Chứng khoán An Bình (ABS): Lợi nhuận đi lùi, bị xử phạt liên tục, cho đến sở hữu những lô trái phiếu hàng trăm tỷ của “họ” Geleximco

Chứng khoán An Bình (ABS) chứng kiến lợi doanh thu quý IV/2022 sụt giảm, đạt hơn 86,7 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong năm 2022, ABS cũng sở hữu 867,1 tỷ đồng trái phiếu, chiếm đến 42% tổng tài sản công ty chứng khoán này. Đó là các trái phiếu của CTCP Glexhomes (228,6 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (636 tỷ đồng). Trong những năm qua, nhóm Chứng khoán An Bình – ABBank là những tổ chức chuyên sắp xếp dòng tiền cho Tập đoàn Geleximco và các pháp nhân trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Văn Tiền.

Lợi nhuận sụt giảm, liên tục bị xử phạt

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Theo dữ liệu được ABS công bố thì các chỉ tiêu kinh doanh trong 03 tháng cuối năm 2022 của công ty chứng khoán này đều suy giảm.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ABS đạt 2.053,5 tỷ đồng, tương đương giảm 3,3% so với đầu năm. Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt mức 1.215,5 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm 2022. Nợ phải trả của ABS giảm còn 788,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2022 - Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS).

Doanh thu hoạt động công ty trong quý IV/2022 của ABS chỉ đạt hơn 86,7 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung lũy kế cả năm 2022, ABW ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 364,4 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Do doanh thu giảm nên lợi nhuận trước thuế của ABS trong quý IV/2022 chỉ đạt 16,6 tỷ đồng, trong khi con số này cùng kỳ năm 2021 là 26,5 tỷ đồng. Lãi ròng theo đó cũng giảm 36,43%, đạt 11,6 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí, ABS báo lãi ròng năm 2022 đạt 89,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong năm 2021 đạt tới hơn 105 tỷ đồng.

Theo lý giải của ABS, nguyên nhân khiến lợi nhuận trong quý IV/2022 của công ty này sụt giảm là do doanh thu hoạt động giảm đến 40,02 (tương đương 31,36%) so với năm 2022. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán sụt giảm khiến cho doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán và doanh thu từ lãi các khoản cho vay và phải thu của chứng khoán An Bình bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, chi phí lãi vay của công ty này trong quý IV/2022 tăng 6,36 tỷ đồng (tương đương 103,05%) so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lãi ròng của ABS sụt giảm.

Kinh doanh không thuận lợi, trong năm 2022, công ty chứng khoán An Bình còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt.

Cụ thể, vào tháng 11/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 925/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình.

Quyết định số 925/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính Công ty cổ phần chứng khoán An Bình (ABS).

Quyết định nêu rõ, phạt tiền 60 triệu đồng, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Ngoài ra, Chứng khoán An Bình bị phạt thêm 250 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do thực hiện dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Trong năm 2021, năm 2022, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình đã phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.Tổng hình phạt đối với Chứng khoán An Bình là 310 triệu đồng.

Tháng 9/2022, Chứng khoán An Bình cũng đã bị UBCKNN xử phạt hành chính 250 triệu đồng do không đảm bảo thông tin trong hồ sơ chào bán/phát hành trái phiếu riêng lẻ là chính xác và có thể kiểm chứng được, liên quan đến lô trái phiếu của Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cụ thể, công ty chứng khoán này là tổ chức tư vấn cho Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001 với giá trị 800 tỷ đồng.

Quyết định số 697/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính Công ty cổ phần chứng khoán An Bình (ABS)…

Tuy nhiên, tại nghị quyết số 1606/2021 về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đang lưu trữ lại chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành.

Bên cạnh đó, bản công bố thông tin của Soleil ghi nội dung: "Công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu". Trong khi trên thực tế vào đầu năm 2020 công ty này lại có dư nợ trái phiếu hơn 699 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn bị phạt tiền 60 triệu đồng vì báo cáo trễ nhiều tài liệu liên quan đến phát hành, giao dịch trái phiếu.

Sở hữu trái phiếu “họ” Geleximco tăng mạnh

Ngày 16/2/2023, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) đã thông qua nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông phục vụ việc đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (UpCOM). Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 03/03/2023.

Theo đó, dự kiến Chứng khoán An Bình sẽ lên sàn với mã chứng khoán là ABW, số lượng cổ phiếu lưu hành là hơn 101 triệu đơn vị.

Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông phục vụ việc đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (UpCOM).

Tính đến ngày 31/12/2022, CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn nhất của Chứng khoán An Bình, sở hữu 46,3 triệu cổ phiếu, chiếm 45,85% vốn điều lệ. Thực tế, trong những năm qua, nhóm Chứng khoán An Bình – ABBank là những tổ chức chuyên sắp xếp dòng tiền cho Tập đoàn Geleximco và các pháp nhân khác trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Văn Tiền.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Chứng khoán An Bình ghi nhận doanh thu trong quý sụt giảm 31,36% so với cùng kỳ, xuống còn 87,6 tỷ đồng, lãi ròng theo đó cũng giảm 36,43% còn gần 11,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Chứng khoán An Bình đang nắm giữ 864,6 tỷ đồng trái phiếu của nhóm các thành viên trong hệ sinh thái Geleximco, bao gồm trái phiếu của CTCP Glexhomes (228,6 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (635,9 tỷ đồng).

Cần biết, Du lịch Vạn Hương từ lâu đã là một “tay chơi” trên thị trường trái phiếu. Trong đó, theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chứng khoán An Bình – ABBank đã trực tiếp tham gia thu xếp hai lô trái phiếu mã số DRGCH2124003 và DRGCH2126001 của Vạn Hương.

Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.

Cả hai lô trái phiếu đều được phát hành vào cuối tháng 9/2021, có tổng giá trị 1.400 tỷ đồng. Trong đó, Vạn Hương cho biết, mục đích huy động vốn nhằm bổ sung vốn đầu tư các hạng mục san lấp mặt bằng; xây dựng hạ tầng, khu số V (khu đảo con sò), khu số 9; thanh toán tiền thuê đất/tiền sử dụng đất và các chi phí xây dựng khác của dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên là các quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác các ô đất ND- 126 đến ND- 129, ND- 241 đến ND- 253, ND-254 đến ND-266 thuộc khu 9, dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, phường Vạn Hưng, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, do Vạn Hương làm chủ đầu tư.

Đối với Glexhomes, trong năm 2021, doanh nghiệp này đã huy động được 1.000 tỷ đồng thông qua hai lô trái phiếu mã số GLH2014001, GLH2014002. Đây đều là các trái phiếu “ba không”: không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm theo chứng quyền, lãi suất 9,5%/năm. Số tiền thu về được Glexhomes dùng để cho vay CTCP xuất nhập khẩu tổng hợp Nam Sài Gòn, nhằm thực hiện dự án Khu dân cư An Long, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Các lô trái phiếu này dự kiến sẽ đáo hạn trong năm 2024.

Không chỉ có Vạn Huơng hay Glexhomes, nhìn lại thời điểm cuối năm 2021, báo cáo tài chính của Chứng khoán An Bình còn thể hiện công ty này “ôm” 300 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam – doanh nghiệp có liên quan đến ông Vũ Văn Hậu (em trai ông Vũ Văn Tiền) và 112,2 tỷ đồng trái phiếu Geleximco.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có mối quan hệ mật thiết với chứng khoán ABS. Trong năm 2022, ngân hàng An Bình đã phê duyệt chủ trương hợp tác với AB Bank trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, phê duyệt chủ trương vay vốn tại ngân hàng này, cũng như trong việc tư vấn phát hành trái phiếu.

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình được thành lập vào tháng 9/2006. Hiện tại, vốn điều lệ của ABS ở mức 1.000,4 tỷ đồng. Theo báo cáo tình hình quản trị 2022 của công ty này, bà Vũ Thị Hương hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của chứng khoán An Bình. Tổng giám đốc hiện tại của ABS là ông Nhâm Hà Hải được bổ nhiệm ngày 17/1/2022.

 

Nam Anh