Chứng cứ thể hiện giao tiền là căn cứ pháp lý trong xác định tính khách quan của hợp đồng vay tiền

Ngày 16/3/2021, Tạp chí Tòa án có bài viết “Nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền”, với một tình huống cụ thể. Sau khi đọc bài viết và ý kiến trao đổi, tôi xin nêu quan điểm của mình về hướng giải quyết vụ án này.

Theo nội dung vụ án, nguyên đơn là bà D trình bày: Ngày 5/3/2010 bà D làm thủ tục thế chấp số tiết kiệm để vay số tiền hơn 700.000.000đ để đưa cho bà C vay. Hai bên đã lập Khế ước vay có nội dung đề ngày 5/3/2010 thể hiện số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay (81 ngày kể từ ngày ký). Hai bên giao nhận tiền tại nhà ông H (nhưng ông H không chứng kiến việc giao nhận tiền này). Ngoài ra, bà D còn đưa ra tài liệu chứng minh là khi tất toán khoản vay trên thì bà C còn ký tên C vào tờ giấy bảng kê gốc và lãi. Sau 10 năm, cuối năm 2020 bà D mới khởi kiện ra Tòa yêu cầu bà D trả tiền gốc và lãi theo khế ước viết ngày 5/3/2010.

Bị đơn là bà C trình bày: Yêu cầu của nguyên đơn không có cơ sở, vì bà có hỏi vay tiền nhưng bà D nói không có tiền mặt mà chỉ có tiền gửi ngân hàng. Nếu bà C chắc chắn vay thì bà D sẽ đi rút tiền. Bà D yêu cầu bà C viết Khế ước vay và hẹn sẽ đưa tiền cho bà C sau khi viết khế ước từ 1, 2 ngày. Trong bản khế ước không có nội dung đã giao nhận tiền.

Sau khi viết tờ giấy đó, bà C không có nhu cầu vay nữa nên không tiếp tục hỏi bà D về số tiền này, do sơ suất nên bà cũng không yêu cầu bà D hủy bỏ bản khế ước. Hai bên tiếp tục làm ăn với nhau, bà D từng mua nhà và vay tiền của bà C, (ngày 13/9/2010 bà C có cho bà D vay số tiền 600 triệu đồng) mà không nhắc gì đến bản khế ước đó.

Còn bản kê tất toán khoản vay với Ngân hàng của bà D nhưng có chữ ký của bà C thì bà C khẳng định đó là do bà D nhờ bà C kiểm tra giúp xem có đúng hay không, xem xong thì bà C ký, như lâu nay vẫn xem giúp, không liên quan đến khế ước vay tiền đó. Và bản kê mà nguyên đơn đưa ra là bản phô tô.

Hiện nay có hai quan điểm giải quyết vụ án là chấp nhận và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Qua đó có thể thấy: Vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án nêu trên và rất nhiều các vụ án tranh chấp vay tiền được Tòa án giải quyết, là việc chứng minh việc giao nhận tiền giữa các bên không rõ ràng, không có tài liệu, chứng cứ trực tiếp chứng minh cho việc giao nhận tiền thì việc giải quyết vụ án như thế nào? Giả thiết đặt ra về tình huống pháp lý khi nguyên đơn xuất trình được giấy vay tiền (có chữ ký của bên vay là bị đơn), tuy nhiên không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền thì có chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hay không?

Trở lại tình huống pháp lý được nêu ra bên trên, để giải quyết vụ án, cần tập trung  vào các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các bên chứng minh cho nội dung có việc giao nhận tiền hay không?  Khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2015 quy định: “1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Nội hàm chủ thể hướng tới là đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) tuy nhiên trong vụ án này, với tư cách là nguyên đơn, bà C cần thể thể hiện rõ hơn việc chủ động, tích cực thu thập, đưa ra các tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình bởi việc chỉ đưa ra khế ước vay mà không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền thì theo quan điểm tác giả là chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đối với tài liệu là chữ ký tại bản tất toán bản kê gốc lãi, cần phải khẳng định tài liệu này là tài liệu gián tiếp, có liên quan để xây dựng cơ sở cho lời trình bày của bà C; không thể là chứng cứ trực tiếp khẳng định việc bà C đã giao tiền cho bà D.

Trong vụ án trên, có một vài tình tiết, hành vi khách quan có liên quan được phía bị đơn trình bày là tháng 1/2013 bà D có ký hợp đồng mua bán căn hộ với bà C và bà D vẫn thanh toán số tiền mua bán là 750.000.000đ vào ngày 09/1/2013; phía bị đơn còn trình bày việc ngày 13/9/2010 bà C có cho bà D vay số tiền 600.000.000đ. Đây là lời trình bày, tài liệu phản bác phía bị đơn đưa ra để thể hiện không có việc nợ tiền, không có việc giao nhận tiền, rất đáng quan tâm.

Việc đưa ra kết luận vụ án cần dựa trên hồ sơ và đánh giá toàn diện các tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần xác định trong trường hợp nguyên đơn xuất trình được giấy vay tiền (có chữ ký của bên vay là bị đơn), nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền; trong khi đó bị đơn có tài liệu, chứng cứ phù hợp thể hiện không có việc giao nhận tiền thì không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Ngoài ra trong vụ án trên, dù tác giả Cao Thanh Loan không đưa ra để bàn nhưng chúng tôi thấy có vấn đề về thời hiệu. Thời hiệu khởi kiện vụ án trong vụ án trên đã hết, bởi thời hạn thực hiện hợp đồng vay là 81 ngày kể từ ngày ký, do đó thời điểm tính thời hiệu trong trường hợp này là từ ngày bà D biết hoặc buộc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm là ngày 25/5/2010. Quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, thời hiệu là 03 năm, áp dụng theo quy định tại Điều 184 BLTTDS, các bên đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu, trường hợp có yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án cần đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS. Sau đó phía nguyên đơn có thể khởi kiện lại với yêu cầu đòi lại số tiền nợ gốc (quan hệ tranh chấp là kiện đòi tài sản) và khi đó lãi suất sẽ không được xem xét giải quyết.

Trên đây là quan điểm, ý kiến cá nhân của tác giả, rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý bạn đọc.

 

ThS NGUYỄN XUÂN BÌNH ( Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh)