Có được nhận đơn khởi kiện do người đại diện theo ủy quyền ký tên?

Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá hai quan điểm trái chiều nhau trong việc Tòa án có được nhận đơn khởi kiện do người đại diện theo ủy quyền ký tên trong đơn hay không.

Bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng dân sự. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội (Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tuy nhiên, trong thực tiễn tố tụng dân sự tại các Tòa án, việc thực hiện nguyên tắc này còn nhiều cách vận dụng, áp dụng khác nhau, nhất là trong việc ủy quyền cho người khác khởi kiện thay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên ví dụ về một vụ việc cụ thể và các quan điểm khác nhau trong việc có nhận đơn, có thụ lý đơn khởi kiện do người ủy quyền ký đơn khởi kiện hay không.

Nội dung vụ việc: Tháng 12/2016, ông Trịnh Hoài P (đang sống ở Canada) làm giấy ủy quyền cho ông Trịnh Phương Đ được quyền khiếu kiện đòi lại 08 sào đất ruộng mà theo ông P thì ông N đang quản lý, sử dụng. Giấy ủy quyền được chứng nhận tại Canada trước khi gửi về Việt Nam. Căn cứ giấy ủy quyền này, ông Đ ký và nộp đơn khiếu kiện việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân phường. Sau đó, do hòa giải không thành nên Ủy ban nhân dân phường hướng dẫn các bên khởi kiện ra Tòa. Ngày 21/6/2017, ông Đ ký đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất gửi cho Tòa án nhân dân thành phố NT, tỉnh K và đã được Tòa án nhân dân thành phố NT thụ lý giải quyết[1].

Xoay quanh tình huống pháp lý này còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết vụ án:

Quan điểm thứ nhất: Cá nhân được ủy quyền tham gia tố tụng, chứ không quy định người được ủy quyền được ký đơn kiện thay người khởi kiện. Quan điểm này cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền ký đơn khởi kiện. Tức là, cá nhân không được quyền ủy quyền khởi kiện mà chỉ được quyền ủy quyền tham gia tố tụng. Cụ thể, Điều 5, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện.

Quan điểm thứ hai: Ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của ông P bằng văn bản ủy quyền được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền tại Canada là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ông Đ là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự nên việc ký vào đơn khởi kiện là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi các cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý sau đây:

Thứ nhất, xét quy phạm pháp luật về quyền khởi kiện

Quyền khởi kiện trong tình huống pháp lý này phải thuộc về ông P và trường hợp ông P khởi kiện thì đương nhiên ông là nguyên đơn dân sự trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do ông đang ở Canada, không có điều kiện khởi kiện nên ông ủy quyền lại cho ông Đ giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, trong đó bao gồm cả quyền khởi kiện là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự chính là ở quy phạm pháp luật thực hiện quyền tự quyết định, quyền tự định đoạt của đương sự. Đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quyền tự quyết định, quyền tự định đoạt trong trường hợp này bao gồm cả quyền ủy quyền cho người khác: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” (khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015). Vì vậy, quyền ủy quyền cho người khác khởi kiện cần phải được đảm bảo và việc Tòa án nhân dân thành phố NT chấp nhận đơn khởi kiện của người ủy quyền là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, xét quy phạm pháp luật về người đại diện

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 134). Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó (khoản 2 Điều 134). Xét các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự thì không có quy phạm pháp luật nào cấm người đại diện theo ủy quyền không được đại diện cho người được ủy quyền khởi kiện vụ việc tại Tòa án, trong đó bao gồm cả việc ký đơn khởi kiện.

Thứ ba, xét về phạm vi đại diện theo ủy quyền

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì một trong những căn cứ để xác định phạm vi đại diện là nội dung ủy quyền (điểm c khoản 1 Điều 141). Theo đó, một người có tranh chấp, có quyền khởi kiện nhưng vì lý do nào đó không thực hiện được quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp mà trao quyền cho một người khác được nhân danh mình khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền thì phạm vi ủy quyền bao gồm từ việc làm đơn khởi kiện, ký nộp đơn… là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ nhất viện dẫn quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Mẫu số 23-DS Đơn khởi kiện ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự là: Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ phải ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng và ký xác nhận vào đơn khởi kiện… Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn về cách viết đơn khởi kiện mà không loại trừ quyền đại diện theo ủy quyền của người được ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền – ông Đ có quyền làm đơn khởi kiện, tại mục người khởi kiện phải đề là ông P (để Tòa án xác định ông P là nguyên đơn trong vụ kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) và các thông tin khác theo yêu cầu và tại mục này thể hiện rõ người đại diện theo ủy quyền là ông Đ, địa chỉ, số điện thoại… Tại mục ký tên thì đương nhiên người đại diện theo ủy quyền khởi kiện – ông Đ được quyền ký tên hoặc điểm chỉ theo quy định. Vì vậy, không có khó khăn, hạn chế hay điều cấm nào đối với người đại diện theo ủy quyền về ký đơn khởi kiện thay cho người được ủy quyền.

Thứ tư, xét về thuật ngữ đại diện trong tố tụng dân sự

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người đại diện theo ủy quyền chỉ được quyền “tham gia tố tụng” chứ không được ký đơn khởi kiện. Tuy nhiên, quan điểm này lại không viện dẫn được quy phạm pháp luật cụ thể nào quy định người đại diện theo ủy quyền chỉ “tham gia trong tố tụng dân sự” mà không được ký đơn khởi kiện. Khoản 1 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Quy định này cho thấy, nhà làm luật sử dụng cụm từ “trong tố tụng dân sự” chứ không quy định “tham gia tố tụng dân sự”. Bởi lẽ, nội hàm từ cụm từ “trong tố tụng dân sự” rộng hơn, nó bao hàm tất cả hoạt động tố tụng dân sự từ khi bắt đầu khởi kiện (đơn khởi kiện), bao gồm cả thủ tục tiền tố tụng như hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã cho tới thi hành án, kết thúc vụ việc. Vì vậy, quyền ủy quyền và quyền được ủy quyền ký đơn khởi kiện là phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Thứ năm, xét về yếu tố tương tự luật

Quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP) vẫn còn giá trị sử dụng để hướng dẫn với quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”.

Như vậy, tư cách người khởi kiện trong trường hợp này vẫn là cơ quan, tổ chức nhưng khi ký tên thì người được ủy quyền được quyền ký tên và đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân mặc dù luật quy định rõ “người đại diện của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu vào cuối đơn”. Nghĩa là, nếu là pháp nhân khởi kiện thì họ có quyền ủy quyền cho người khác khởi kiện, ký tên vào đơn khởi kiện. Trong khi đó, người nhận ủy quyền trong trường hợp cá nhân khởi kiện không được ký tên vào đơn khởi kiện là một điều phi lý và không công bằng giữa pháp nhân và cá nhân trong khi thực hiện quyền khởi kiện của mình. Tòa án cần phải áp dụng tương tự pháp luật: Pháp nhân và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nên pháp nhân được quyền ủy quyền khởi kiện thì cá nhân cũng phải có quyền này[2].
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì người đại diện theo ủy quyền được quyền làm đơn và ký đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, phản tố; được quyền làm đơn và ký đơn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm; được quyền làm đơn và ký đơn kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; được quyền làm đơn và ký đơn yêu cầu thi hành án… Như vậy, không có lý do gì để không cho phép người được ủy quyền ký đơn khởi kiện.

Theo tác giả, Tòa án nhân dân tối cao cần thiết xem xét để có hướng dẫn rõ ràng theo hướng: Cho phép người được ủy quyền ký tên vào đơn khởi kiện như thủ tục ký đơn kháng cáo… để tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi địa phương hiểu và áp dụng khác nhau.

Theo http://tcdcpl.moj.gov.vn

[1]. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, http://plo.vn/phap-luat/thay-mat-nguoi-dang-o-canada-khoi-kien-duoc-khong-744425.html, truy cập ngày 20/01/2019.
[2]. Huỳnh Minh Khánh, “Cá nhân có được quyền ký vào đơn thay cho người khởi kiện?”, http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/ca-nhan-co-duoc-quyen-ky-vao-don-thay-cho-nguoi-khoi-kien/HyTKM1SfG.html, truy cập ngày 20/01/2019.

ThS. ĐINH DUY BẰNG ( Văn phòng Luật sư Trường Thành )