Miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc để bầu Chủ tịch nước
Tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào chiều 1/4, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Ngày mai 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Chiều cùng ngày, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.
Sáng 5/4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi miễn nhiệm sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch nước được bầu từ một người đã giữ chức Thủ tướng trước đó.
Trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội đối với ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng ba Phó Chủ tịch Quốc hội - Ảnh: Quốc Chính
Trước đó, Quốc hội đã tiến hành thủ tục miễn nhiệm ba Phó Chủ tịch Quốc hội gồm: Bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Phùng Quốc Hiển.
Sau khi các đại biểu được nghe thông báo về số phiếu bầu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố dự thảo Nghị quyết về việc bầu các vị Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Khắc Định.
Kết quả biểu quyết, 455/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội), chỉ 1 đại biểu không biểu quyết. Nghị quyết có hiệu lực ngay từ khi được thông qua.
Như vậy, Quốc hội đã hoàn thành việc kiện toàn cơ cấu các chức danh lãnh đạo Quốc hội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận