Chương trình xây dựng luật năm 2020, 2021 của Quốc hội

Sáng 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

 Những dự án luật Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9

Tính đến hết tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến tất cả 10 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đối với 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, UBTVQH đã cho ý kiến đối với 5 dự án luật, 2 dự án luật còn lại được Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị đưa ra khỏi Chương trình.

Báo cáo của UBTVQH cho thấy, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường.

Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường chỉ đạo, đôn đốc chuẩn bị các dự án, dự thảo và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Với những nỗ lực này, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có nhiều tiến bộ, tình trạng nợ đọng văn bản giảm dần.

Những dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2020

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban có liên quan, tại Kỳ họp thứ 9, UBTVQH đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng thời, UBTVQH đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.

Thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị, đánh giá kỹ tác động, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm chất lượng của dự án trình Quốc hội.

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), UBTVQH trình Quốc hội sẽ xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 10 để cho ý kiến đối với 3 dự án luật gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với một dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, dự kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) sẽ trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật.

Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, một dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật; trình UBTVQH dự án pháp lệnh người có công với cách mạng (sửa đổi) dự kiến vào tháng 8/2020.

Những dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào năm 2021

Về dự kiến Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ có 4 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 11 bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

XUÂN HÀ