Chương trình tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định”
Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức đã đem lại hiệu quả tích cực với những ấn tượng mạnh và sát với thực tế giới trẻ
Sáng 9/12, tại trụ sở TANDTC, đã diễn ra Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định”. Chương trình do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Biên Thùy, Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các đơn vị thuộc TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; học sinh, sinh viên, người lao động đang học tập và làm việc trên địa bàn TP. Hà Nội.
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông qua hoạt động xét xử có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào cuộc sống. Những năm qua, nhiều địa phương đã lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa giả định, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, để tổ chức được một phiên tòa giả định đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, thực hiện nhiều công việc khác nhau, quá trình chuẩn bị mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí nhưng sản phẩm sau khi hoàn thành thường sử dụng chỉ một vài lần, làm cho quá trình tổ chức phiên tòa giả định ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ quan, đơn vị vận dụng thuần thục, sáng tạo mô hình phiên tòa giả định vào phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp tổ chức mô hình phiên tòa giả định về an toàn giao thông. Qua đó phát huy thế mạnh và nguồn lực sẵn có giữa hai cơ quan. Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật nói chung và trật tự, an toàn giao thông nói riêng trong các tầng lớp nhân dân.
Phiên tòa giả định sáng tạo, hiệu quả
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Mô hình phiên tòa giả định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời đại số, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa mô hình "Phiên tòa giả định" vào phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được TAND các cấp tổ chức xét xử, Bộ tài liệu đã tập trung xây dựng các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm mà người dân cần biết như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, điều khiển xe vượt tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và các quy định về tội phạm hình sự.
Theo ông Nguyễn Biên Thùy, Bộ tài liệu tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa “phiên tòa giả định" vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này.
Ông Nguyễn Biên Thùy cho biết: “Phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời thông qua đó, cảnh tỉnh người dân về hậu quả của các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng trật tự an toàn xã hội, tăng cường sự ổn định về mọi mặt tại các địa phương trên cả nước”.
Ấn tượng mạnh, sát với đời sống giới trẻ
Tham dự chương trình có hàng trăm bạn học sinh, sinh viên và các các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP Hà Nội. Việc tổ chức phiên tòa giả định là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho các thanh thiếu niên tham dự chương trình bởi tình huống thực tế, sát hợp với đời sống của giới trẻ. Bởi bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” đã tái hiện tốt các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà người dân thường gặp phải.
Từ các vụ án được Tòa án nhân dân các cấp xét xử, bộ tài liệu đã kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật truyền hình và tương tác thực tế để tạo nên các video clip tình huống thể hiện rõ nét hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời làm nổi bật diễn biến của các phiên tòa xét xử.
Nếu được ứng dụng vào các sự kiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ được thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian.
Đánh giá về Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Bộ tài liệu là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Theo ông, khi đưa Bộ tài liệu này vào ứng dụng, các đơn vị sẽ thực hiện Chương trình “Phiên tòa giả định” một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian, có thể tổ chức trực tuyến hoặc offline.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này”.
Chương trình tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là minh chứng rõ nét cho việc chủ động vào cuộc của TANDTC, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG ngày 05/7/2023 giữa TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đặc biệt là Chương trình sự kiện đã bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tin tưởng trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống TAND cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.
Bài liên quan
-
Tạp chí Tòa án nhân dân đạt giải Nhì Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2024
-
Mẹo sát hạch GPLX: "Liều thuốc độc” trong an toàn giao thông!
Kỳ cuối: "Dạy "mẹo" sát hạch lái xe là một... tội ác" -
Đại học Luật TP.HCM tổ chức thành công cuộc thi Phiên tòa giả định năm 2024
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận