Sao Thái Dương có lợi dụng dịch bệnh để trục lợi?
Mặc dù Bộ Y tế đã thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Tuy nhiên, một số sản phẩm nằm trong danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm, do 5 đơn vị sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là các sản phẩm của Sao Thái Dương đã có dấu hiệu tăng giá chóng mặt. Điều này khiến người dân bức xúc giữa bối cảnh dịch bệnh diễn ra căng thẳng.
Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền
Ảo tưởng sức mạnh
Dù Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp không tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền liên quan đến các biện pháp phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 kèm theo danh mục nói trên. Chi phí chế biến, bào chế thuốc cổ truyền và chi phí khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền liên quan đến dịch bệnh Covid-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng vẫn có tình trạng một số sản phẩm nằm trong danh mục kèm theo Công văn số 5944 có dấu hiệu tăng giá chóng mặt, điển hình là các sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương.
Sản phẩm này ghi rõ là phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hoà miễn dịch trong các bệnh lý virus. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, thì thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Sao Thái Dương đã làm người tiêu dùng đổ xô đi mua bất chấp việc công ty tăng giá thuốc. Cụ thể, viên nang cứng Kovir có giá tăng chóng mặt từ chưa đến 200.000 đồng/hộp lên tới 1 triệu đồng/hộp.
Một sản phẩm khác của Công ty Sao Thái Dương, đó là sản phẩm Nobel tăng cường miễn dịch cũng nhảy giá gấp 4 lần, trước đó, giá 1 hộp Nobel miễn dịch tại các cửa hàng thuốc chỉ 300.000 đồng/hộp, thì nay, giá đã lên tới 1,25 triệu đồng.
Mặc dù Công ty Sao Thái Dương không nhắc tới Covid-19 trong phần giới thiệu, nhưng lại ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Liều đủ dùng là 15 ngày. Công ty Sao Thái Dương còn quảng bá: Sản phẩm được nghiên cứu tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Sản phẩm viên nang Kovir được đẩy giá lên đến 1 triệu đồng. Còn sản phẩm Nobel tăng cường miễn dịch cũng nhảy giá gấp 4 lần
Câu hỏi đặt ra là, với thành phần được chiết xuất từ các dược liệu như sài hồ, phục linh, đảng sâm, tiền hồ, cát cánh, xuyên khung, cam thảo,... và công dụng chỉ là "nâng cao sức đề kháng" thì tại sao Kovir lại có giá cả triệu đồng mỗi hộp? Và tại sao doanh nghiệp lại đột ngột tăng giá chỉ vài ngày trước khi công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành mà trong đó đề cập Kovir là loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương cho rằng, “Tôi không quan tâm tới danh mục ấy, “bên trên” đánh giá tôi nghĩ là đúng. Chi tiết tôi không nhận xét vì còn nhiều sản phẩm của doanh nghiệp khác. Việc đưa các sản phẩm Đông y vào điều trị Covid-19 là đúng. Có thể họ nắm bắt được thông tin sản phẩm của mình họ đưa vào. Vì sản phẩm của tôi là được đưa vào một số nơi như Hà Nam, Lạng Sơn khi phát cho người bệnh sử dụng họ đánh giá lại. Chắc có thể thấy sản phẩm của tôi có hiệu quả họ đưa vào danh mục".
Có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch
Liên quan đến việc Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT rồi lại thu hồi sau đó 2 ngày, được biết, đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trong việc ban hành rồi lại thu hồi công văn gây nhiều tranh cãi này chính là Cục Quản lý Y Dược cổ truyền – do ông Nguyễn Thế Thịnh là Cục trưởng.
Qua trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Y Dược học cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tổng Cục Quản lý thị trường đã gửi công văn đến Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả, hàng hóa đối với các mặt hàng trong đó có viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương
Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ cũng như những chế phẩm của hai bệnh viện: Y học cổ truyền Bộ Công an và Y học cổ truyền Quân đội; đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến của Bắc Giang cho thấy kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả.
Trong đợt dịch ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa.
Đồng thời, Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn 5944/BYT-YHTC, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thế Thịnh nói.
Ông Nguyễn Thế Thịnh cũng cho biết thêm: Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để có hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Đáng chú ý, trước khi tham mưu cho Bộ Y tế ban hành và thu hồi công văn số 5944/BYT-YHCT, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng đã từng ban hành nhiều công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh ký gửi tới Sở Y tế tại nhiều địa phương – những nơi đang là “điểm nóng” dịch Covid-19 về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.
Trong các văn bản này, thậm chí, Cục Quản lý y dược cổ truyền còn hướng dẫn các địa phương sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương từ khi sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đẩy người dân vào cảnh khốn khó, thiết nghĩ, cần xem xét điều tra hành vi bắt tay trục dựa trên sợ hãi của người dân, chứ không thể “xuề xòa” việc phát hành văn bản khuyến nghị xong thấy dư luận phản ứng thì thu hồi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận