Công bố Lệnh của Chủ tịch nước Công bố Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS
Ngày 29/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước Công bố Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục của Luật Thống kê. Đây là hai Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS được Quốc hội thông qua, gồm 2 điều. Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của BLTTHS, Điều 2 về hiệu lực thi hành.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau: Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 nhằm bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần yêu cầu khởi tố của bị hại.
Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157: Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố.
Sửa đổi khoản 8 Điều 157 nhằm bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 BLHS mà bị hại hoặc đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố để đảm bảo đồng bộ với nội dung sửa đổi khoản 1 Điều 155 BLTTHS.
Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229: Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 như sau: Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, với quy định như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Những sửa đổi này khắc phục những khó khăn do dịch bệnh trong tố tụng hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và BLTTHS 2015, Luật cũng quy định giao cho Viện trưởng VKSNDTC chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.
Bộ Công an cũng có Kế hoạch số 466/KH-BCA-V03 ngày 10/11/2021, trong đó đã đề ra mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về rà soát, xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
**
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Luật thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015; gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận