CÔNG CHỨC CHẾT TRONG KHI THỰC THI CÔNG VỤ CÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ LIỆT SỸ?

“Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.” (Điều 14 về “Các quyền khác của cán bộ, công chức” trong Luật cán bộ, công chức năm 2008)

       Những ngày cuối tháng 9 đối với hệ thống Tòa án là những ngày rất bận rộn, các Thẩm phán  có trách nhiệm cao trong công việc thì lại càng bận rộn hơn. Bởi vì, những công việc dang dở trong năm, những phiên tòa đã hoãn, những vụ án đã thụ lý, đã đến thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật… cần phải được giải quyết trước khi bước sang năm công tác mới được bắt đầu từ ngày 01/10.

       Trong những ngày nước rút đó, chúng ta đau buồn chứng kiến một đồng nghiệp bị ngã gục xuống khi đang tuyên án và đó là phiên xử cuối cùng trong cuộc đời Thẩm phán của anh.

       Anh Đỗ Quang Hải, sinh năm 1972 tại thành phố Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, anh được Tòa án nhân dân tỉnh Nam định tuyển dụng vào công tác, sau một thời gian tích cực phấn đấu, anh được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 2010 anh được điều động về làm thẩm phán TAND huyện Từ Liêm, sau đó là TAND quận Bắc Từ Liêm, Tp Hà Nội.

       Cuộc đời công chức 21 năm đồng hành với sự nghiệp xây dựng phát triển ngành Tòa án nhân dân của anh đã trải qua cương vị công tác từ Thư ký đến Thẩm phán, dù là ở cương vị công tác nào, anh vẫn luôn nhiệt tình làm tròn bổn phận và chức trách, nhiệm vụ của mình. Hàng năm anh đều được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen về thành tích công tác. Anh còn được biết đến là một cầu thủ bóng đá nhiệt tình tham gia phong trào thể dục thể thao của Tòa án. Anh đã vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”.

        Vợ anh cũng là một đồng nghiệp, là Thẩm phán Tòa án quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội. Vợ chồng anh đã có hai con, một trai, một gái xinh xắn.

       Thứ Sáu, ngày 29/9 định mệnh vừa qua, mặc dù mấy hôm trước đó sức khỏe đã có dấu hiệu không tốt, nhưng vì trách nhiệm anh vẫn nghiên cứu hồ sơ vụ án và trực tiếp xét xử vụ án dân sự. Cơn đau bất ngờ ập đến lúc anh đang tuyên án, anh vẫn gắng gượng để tuyên án mà không ngờ rằng đó là lần tuyên bản án cuối cùng trong cuộc đời Thẩm phán của mình. Phiên tòa kết thúc cũng là lúc anh gục xuống trên bục xét xử.

       Mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng anh không qua khỏi. Thẩm phán Đỗ Quang Hải đã ra đi vào hồi 17 giờ 50 phút ngày 01/10/2017, lúc tuổi đời mới 46 tuổi. Vợ trẻ, con thơ vẫn đang chờ anh về sau giờ làm việc; đội bóng mà anh vẫn tham gia vẫn đang chờ anh về để đi thi đấu tranh giải… nhưng anh đã ra đi mãi mãi. Các đồng nghiệp nghe tin đều bàng hoàng đau xót .

Ảnh: Anh Hải và vợ con chụp trong dịp Tết cổ truyền

         Các Thẩm phán đồng nghiệp của anh Đỗ Quang Hải tiễn biệt đồng nghiệp của mình bằng bản điếu văn có câu kết: “Xin vĩnh biệt anh- một Thẩm phán đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, để hoàn thành nhiệm vụ, sự nghiệp mà anh đã lựa chọn và cống hiến”.

        Sau nỗi đau và thương tiếc người đồng nghiệp, ai cũng mong muốn anh được Nhà nước ghi nhận về sự cống hiến của anh vì sự nghiệp Tòa án. Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định về Công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân gồm : Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao”, thì anh Đỗ Quang Hải là công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân.

       Theo quy định tại Điều 14 về “Các quyền khác của cán bộ, công chức” trong Luật cán bộ, công chức năm 2008: “Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.” Anh Đỗ Quang Hải hy sinh khi đang xét xử vụ án là đang thực hiện chức trách nhiệm vụ của người Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nhân dân, theo nhiệm vụ được quy định trong Điều 2, Điều 65 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

       Như vậy, theo quy định này anh Đỗ Quang Hải thuộc trường hợp nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

       Điều 11 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2005 quy định:

       Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
  2. b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
  3. c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
  4. d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
  5. đ) Đấu tranh chống tội phạm;

        Theo quy định Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2005 thì anh Hải thuộc trường hợp : hy sinh khi đang đấu tranh chống tội phạm (điểm đ khoản 1 Điều 11)

         Tại Điều 17 Nghị Định 31/2013 Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2013 của Chính phủ về điều kiện xác nhận liệt sĩ:1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:

  1. a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
  2. b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;
  3. c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.

       Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;

        d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

        Dù không ai mong muốn được hưởng quyền này nhưng khi một công chức là Thẩm phán đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh trong khi thi hành công vụ thì rất mong được sự ghi nhận của Nhà nước và mong các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện thủ tục để anh Đỗ Quang Hải được Nhà nước công  nhận là Liệt sĩ theo quy định của Luật công chức và các luật khác có liên quan.

       Sự ghi nhận và tôn vinh này không những là niềm an ủi, động viên đối với Thẩm phán Đỗ Quang Hải và thân nhân nhân của anh mà còn là niềm động viên khích lệ đối với đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án cả nước đang nỗ lực  thực thi công vụ nặng nề của mình.

NGUYỄN HÙNG SƠN