Cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định của Trung Quốc
Thẩm phán, Kiểm sát viên không phải chịu trách nhiệm về án oan sai nếu không có hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật hoặc sơ suất nghiêm trọng dẫn đến oan sai và gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 23/10/2014, Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua “Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến thúc đẩy toàn diện Nhà nước pháp quyền”.
Nhằm quán triệt thực hiện yêu cầu của Nghị quyết trên, xây dựng và kiện toàn cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, căn cứ quy định pháp luật của Nhà nước và quy định có liên quan của trung ương, kết hợp với thực tiễn công tác tư pháp, ngày 21/7/2016, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Quy định về bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” và ra thông báo yêu cầu tất cả các địa phương và bộ, ban, ngành nghiêm túc thực hiện.
Văn bản bao gồm những quy định rõ ràng trên 04 phương diện: Loại bỏ lực cản và sự can thiệp từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp; chuẩn hóa cơ chế đánh giá, sát hạch và truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ tư pháp; tăng cường bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của cán bộ tư pháp và người thân; tăng cường điều kiện đảm bảo để cán bộ tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Quy định cũng góp phần làm giảm rõ rệt áp lực ngoài công việc của Thẩm phán, Kiểm sát viên, tăng cường cơ chế đảm bảo thực thi công vụ, nâng cao chế độ đãi ngộ, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với cán bộ làm công tác tư pháp, góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ một cách độc lập, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật.
Toàn văn “Quy định về bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” của Trung Quốc như sau:
Điều 1. Nhằm quán triệt thực hiện yêu cầu của “Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến thúc đẩy toàn diện Nhà nước pháp quyền”, xây dựng và kiện toàn cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, căn cứ quy định pháp luật của Nhà nước và quy định có liên quan của trung ương, kết hợp với thực tiễn công tác tư pháp, ban hành Quy định này.
Điều 2. Thẩm phán, Kiểm sát viên giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật không chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính, các tổ chức xã hội và cá nhân có quyền từ chối mọi yêu cầu trái chức năng, nhiệm vụ, thủ tục luật định hoặc gây cản trở công bằng tư pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cán bộ tư pháp phải ghi nhận một cách toàn diện, trung thực việc các đơn vị, cá nhân can thiệp vào hoạt động tư pháp, can thiệp vào việc giải quyết các vụ án cụ thể. Các cơ quan liên quan cần tiến hành thông báo và truy cứu trách nhiệm đối với chủ thể có hành vi can thiệp vào hoạt động tư pháp, can thiệp vào việc xử lý các vụ việc cụ thể theo quy định.
Điều 3. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép yêu cầu Thẩm phán, Kiểm sát viên thực hiện những công việc ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ luật định. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có quyền từ chối yêu cầu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về việc bố trí Thẩm phán, Kiểm sát viên thực hiện những công việc ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Điều 4. Thẩm phán, Kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật được pháp luật bảo vệ. Không được phép thực hiện điều chuyển, miễn nhiệm, buộc thôi việc hay giáng chức, cách chức đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên nếu không có lý do luật định và không tuân theo thủ tục luật định.
Điều 5. Thẩm phán, Kiểm sát viên chỉ bị điều chuyển khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Cần áp dụng hồi tị theo quy định;
(2) Do nhu cầu đào tạo cán bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định;
(3) Cần điều chỉnh do cải tổ bộ máy hoặc cắt giảm biên chế;
(4) Bị kỷ luật cách chức, giáng chức... không còn phù hợp làm công tác giải quyết án;
(5) Vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật công tác xét xử, công tác kiểm sát và các trường hợp không phù hợp làm công tác giải quyết án khác.
Điều 6. Thẩm phán, Kiểm sát viên chỉ có thể bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Mất quốc tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
(2) Điều động đi khỏi Tòa án, Viện kiểm sát;
(3) Thay đổi về mặt chức vụ không cần thiết bảo lưu chức danh;
(4) Qua sát hạch xác định không đủ năng lực;
(5) Không thể thực hiện công việc bình thường trong hơn một năm vì lý do sức khoẻ;
(6) Nghỉ hưu theo quy định;
(7) Từ chức hoặc bị buộc thôi việc;
(8) Không thể tiếp tục giữ chức vụ do vi phạm pháp luật, kỷ luật;
(9) Vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật công tác xét xử, công tác kiểm sát và các trường hợp không phù hợp tiếp tục giữ chức danh Thẩm phán hoặc Kiểm sát viên khác.
Điều 7. Thẩm phán, Kiểm sát viên chỉ có thể bị buộc thôi việc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Trong sát hạch hàng năm, hai năm liên tiếp được xác định là không đủ năng lực;
(2) Không đủ năng lực đáp ứng công việc hiện tại và không chấp nhận sắp xếp công việc khác;
(3) Từ chối sắp xếp hợp lý để điều chỉnh công việc do cải tổ bộ máy hoặc do cắt giảm biên chế;
(4) Nghỉ việc hoặc nghỉ phép quá hạn không có lý do chính đáng liên tục trên 15 ngày hoặc cộng dồn trên 30 ngày trong một năm;
(5) Không thực hiện nghĩa vụ luật định đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, không sửa chữa sau khi được nhắc nhở;
(6) Vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật công tác xét xử , công tác kiểm sát và các trường hợp không phù hợp để tiếp tục là công chức khác.
Điều 8. Thẩm phán, Kiểm sát viên chỉ có thể bị cách chức hoặc giáng chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Vi phạm kỷ luật đảng và bị kỷ luật thôi giữ chức vụ trong Đảng trở lên;
(2) Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác xét xử, kỷ luật công tác kiểm sát;
(3) Có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
(4) Vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật công tác xét xử, công tác kiểm sát và các trường hợp phải cách chức, giáng chức khác.
Điều 9. Trường hợp Thẩm phán, Kiểm sát viên bị điều chuyển, miễn nhiệm, buộc thôi việc hoặc bị xử lý giáng chức, cách chức phải tuân thủ chặt chẽ thủ tục pháp luật quy định và thẩm quyền quản lý. Quyết định phải được thông báo bằng văn bản cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, trong đó phải nêu rõ lý do và căn cứ ra quyết định.
Thẩm phán, Kiểm sát viên không đồng ý với quyết định điều chuyển, miễn nhiệm, buộc thôi việc hoặc giáng chức, cách chức có quyền đề nghị xem xét lại hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật. Thẩm phán, Kiểm sát viên không bị xử lý tăng nặng khi đề nghị xem xét lại hoặc khiếu nại.
Điều 10. Việc sát hạch, đánh giá chất lượng giải quyết vụ án, kết quả công tác của Thẩm phán, Kiểm sát viên phải khách quan, công bằng và phù hợp với quy luật tư pháp. Việc sát hạch, đánh giá hàng năm về đạo đức, năng lực, chuyên cần, thành tích và liêm khiết của Thẩm phán, Kiểm sát viên không được vượt quá các yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ luật định và đạo đức nghề nghiệp. Phương pháp sát hạch và tiêu chuẩn đánh giá do Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất xây dựng, các địa phương có thể căn cứ vào điều kiện thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Không được điều chỉnh vị trí công tác của Thẩm phán, Kiểm sát viên bằng phương pháp và các lý do như xếp hạng theo số lượng án để loại bỏ người xếp cuối bảng hoặc thực hiện tiếp công dân không hiệu quả.
Điều 11. Thẩm phán, Kiểm sát viên không phải chịu trách nhiệm về án oan sai nếu không có hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật hoặc sơ suất nghiêm trọng dẫn đến oan sai và gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 12. Việc giải quyết án cho đến phê duyệt, quản lý, chỉ đạo và giám sát có liên quan đều được lưu dấu trong suốt quá trình. Thẩm phán, Kiểm sát viên chịu trách nhiệm đối với việc nhận định sự thực, chứng cứ, phát biểu ý kiến và ra quyết định trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử, chức năng kiểm sát theo cơ chế trách nhiệm tư pháp. Cơ quan cấp trên, thủ trưởng đơn vị, Hội đồng Thẩm phán hoặc Ủy ban Kiểm sát thay đổi quyết định của Thẩm phán, Kiểm sát viên theo thẩm quyền, Thẩm phán, Kiểm sát viên không phải chịu trách nhiệm về hậu quả, trừ trường hợp Thẩm phán, Kiểm sát viên cố tình che giấu, do sơ suất bỏ sót chứng cứ, tình tiết quan trọng hoặc cung cấp thông tin sai lệch dẫn đến quyết định sai.
Điều 13. Trong quá trình điều tra, xác minh các khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thẩm phán, Kiểm sát viên, thì Thẩm phán, Kiểm sát viên liên quan có quyền được biết, bào chữa và thu thập chứng cứ. Cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân phải ghi nhận trung thực lời tường trình, bào chữa và chứng minh của Thẩm phán, Kiểm sát viên liên quan và giải thích rõ việc có chấp nhận hay không.
Điều 14. Thẩm phán, Kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định không phải chịu trách nhiệm về các vụ án oan sai nếu không qua thẩm tra của Ủy ban kỷ luật Thẩm phán, Kiểm sát viên. Trường hợp Thẩm phán, Kiểm sát viên bị truy cứu trách nhiệm khác do vi phạm kỷ luật đảng, kỷ luật công tác tòa án, công tác kiểm sát hoặc pháp luật hình sự, ngoài trách nhiệm đối với án oan sai thì vẫn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.
Ủy ban kỷ luật Thẩm phán, Kiểm sát viên tiến hành thẩm tra trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên đối với án oan sai phải tổ chức điều trần. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân liên quan cần cử người thông báo với Ủy ban kỷ luật Thẩm phán, Kiểm sát viên về thông tin vi phạm kỷ luật, pháp luật của Thẩm phán, Kiểm sát viên liên quan, cũng như ý kiến và căn cứ đề xuất xử lý. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên liên quan có quyền tường trình, bào chữa. Ủy ban kỷ luật Thẩm phán, Kiểm sát viên sẽ căn cứ sự thực đã được xác định và quy định của pháp luật để đưa ra ý kiến không có trách nhiệm, miễn trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật.
Điều 15. Trường hợp Thẩm phán, Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ bị tố cáo sai sự thật, vu cáo hãm hại, bị lợi dụng mạng thông tin để xúc phạm, phỉ báng, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an cần phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời làm rõ sự thật, loại bỏ các tác động tiêu cực, bảo vệ danh dự của Thẩm phán, Kiểm sát viên, đồng thời truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan phải theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Trường hợp cơ quan hữu quan ra quyết định xử lý sai đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên thì phải khôi phục chức vụ, danh dự của người bị xử lý, loại bỏ tác động tiêu cực, bồi thường thiệt hại kinh tế đã gây ra và truy cứu trách nhiệm đối với người đã vu cáo, hãm hại theo quy định của pháp luật. Nếu việc phong thăng của Thẩm phán, Kiểm sát viên bị tạm dừng do điều tra, cơ quan liên quan xác định không truy cứu trách nhiệm pháp lý hoặc kỷ luật, thì thời gian phong thăng sẽ được tính kể từ ngày bị tạm dừng.
Điều 17. Các hành vi can thiệp, cản trở hoạt động tư pháp, đe dọa, trả thù, vu khống, xúc phạm, bôi nhọ hoặc gây thương tích đối với cán bộ tư pháp và người thân của họ phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với những hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân và cuộc sống bình thường của cán bộ tư pháp và người thân của họ như đe dọa, quấy rối, theo dõi, tấn công, lăng mạ, phá hoại tài sản hoặc các phương tiện khác, cơ quan Công an sau khi nhận được tin báo phải nhanh chóng cử lực lượng ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Đối với bệnh nhân tâm thần có hành vi bạo lực gây nguy hiểm đến sự an toàn của cán bộ tư pháp và người thân của họ, trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định bắt buộc chữa bệnh, cơ quan Công an có thể áp dụng các biện pháp hạn chế mang tính bảo vệ tạm thời có sự đồng ý của người phụ trách cơ quan Công an cấp huyện trở lên, nếu cần thiết có thể đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Điều 18. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khi giải quyết các vụ án có mức độ nguy hiểm cao như tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức mang tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy hoặc tội phạm tà giáo cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho Thẩm phán, Kiểm sát viên và người thân của họ khi ra tòa, cấm những đối tượng cụ thể có liên quan tiếp cận hay các biện pháp bảo vệ khác. Đối với người thân của Thẩm phán, Kiểm sát viên còn có thể áp dụng biện pháp bảo vệ che giấu danh tính.
Khi giải quyết các vụ án có tính nguy hiểm cao khác, nếu cán bộ tư pháp đề nghị, có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ nêu trên đối với cán bộ tư pháp và người thân của họ.
Điều 19. Thông tin cá nhân của cán bộ tư pháp được pháp luật bảo vệ. Trường hợp danh dự của cán bộ tư pháp bị xâm phạm, thông tin cá nhân theo quy định pháp luật không được công khai của cán bộ tư pháp và người thân bị tiết lộ, cần truy cứu trách nhiệm của người có liên quan theo quy định.
Điều 20. Cần đảm bảo quyền nghỉ ngơi, nghỉ phép của Thẩm phán, Kiểm sát viên theo quy định của pháp luật. Thẩm phán, Kiểm sát viên làm thêm giờ ngoài thời gian làm việc theo luật định thì được nghỉ bù; những người không được nghỉ bù thì cần được cân đối trong quá trình phân bổ tiền thưởng khi đánh giá thành tích.
Điều 21. Nhà nước thực hiện các biện pháp đảm bảo về y tế, hoàn thiện chế độ đãi ngộ, đảm bảo Thẩm phán, Kiểm sát viên được hưởng các quyền lợi về nhân thân, tài sản, y tế tương ứng với mức độ rủi ro nghề nghiệp.
Điều 22. Cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an hoặc người có trách nhiệm trực tiếp do tắc trách, làm việc đối phó, cố ý chậm trễ, lạm dụng quyền hạn dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng quyền, lợi ích cá nhân, tài sản của cán bộ tư pháp thực thi công vụ và người thân của họ, phải bị xử lý kỷ luật, nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.
Điều 23. Cán bộ tư pháp có quyền tố cáo cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có một trong các hành vi sau đây, người chịu trách nhiệm trực tiếp, người chịu trách nhiệm lãnh đạo phải bị xử lý kỷ luật; nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
(1) Can thiệp vào hoạt động tư pháp, cản trở công bằng tư pháp;
(2) Yêu cầu Thẩm phán, Kiểm sát viên thực hiện công việc vượt ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ theo luật định;
(3) Thực hiện điều chuyển, miễn nhiệm, buộc thôi việc hoặc giáng chức, cách chức Thẩm phán, Kiểm sát viên trái với quy định này;
(4) Không hành động khi tiếp nhận yêu cầu của cán bộ tư pháp về điều kiện đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ;
(5) Vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của cán bộ tư pháp;
(6) Các hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Thẩm phán, Kiểm sát viên khác.
Điều 24. Thuật ngữ “cán bộ tư pháp” đề cập trong Quy định này là các Thẩm phán, Kiểm sát viên và cán bộ bổ trợ tư pháp của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân chịu trách nhiệm giải quyết án.
Điều 25. Việc bảo vệ cán bộ tư pháp quân sự thực hiện theo quy định trong Quân đội.
Điều 26. Quy định này do Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành.
Điều 27. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 21/7/2016.
Theo Kiemsat.vn
Tòa án Đại Liên (TQ) xét xử Hình Vân, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc bị cáo buộc nhận hối lộ 449 triệu NDT (hơn 1.500 tỷ đồng) - Ảnh: Sina.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận