Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Ngày 7/5 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Cùng tham gia đoàn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ lòng tự hào của Đoàn Việt Nam khi đối thoại với các nước đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính tại Trụ sở Liên hợp quốc, nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, những sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới.
Đoàn Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để đất nước có được ngày hôm nay.
Phái đoàn Việt Nam tại Phiên đối thoại- Ảnh: BNG |
Thứ trưởng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế. Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt.
Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.
Phiên rà soát UPR về Việt Nam được các nước quan tâm cao với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất.
Một số nước chúc mừng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.
Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.
Đoàn Việt Nam khẳng định những ưu tiên của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới, trong đó có xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thúc đẩy đối thoại tích cực và hợp tác về quyền con người, tăng cường giáo dục về quyền con người…
Đoàn Việt Nam cũng trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề được các nước quan tâm, trong đó có nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, bao trùm, phát triển của internet và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do học thuật, gia nhập và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phòng chống mua bán người, thực hiện Công ước chống tra tấn, hỗ trợ người dân tộc thiểu số…
Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng.
Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản.
Tại Phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Sau phiên đối thoại, ngày 10/5 Nhóm công tác về UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ họp để xem xét thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trình Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 (tháng 9-10/2024).
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thành lập từ năm 2008 và tiến hành định kỳ 4,5 năm một lần, UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng. Việt Nam tham gia đầy đủ các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được.
Toàn cảnh Phiên đối thoại - Ảnh: BNG
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận