Có cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp?
Bệnh viện xác nhận bị can T đang bị tràn dịch màng phổi phải do lao/HIV-AIDS, suy kiệt có nguy cơ tử vong cao thì Tòa án có thể tạm đình chỉ vụ án hay bắt buộc phải có giám định tư pháp?
Theo Luật Giám định tư pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2020 ), có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, thì Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Như vậy với khái niệm nêu trên, ta hiểu rằng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự… khi cần làm rõ một vấn đề gì mang tính chất khoa học đặc thù như sức khỏe, nhận thức hay hành vi của một chủ thể mà bình thường những người tiến hành tố tụng không thể hoặc có nhưng đánh giá có thể không khách quan hoặc không chính xác, dẫn đến sai lầm trong giải quyết các vụ án. Do đó, cần có một yếu tố làm căn cứ, chỗ dựa có tính chất khoa học giúp các Thẩm phán giải quyết tốt và khách quan các vụ án, tránh được oan sai đó là trưng cầu giám định.
Tuy nhiên, trên thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, chúng tôi còn thấy có những bất cập của pháp luật cần được nghiên cứu và trao đổi thêm để có cách giải quyết vụ án được đúng đắn, thời gian nhanh, trách sai sót, cũng như tránh lãng phí tiền của của Nhà nước.
Thực tiễn từ giải quyết vụ án: Ngày /3/2021, Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án Nguyễn Văn T phạm tội trộm cắp tài sản cho Tòa án thụ lý xét xử. Khi Tòa án thụ lý thì bị can T đang nằm điều trị HIV ở Bệnh viện phổi. Quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án, Tòa án thấy rằng bị can đang mắc phải căn bệnh mà theo danh mục thuộc trường hợp bệnh hiểm nghèo. Tòa án đã làm công văn đề nghị Bệnh viện nơi đang điều trị cho bị can T xác nhận lại tình trạng bệnh tật của bị can T để Tòa án có hướng giải quyết vụ án. Bệnh viện có xác nhận và bệnh án gửi lại cho Tòa án, xác nhận bị can T đang bị tràn dịch màng phổi phải do lao/HIV-AIDS; Viêm gan C, suy kiệt (HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội); Tiên lượng nặng, xấu; hiện tại phục vụ bản thân phải có người chăm sóc; cần tiếp tục điều trị do lao nặng/AIDS. Bệnh nặng, hiểm nghèo. Nếu không điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe có nguy cơ tử vong cao.
Với việc xác nhận của Bệnh viện và tình trạng bệnh tật của bị can, Tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử vì sức khỏe của bị can yếu, không thể tham gia phiên tòa. Trường hợp này Tòa sẽ tạm đình chỉ vụ án theo căn cứ tại điểm a Điều 281 BLTTHS. Theo điểm a viện dẫn, thì khi có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của BLTTHS thì tạm đình chỉ vụ án. Như vậy, theo điểm b Điều 229 nếu bị can bị bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ vụ án nhưng phải bằng một kết luận giám định tư pháp. Vấn đề cần trao đổi ở đây là:
Thứ nhất, theo quy định của BLTTHS, mà cụ thể điểm b Điều 229 Tòa án phải trưng cầu giám định tư pháp, khi có kết luận giám định kết luận bị can T mắc bệnh hiểm nghèo như nêu ở trên thì mới được tạm đình chỉ vụ án. Các xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T không thể làm căn cứ tạm đình chỉ được.
Thứ hai, Tòa không cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp nữa vì Giấy xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T, và thực tế T đang phải điều trị trong Bệnh viện phổi cũng là căn cứ để Tạm đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, thực tế Tòa án không thể giải quyết theo cách này vì sẽ vi phạm tố tụng vì Luật quy định phải trưng cầu giám định tư pháp, mặc dù có đầy đủ cơ sở xác định bị can đang bị bệnh hiểm nghèo.
Theo quan điểm của chúng tôi trong trường hợp này không cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp, bởi lẽ trước khi Tòa án thụ lý và hiện tại bị can đang điều trị bệnh tại bệnh viện, Bệnh viện đã có xác nhận và Bệnh án thể hiện bị can đang mắc bệnh hiểm nghèo. Việc trưng cầu giám định chỉ là thủ tục, bản chất sự việc không thay đổi là bị can đang mắc bệnh hiểm nghèo là HIV, viêm phổi… Việc này gây mất thời gian, chi phí tiền cho ngân sách nhà nước. Do đó, chúng tôi đề nghị cần sửa đổi bổ sung về căn cứ để tạm đình chỉ vụ án. Nên đưa ra thêm quy định mở tại điểm b Điều 229 BLTTHS, đó là “Khi có kết luận giám định tư pháp hoặc có cơ sở xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo…”. Có cơ sở ở đây là khi có các căn cứ khác như xác nhận của Bệnh viện về bị can đang bị bệnh hiểm nghèo, Bệnh án của Bệnh viện … cũng có thể là căn cứ để Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án tạm đình chỉ vụ án mà không cần phải ra quyết định trưng cầu giám định tư pháp nữa.
Tóm lại, qua giải quyết vụ án, chúng tôi nhận thấy còn có các quy định của pháp luật vận dụng trên thực tiễn chưa phù hợp, cần có ý kiến đóng góp, đề xuất. Cho nên chúng tôi mạnh dạn nêu ra, mong được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp với mục đính để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật nói chung và BLTTHS nói riêng.
Giám định tư pháp - Ảnh minh họa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận