Cơ quan Thi hành án dân sự từ chối nhận đơn đúng hay sai?
Hai bên thuận tình ly hôn, hai con chung đã được giao cho vợ nuôi dưỡng. Sau đó, chồng bắt lại con chung. Người vợ nộp đơn đến cơ quan Thi hành án dân sự nhưng cơ quan này từ chối nhận đơn.
1.Tình huống pháp lý
Quyết định số 368/2018/QĐST-HNGĐ ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh T, có ghi nhận về con chung như sau: “Giao hai con chung tên là Trần Nguyễn Lâm Nhật, sinh ngày 26/7/2010 và cháu Trần Nguyễn Như Mỹ, sinh ngày 13/4/2013 cho chị Trân nuôi dưỡng… Anh Biên tự nguyện cấp dưỡng nuôi con chung mỗi cháu 1.000.000đ/tháng, thời hạn cấp dưỡng tính từ khi quyết định có hiệu lực pháp luật cho tới khi hai cháu Nhật và Mỹ đủ 18 tuổi, lao động được.”
Kể từ khi có quyết định ly hôn, chị Trân là người trực tiếp nuôi con chung nhưng đến ngày 08/01/2019 thì anh Trần Văn Biên có đến nhà chị Trân để xin đón con chung về chơi và không chịu giao con chung lại cho chị Trân nuôi dưỡng theo quyết định của Tòa án. Đồng thời, trong thời gian nuôi con chung (từ ngày 08 – 18/01/2019), anh Biên không cho hai con chung đi học mặc dù chị Trân và anh Biên cư trú cùng ấp, trường học của hai con chung cũng cùng ấp với nơi trú của anh Biên và chị Trân.
Vì vậy, chị Trân đã căn cứ vào quyết định có hiệu lực pháp luật đã nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh T. Theo đó, nội dung đơn yêu cầu của chị Trân như sau: “Giao hai con chung tên là Trần Nguyễn Lâm Nhật, sinh ngày 26/7/2010 và cháu Trần Nguyễn Như Mỹ, sinh ngày 13/4/2013 cho tôi nuôi dưỡng.Yêu cầu anh Trần Văn Biên cấp dưỡng nuôi con chung mỗi cháu 1.000.000đ/tháng, thời hạn cấp dưỡng tính từ khi quyết định có hiệu lực pháp luật cho tới khi hai cháu Nhật và Mỹ đủ 18 tuổi, lao động được.”
Sau khi xem xét đơn yêu cầu thi hành án của chị Trân, thì Cơ quan thi hành án đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án của chị Trân với lý do: Căn cứ vào điểm a, khoản 5, Điều 31, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014: “Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này”. Việc từ chối nhận đơn của Cơ quan thi hành án dân sự huyện X đã làm cho chị Trân bức xúc và khiếu nại đến các cơ quan liên quan để xem xét giải quyết bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chị và của hai con.
2.Cơ quan THADS từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án có đúng pháp luật?
Cơ quan THADS cho rằng: Sau khi hai bên thuận tình ly hôn, hai con chung đã được giao cho chị Trân nuôi dưỡng thì xem như thỏa thuận giao con chung cho chị Trân nuôi dưỡng đã được hai bên tự nguyện thi hành án. Nay, anh Biên bắt lại con chung đã làm phát sinh tranh chấp mới giữa anh Biên và chị Trân nên không làm phát sinh việc thi hành án về việc giao con chung nữa. Đồng thời, hiện tại con chung do anh Biên đang nuôi nên yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung cũng không tồn tại vì luật quy định người có nghĩa vụ của người cấp dưỡng nuôi con chung là người không trực tiếp nuôi con chung.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì việc từ chối nhận đơn yêu cầu Thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện X là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, xét về bản chất thì thi hành án dân sự là quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm các quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên đã được bản án, quyết định của Tòa án ghi nhận. Căn cứ vào nội dung quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì quyết định đã giao hai con chung cho chị Trân nuôi dưỡng, anh Biên phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung.
Như vậy, chị Trân có quyền trực tiếp nuôi con chung và anh Biên có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung trong trường hợp này. Nay anh Biên đã tự ý tước đi quyền của chị Trân đã được ghi nhận trong quyết định của Tòa án và làm xáo trộn quyền, nghĩa vụ của các bên. Do bên có quyền chưa nộp đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nên phát sinh việc nộp đơn yêu cầu thi hành án của bên có quyền nhằm đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được thực thi. Do đó, việc nộp đơn yêu cầu thi hành án của chị Trân là phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tổ chức thực hiện bảo đảm các quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên đã được bản án quyết định của Tòa án ghi nhận. Nên việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án dân sự của Cơ quan THADS là trái luật.
Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự góp ý của các độc giả và đồng nghiệp!
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
An Duc
12:22 22/12.2024Trả lời