận được tài sản của bà Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ tỉnh Nghệ An khiến giới doanh nhân rất quan tâm vì tính rủi ro rất cao khi hợp tác đầu tư. Bà Toàn mong muốn đơn tố giác được giải quyết đúng quy định của pháp luật, khách quan, toàn diện để có quyết định xử lý công bằng và nghiêm minh.
Bà Trần Thị Toàn - Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp Nghệ An (phải) trong buổi trao quyết định thành lập Chi hội nữ doanh nghiệp TP. Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận