Công chức ngành Nội chính phải có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh với cái sai và phải thật sự liêm chính

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, điều quan trọng phải chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính đảng đủ năng lực, trình độ, nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai và đặc biệt, phải thật sự liêm chính… Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Ngày 9/1/2021, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư;  ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban; ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.

 Tham dự Hội nghị còn có: bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đại diện bộ, ban, ngành Trung ương trong khối nội chính; trưởng ban nội chính các tỉnh, thành ủy; cán bộ, công chức, viên chức Ban Nội chính Trung ương và hơn 2.600 đại biểu dự cầu truyền hình trực tuyến tại 63 tỉnh, thành ủy trên cả nước.

Những kết quả tích cực

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, mặc dù năm 2020 có nhiều biến động, dịch bệnh hoành hành, lũ lụt, hạn hán, triều cường, ngập mặn ở nhiều nơi; tình hình an ninh chính trị phức tạp, kinh tế khó khăn… nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, lỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dịch bệnh đã được ngăn chặn, kiểm soát, khắc phục sớm hậu quả thiên tai, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh được đảm bảo, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… ngành Nội chính Đảng bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương); sự phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành và các địa phương, ngành Nội chính Đảng tích cực, chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, thu được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Những kết quả cụ thể là: Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo nhiều chủ trương, định hướng lớn và giải pháp quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; các tỉnh ủy, thành ủy ban hành trên 7.000 văn bản chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; riêng năm 2020, tham mưu cấp ủy địa phương ban hành gần 2.600 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đưa chủ trương, nghị quyết trên lĩnh vực này đi vào cuộc sống.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Ban Nội chính Trung ương - Ảnh: Noichinh.vn

Tích cực, chủ động, tham mưu hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó 74 vụ án/667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm; riêng năm 2020 đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, trong đó đã xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo).

Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chú trọng tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thi đua “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi tham nhũng vặt”; từ đó nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, được chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm, khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý 1.819 vụ việc, vụ án.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực; tham mưu ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy tiến hành 1.600 cuộc kiểm tra, giám sát và rà soát 44.600 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém kéo dài, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án, sai phạm, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tổ chức nhiều cuộc khảo sát tình hình an ninh, trật tự ở một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, như: An ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ.

 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao, biểu dương những thành tích của toàn ngành Nội chính Đảng đã đạt được thời gian qua và yêu cầu thời gian tới, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, năm mở đầu cho một thập kỷ mới, năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tiếp tục thi hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp về đẩy mạnh việc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tình hình tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Ngành Nội chính Đảng cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Toàn ngành tham mưu kịp thời khắc phục những bất cập, những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức...

 

Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”, ngành Nội chính đang phải tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Trước mắt, toàn ngành tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.

Toàn ngành phải phát huy vai trò của cơ quan giúp Đảng lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ...

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, điều quan trọng phải chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính đảng đủ năng lực, trình độ, nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai và đặc biệt, phải thật sự liêm chính…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cảm ơn sự quan tâm thường xuyên của Thường trực Ban Bí thư với ngành Nội chính Đảng nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng; tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo để quán triệt, triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Phan Đình Trạc đề nghị các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu, đặc biệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư để hoàn thiện tài liệu sau Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh: (1) Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khẩn trương tăng cường với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi cộm liên quan đến anh ninh trật tự nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (2) Tham mưu, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trong các văn kiện XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; (3) Tham mưu, quán triệt, triển khai nghiêm kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; (4) Thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trước hết là với các cơ quan khối nội chính để tham mưu kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh trật tự; không để hình thành điểm nóng và các tổ chức chống đối trong nội địa; (5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy; nâng cao chất lượng cán bộ công chức, chuyên gia và cộng tác viên chuyên sâu trong các lĩnh vực; đồng thời, phải khiêm tốn, cầu thị, liêm chính, bản lĩnh, công tâm; thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo 

 

MINH KHÔI