Công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong vụ án hình sự

Sáng 30/3, TANDTC Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo công bố Nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong vụ án hình sự.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động hợp tác theo Thư thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (LOA) năm 2021. Tham dự hội thảo về phía TANDTC Việt Nam có TS Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC. Về phía Hoa Kỳ có ông Thomas Lyons, Giám đốc Chương trình của INL tại Việt Nam, tham dự trực tuyến có Giáo sư Sanja Kutnjak Ivković Đại học bang Michigan, và Giáo sư Valerie P. Hans, Khoa luật, Đại học Cornell, Hoa Kỳ.  Cùng dự hội thảo còn có nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Nhóm nghiên cứu gồm ông Chu Trung Dũng- Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC và ông Trần Ngọc Thành - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp TANDTC cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia từ Hoa Kỳ. Nghiên cứu được công bố tập trung vào việc so sánh mô hình hội thẩm của Việt Nam với mô hình người dân tham gia xét xử của một số quốc gia trên thế giới nhằm chỉ ra được những điều chỉnh phù hợp có thể giúp nâng cao hiệu quả của cơ chế hội thẩm nhân dân tại Việt Nam. Hai nước được lựa chọn so sánh với Việt Nam đại diện cho hai mô hình phổ biến trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ với mô hình bồi thẩm đoàn truyền thống và Nhật Bản với mô hình hội đồng xét xử hỗn hợp.

Phát biểu tại hội thảo,  Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao việc INL đã chủ động phối hợp và hỗ trợ TANDTC Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, thúc đẩy cải cách của Tòa án Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chính phủ hai nước theo Thư thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự (LOA), tính từ đầu năm 2018 đến nay, INL đã trực tiếp hỗ trợ TANDTC thực hiện nhiều hoạt động nhằm tăng cường tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ về những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, phục vụ thiết thực cho công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam. INL cũng đã giúp TANDTC thiết lập quan hệ với nhiều đối tác khác của Hoa Kỳ, tạo ra cơ hội thúc đẩy hợp tác đa dạng cho TANDTC. 

 

  Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội thảo

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và giữa TANDTC Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ nói riêng đang có những bước phát triển hết sức thuận lợi với nhiều triển vọng. Trên tinh thần mối quan hệ đối tác toàn diện, chính phủ và nhân dân hai nước đang có nhiều nỗ lực để xích lại gần nhau hơn, cùng nhau chia sẻ các mối quan tâm, cùng cộng tác hướng tới những giá trị phát triển hiện đại để góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp hiện có cũng như mở rộng phạm vi hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du khẳng định Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu cải cách tư pháp theo hướng xây dựng hệ thống Tòa án vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ được công bằng, lẽ phải và tin tưởng tư pháp; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Đây là một trong 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Tòa án để thực hiện cải cách tư pháp tại đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ chế người dân tham gia xét xử đã có quá trình áp dụng lâu dài và ổn định tại Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước; tuy nhiên, đứng trước bối cảnh phát triển mới của đất nước không thể không nhìn lại và đánh giá một cách khách quan xem mô hình này có còn thực sự phù hợp hay không và cần phải làm gì để duy trì, nâng cao và hoàn thiện nó.

Phó Chánh án rất hoan nghênh việc Nhóm chuyên gia của TANDTC đã phối hợp với các chuyên gia, luật gia của Hoa Kỳ tiến hành “Nghiên cứu so sánh về chế định người dân tham gia xét xử trong lĩnh vực hình sự.” Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho công tác rà soát, cải cách chế độ Hội thẩm nhân dân hiện trong tương lai cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung.

Phát biểu tại hội thảo, ông Thomas Lyons, Giám đốc Chương trình của INL tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã nhận lời tham dự chủ trì hội thảo. Ông Thomas Lyons cho biết một trong những nguyên tắc cơ bản của Hoa Kỳ là một người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi trải qua một quá trình buộc tội rõ ràng, minh bạch.  Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng, đặc biệt là vụ án hình sự. Bồi thẩm đoàn tại Hoa Kỳ là người bình thường chứ không phải là người được đào tạo về luật, quy định này nhằm cân bằng quyền lực nhà nước, đảm bảo tiếng nói Bồi thẩm đoàn là tiếng nói tập thể.

 

Ông Thomas Lyons, Giám đốc Chương trình của INL tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Hiện nay ở Hoa Kỳ có rất nhiều mô hình, không phải vụ án nào cũng có Bồi thẩm đoàn tham dự, các vụ án thường thông qua cơ chế thương lượng nhận tội. Các bị cáo nhận hình phạt từ 6 tháng trở nên đều có quyền xét xử với Bồi thẩm đoàn. Ông Thomas Lyons đồng thời cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình nhằm nâng cao chất lượng xét cử, tăng cường quyền tiếp cận tư pháp của người dân.

Trong các năm 2020 và 2021, hai bên đã cùng xây dựng những kế hoạch hợp tác hết sức phong phú với nhiều hoạt động về các chủ đề khác nhau, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay các hoạt động đều chưa được triển khai như mong muốn. Trước tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu khả quan như hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để hai bên khởi động lại những công việc đã bị trì hoãn đồng thời xây dựng và triển khai những kế hoạch phong phú và tham vọng hơn nữa để bù đắp vào khoảng thời gian vừa qua. Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, kể từ năm 2001 đến nay TANDTC đã cộng tác với nhiều đối tác Hoa Kỳ thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật như Dự án STAR (2001-2013), Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG)...  Thông qua những dự án này, các đối tác Hoa Kỳ đã hỗ trợ TANDTC Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động nhằm tăng cường năng lực xét xử cho đội ngũ thẩm phán, đẩy mạnh đào tạo tư pháp và tăng cường thể chế nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại hội thảo, nghiên cứu đã có 07 đề xuất hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân tại Việt Nam

Thứ nhất, cần mở rộng cơ cấu, thành phần ứng viên hội thẩm, bảo đảm đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, khắc phục thực trạng hội thậm chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.

Thứ hai, nghiên cứu khả năng thiết lập Hội thẩm đoàn tham gia xét xử các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba, thay đổi thành phần hội đồng xét xử theo hướng tăng số lượng thẩm phán, giảm số lượng hội thẩm.

Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho hội thẩm.

Thứ năm, cần thiết kế qui trình nghị án tách biệt giữa thẩm phán và hội thẩm.

Thứ sáu, hoàn thiện chế độ, chính sách dành cho hội thẩm.

Thứ bảy, nghiên cứu xây dựng luật độc lập về chế định hội thẩm.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Sanja Kutnjak Ivković, Giáo sư Tư pháp hình sự, Đại học bang Michigan cho biết một số quốc gia trên thế giới áp dụng hệ thống bồi thẩm đoàn: các nhóm công dân là những người quyết định các vụ án một cách độc lập.

 

Giáo sư Sanja Kutnjak Ivković, Đại học bang Michigan phát biểu tại hội thảo

Các quốc gia khác đưa công dân làm Hội thẩm nhân dân trong các tòa án hỗn hợp. Trong đó Hội thẩm nhân dân quyết định các vụ án cùng với các Thẩm phán được đào tạo về luật.  Hội thẩm xét xử (còn được gọi là Thẩm phán hòa bình, xét xử các vụ án nhỏ/ít quan trọng tại cấp quận hạt ) thực hiện các nhiệm vụ tư pháp của họ một cách độc lập hoặc theo nhóm nhỏ.

TAND dùng Hội thẩm nhân dân đóng vai trò quyết định các vụ án hình sự và dân sự đơn giản, thưởng nằm ngoài hệ thống tòa án chính thức,

Giáo sư Sanja Kutnjak Ivković đề xuất bãi bỏ yêu cầu Hội thẩm nhân dân buộc phải “có kiến thức pháp luật”. Bồi thẩm viên thường đưa ra các quyết định hợp lý mà các Thẩm phán được đào tạo chuyên nghiệp đều đồng ý, mặc dù các bồi thẩm viên không được đào tạo về luật. Mở rộng nhóm ứng viên sẽ làm tăng tính đại diện của Hội thẩm nhân dân, góp phần thảo luận mạnh mẽ hơn về đặc điểm của các nhóm ra quyết định đa dạng.

Giáo sư Sanja Kutnjak Ivković cũng đã giới thiệu về Toà án hỗn hợp và các ưu điểm của việc sử dụng Tòa án hỗn hợp bao gồm: So với các phiên xử của các Thẩm phán chuyên nghiệp, các phiên xử của tòa án hỗn hợp có tiềm năng đạt được một hoặc nhiều mục tiêu: Tăng cường tính hợp pháp hoặc niềm tin vào hệ thống tòa án; Thúc đẩy công lý và công bằng; Giới thiệu các giá trị cộng đồng và kiến thức địa phương; Mang đến một góc nhìn mới mẻ; Tránh xu thế độc tài.

Hội thẩm nhân dân tại Tòa án hỗn hợp ở một số nước khác: Không bắt buộc phải có bất kỳ kiến thức pháp lý nào (ví dụ: Croatia, Đức, Nhật Bản, Ba Lan); Họ là hội thẩm vì họ không có kiến thức pháp luật; Họ có thể tham gia một khóa học ngắn (có thể vài giờ, vài ngày ...) về thủ tục tố tụng, về quyền và trách nhiệm của họ (Đức: Machura và Rennig, 2021).

Hội thảo đã được nghe ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài cùng các ý kiến thảo luận, bình luận, góp ý từ các chuyên gia tới từ Hoa kỳ.

CẢNH DINH