Công bố 8 án lệ mới

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua 8 án lệ ngày 5 tháng 2 năm 2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25 tháng 2 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Các án lệ này áp dụng từ 15/4/2020. TapchiToaan.vn sẽ lần lượt giới thiệu toàn văn các bản án lệ.

1.Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông

Nguồn án lệ: Bản án phúc thẩm số 280/2019/HSPTngày 16-5-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Phan Đình Q, sinh năm 1980.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Sau khi gây ra tai nạn giao thông cho bị hại, bị cáo dừng xe xuống kiểm tra thấy bị hại nằm dưới gầm xe ô tô, không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chèn lên người bị hại. Hậu quả là bị hại chết.

-Giải pháp pháp lý:Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:Các điều 93, 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với các điều 123,260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2.Án lệ số 31/2020/AL về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ là quyền tài sản

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 05/2018/DS-GĐT ngày 10-4-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụán dân sự “Tranh chấp chia tài sản chung về việc mua hóa giá nhà” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H với bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim L; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 12 người.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Cá nhân thuộc diện được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở mà khi còn sống, người đó chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà theo quy định của pháp luật.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước là quyền tài sản và được chuyển giao cho các thừa kế của người đó.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:Các điều 172, 188, 634 Bộluật Dân sựnăm 1995 (tương ứng với cácđiều163, 181, 631 Bộluật Dân sựnăm 2005;các điều 105, 115, 609 Bộluật Dân sựnăm 2015);Nghịđịnh số61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủvềmua bán và kinh doanh nhà ở.

3.Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số19/2019/DS-GĐTngày 20-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụán “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” tại tỉnh Bạc Liêu giữa nguyên đơn là bà Lý Kim S với bị đơn là ông Trần Văn N; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 16 người.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sửdụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sửdụng đất.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sửdụng đất là không có cơ sở để chấp nhận. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

-Khoản 2 Điều 10, khoản 1, khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với khoản 5 Điều 26, khoản 1, khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013); Khoản 1 Điều 164, Điều 176, khoản 2 Điều 177, các điều 192, 196, 201 Bộluật Dân sựnăm 1995 (tương ứng với khoản 1 Điều 155, Điều 170, khoản 2 Điều 171, các điều 185, 190, 195 Bộluật Dân sựnăm 2005; khoản 1 Điều 150, Điều 221, khoản 2 Điều 237, các điều 187, 182, 192 Bộluật Dân sựnăm 2015).

4.Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số34/2018/DS-GĐT ngày 26-6-2018 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụán “Kiện đòi tài sản nhà, đất và tiền bồi thường hỗtrợ khi Nhà nước thu hồi đất” tại tỉnh Hưng Yên giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị P, anh Lê Ngọc T1, chị Lê Thị Thanh X với bị đơn là ông Lê Ngọc T2; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Các điều 176, 192, 196 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng vớicác điều 170, 185, 190 Bộ luật Dân sự năm 2005;các điều 221, 187, 182 Bộ luật Dân sự năm 2015);Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015.

5.Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/DS-GĐT ngày 27-9-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Y với bị đơn là Phòng công chứng M; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D1.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp mà khi người đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi được bảo đảm bằng giá trị bồi thường nên người có đất bị thu hồi có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Các điều 163, 181, 634, 646, 648 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với khoản 1 Điều 105, các điều 115, 612, 624, 626 Bộ luật Dân sự năm 2015); Điều  42 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với Điều 74 Luật Đất đai năm 2013).

6.Án lệ số 35/2020/AL về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 65/2018/GĐT-DS ngày 06-8-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án dân sự “Tranh chấp về tài sản bị cưỡng chế thi hành án” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị K với bị đơn là bà Nguyễn Thị T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 09 người.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Người Việt Nam trước khi đi định cư ởnước ngoài đã giao lại đất  nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng; người ở trong nước đã sử dụng đất đó ổn định, lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người ởtrong nước có quyền sử dụng đất hợp pháp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Mục 3 phần III, mục 3 phần V Quyết định số 201-HĐCP/QĐ ngày 01-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước; Điều 14 Luật Đất đai năm 1987; Điều 26 Luật Đất đai năm 1993; khoản 11Điều 38, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với điểm h khoản 1 Điều 64; Điều 100 Luật Đất đai năm 2013).

7.Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 05/2018/KDTM-GĐT ngày 18-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần V với các bị đơn là ông Nguyễn Văn C và bà Vũ Thị T.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tuân thủ quy định của pháp luật nhưng sau đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ do sai sót về diện tích đất và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm mất đi quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:-Các điều 322, 343 Bộ luật Dân sự năm 2005; các điều 342, 411 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với các điều 317, 408 Bộ luật Dân sự năm 2015);-Các điều 61, 62 Luật Đất đai năm 2003; các điều 46, 106 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với các điều 95, 167 Luật Đất đai năm 2013).

8.Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm

Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 28/2018/KDTM-GĐT ngày 26-6-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” tại tỉnh Đồng Nai giữa nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn N với bị đơn là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Công ty bảo hiểm P1, Ngân hàng thương mại cổ phần V, Công ty cổ phần giấy S.

Khái quát nội dung án lệ:

-Tình huống án lệ: Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm mới đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến gì, không có văn bản thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng mà vẫn nhận phí bảo hiểm, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về khoản tiền đóng phí bảo hiểm. Sau đó, sự kiện bảo hiểm xảy ra.

-Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Các điều 285, 287 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với các điều 278, 354 Bộ luật Dân sự năm 2015);Các điều 15, 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).

THÁI VŨ