Công nhận việc nuôi con nuôi thực tế - Từ văn bản quy phạm pháp luật đến thực tiễn xét xử

Bài viết này tìm hiểu quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến việc công nhận nuôi con nuôi thực tế, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp trong Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Đặt vấn đề

Nuôi con nuôi là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc từ lâu đời, thể hiện truyền thống nhân đạo cũng như tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong nhân dân.[1] Ngay từ Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, pháp luật đã có quy định điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi.[2] Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại nhiều trường hợp mà trong đó người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con, nhưng người nhận con nuôi lại không đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những trường hợp như vậy được gọi là nuôi con nuôi thực tế, và người được nhận làm con nuôi được gọi là con nuôi thực tế.[3]

Việc nuôi con nuôi thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó nổi bật là tranh chấp về thừa kế. Bởi vậy, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã đưa ra điều khoản chuyển tiếp về việc công nhận nuôi con nuôi thực tế.[4] Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Nuôi con nuôi năm 2010 vẫn cho thấy một số vấn đề pháp lý cần tiếp tục nghiên cứu.

I. Quy định của pháp luật về việc nuôi con nuôi thực tế

Kể từ Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, pháp luật luôn có quy định điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi, trước đây là trong các Luật Hôn nhân và gia đình, và hiện nay là trong Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Tìm hiểu hệ thống văn bản này, các tác giả rút ra ba nhận xét cơ bản sau đây về việc nuôi con nuôi thực tế:

Thứ nhất, pháp luật luôn yêu cầu người nhận con nuôi phải đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đều quy định rằng việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền “công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”.[5] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định rằng việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền “đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”.[6] Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định rằng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền “đăng ký việc nuôi con nuôi”.[7] Mặc dù sử dụng một số cách diễn đạt khác nhau như “công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”, “đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”, “đăng ký việc nuôi con nuôi” nhưng về bản chất, các quy định trên đều yêu cầu người nhận con nuôi phải đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.[8]

Thứ hai, trong một thời gian dài, việc nuôi con nuôi thực tế diễn ra thường xuyên và phổ biến.[9] Do đó, TANDTC đã đưa ra quy định riêng điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/07/1981 của TANDTC quy định “Con nuôi được thừa kế phải là con nuôi hợp pháp, tức là việc nuôi con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch (Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình[10]). Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp nhân dân chưa hiểu pháp luật cho nên chưa xin chính quyền công nhận và đăng ký vào sổ hộ tích việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, nếu việc nhận con nuôi là ngay thẳng, cha mẹ đẻ của đứa trẻ hoàn toàn tự nguyện, việc nuôi dưỡng đứa trẻ được bảo đảm, thì coi là con nuôi thực tế. Con nuôi và bố mẹ nuôi có quyền thừa kế lẫn nhau. Con nuôi (hợp pháp hay thực tế) không được thừa kế theo luật đối với di sản của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột.”[11] Sau đó,  Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng quy định “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36 và 37 nhưng trước khi Luật này[12] được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định.”[13]

Ngoài ra, đối với các dân tộc thiểu số, Nghị định số 32/2002/NĐ-CP quy định “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết.”[14]

Thứ ba, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã cố gắng giải quyết triệt để vấn đề này bằng cách đưa ra điều khoản chuyển tiếp về việc công nhận nuôi con nuôi thực tế.[15] Cụ thể, khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định “Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực,[16] nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.”

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp về thừa kế, vẫn cho thấy một số vấn đề pháp lý cần tiếp tục nghiên cứu.

II. Thực tiễn giải quyết tranh chấp

Tìm hiểu thực tiễn xét xử liên quan đến Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, các tác giả rút ra một số nhận xét cơ bản như sau:

Thứ nhất, Tòa án sẽ công nhận việc nuôi con nuôi trong hai trường hợp sau đây:

(i) Việc nuôi con nuôi bắt đầu trước ngày 01/01/2011 nhưng có đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày 01/01/2016.

Đơn cử là quyết định số 09/2019/QĐST-VDS ngày 15/05/2019 của TAND huyện B (tỉnh T) về việc “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”.[17] Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Bùi Trần Kim Ng (sinh ngày 17/11/2000).

Năm 2001, vợ chồng ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A nhận bé gái tên Huỳnh Kim Ng (sinh ngày 17/11/2000) làm con nuôi và đặt tên con nuôi là Bùi Trần Kim Ng. Năm 2014, vợ chồng ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã Lộc T, huyện B, tỉnh T.

Tháng06/2018, chị Bùi Trần Kim Ng bỏ nhà ra đi. Năm 2019, ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với chị Bùi Trần Kim Ng. Chị Bùi Trần Kim Ng chấp nhận chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A.

TAND huyện B (tỉnh T) nhận định rằng “Căn cứ Giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 02/2014, quyển số 01/2014 do Ủy ban nhân dân xã Lộc T, huyện B, tỉnh T cấp (bl 16). Theo đó: Xác định chị Bùi Trần Kim Ng sinh ngày 17/11/2000 là con nuôi của ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A được công nhận nuôi con nuôi thực tế kể từ ngày 17/04/2001”. Tòa án cũng cho rằng ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với chị Bùi Trần Kim Ng là có căn cứ. Do đó, Tòa án tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cha mẹ nuôi là ông Bùi Văn Kh và bà Trần Thị A với con nuôi là chị Bùi Trần Kim Ng.

(ii) Việc nuôi con nuôi bắt đầu sau ngày 01/01/2011 và có đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đơn cử là Quyết định số 01/2017/HNGĐ-ST ngày 15/09/2017 của TAND thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) về việc “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”.[18] Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là anh A Y và chị Y Th. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh A Y1, chị Y Y và cháu A Y2 (người đại diện theo pháp luật của cháu A Y2 là chị Y Y).

Ngày 16/12/2014, vợ chồng anh A Y và chị Y Th nhận cháu ruột A Y2 (sinh ngày 30/8/2004) làm con nuôi và có đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, trong những năm nhận nuôi con nuôi, cháu A Y2 không ở ngày nào với cha mẹ nuôi, mà ở với cha mẹ ruột.

Năm 2017, vợ chồng anh A Y và chị Y Th yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu A Y2. Vợ chồng anh A Y1 và chị Y Y (cha mẹ ruột của cháu A Y2) đồng ý nhận lại con. Cháu A Y2 đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi của anh A Y và chị Y Th.

TAND thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) nhận định rằng “Xét yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi: Thấy rằng, vào ngày 16/12/2014 anh A Y và chị Y Th có nhận nuôi cháu ruột A Y2, sinh ngày 30/8/2004 làm con nuôi, được Ủy ban nhân dân xã Ngọk Bay quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi, như vậy việc nhận nuôi con là hợp pháp.” Tòa án cũng cho rằng “cần chấp nhận đơn yêu cầu của anh A Y và chị Y Th chấm dứt việc nhận nuôi con A Y2 là có căn cứ.”

Thứ hai, Tòa án sẽ không công nhận việc nuôi con nuôi thực tế trong hai trường hợp sau đây:

(i) Việc nuôi con nuôi bắt đầu trước ngày 01/01/2011 nhưng không đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày 01/01/2016.

Đơn cử là quyết định số 01/2017/QĐDS-ST ngày 28/12/2017 của TAND huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) về việc “Công nhận không phải là con nuôi”.[19] Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là anh Lò Xuân H. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cháu Lò Thị Xuân H (người đại diện theo pháp luật của cháu Lò Thị Xuân H là chị Lò Thị Hiền V).

Năm 2000, anh Lò Xuân H và chị Lò Thị Hiền V đăng ký kết hôn. Năm 2006, anh Lò Xuân H và chị Lò Thị Hiền V xin một người con ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu về chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh Lò Xuân H và chị Lò Thị Hiền V có đăng ký khai sinh cho cháu (đặt tên là Lò Thị Xuân H) nhưng không đăng ký việc nuôi con nuôi với cháu Lò Thị Xuân H.

Ngày 18/9/2015, anh Lò Xuân H và chị Lò Thị Hiền V ly hôn. Chị Lò Thị Hiền V được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Lò Thị Xuân H. Anh Lò Xuân H phải cấp dưỡng nuôi cháu Lò Thị Xuân H mỗi tháng một triệu đồng cho đến khi cháu Lò Thị Xuân H đủ 18 tuổi. Đến hết ngày 31/12/2015, anh Lò Xuân H và chị Lò Thị Hiền V vẫn không đăng ký việc nuôi con nuôi với cháu Lò Thị Xuân H tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2017, anh Lò Xuân H yêu cầu Tòa án giải quyết việc công nhận cháu Lò Thị Xuân H không phải là con nuôi của anh Lò Xuân H và chấm dứt quyền và nghĩa vụ với cháu Lò Thị Xuân H.

Tòa án huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) nhận định rằng “Căn cứ vào quy định của pháp luật về việc đăng ký nuôi con nuôi nếu sau ngày 31/12/2015 người dân không tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế thì việc nuôi con nuôi đó sẽ không được pháp luật công nhận, do đó người nuôi không được coi là cha nuôi, mẹ nuôi, người được nuôi không được coi là con; việc nuôi con nuôi sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nuôi và người được nuôi; các tranh chấp phát sinh liên quan đến cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa con nuôi với thành viên gia đình của cha mẹ nuôi như nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thừa kế sẽ không được pháp luật bảo hộ.” Do đó, Tòa án công nhận cháu Lò Thị Xuân H không phải là con nuôi của anh Lò Xuân H.

(ii) Việc nuôi con nuôi bắt đầu sau ngày 01/01/2011 nhưng không đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đơn cử là bản án số 32/2019/DS-PT ngày 26/04/2019 của TAND tỉnh Thanh Hoá về “Tranh chấp chia di sản thừa kế”.[20] Nguyên đơn là bà Phan Thị L. Bị đơn là anh Lê Nguyễn Minh Đ.

Năm 2004, bà Phan Thị L và ông Lê Quang V1 kết hôn với nhau. Ông Lê Quang V1 có một người con riêng là anh Lê Nguyễn Minh Đ (sinh năm 1991). Năm 2011, bà Phan Thị L và ông Lê Quang V1 nhận cháu Lê Công V làm con nuôi. Ông Lê Quang V1 chết năm 2013. Bà Phan Thị L yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của ông Lê Quang V1 để lại.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 36/2017/DS-ST ngày 26/12/2017, TAND thành phố H chia di sản của ông Lê Quang V1 cho bà Phan Thị L, anh Lê Nguyễn Minh Đ và cháu Lê Công V, mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng nhau. Ngày 04/01/2018, anh Lê Nguyễn Minh Đ kháng cáo.

TAND tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng không có tài liệu chứng minh cháu Lê Công V là con nuôi của ông Lê Quang V1 và bà Phan Thị L theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế. Vì vậy, cháu Lê Công V không được công nhận là con nuôi của ông Lê Quang V1 và bà Phan Thị L. Bản án sơ thẩm xác định cháu Lê Công V là con nuôi của ông Lê Quang V1 và bà Phan Thị L và được hưởng một phần di sản thừa kế của ông Lê Quang V1 là không chính xác. Tòa án chia di sản của ông Lê Quang V1 cho bà Phan Thị L và anh Lê Nguyễn Minh Đ, mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng nhau.

Tuy nhiên, tồn tại một trường hợp mà Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 không quy định rõ: Nếu việc nuôi con nuôi bắt đầu trước ngày 03/01/1987[21] nhưng cha mẹ nuôi chết trước ngày 01/01/2016 thì pháp luật có công nhận việc nuôi con nuôi thực tế hay không?

Các tác giả tìm thấy thực tiễn xét xử liên quan đến trường hợp này tại bản án số 44/2018/DS-PT ngày 21/09/2018 của TAND tỉnh Nam Định về “Tranh chấp xác nhận quyền thừa kế theo di chúc”.[22] Nguyên đơn là ông Vũ Xuân Đ. Bị đơn là ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị G (vợ ông Đ).

Cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 khi còn sống không có con đẻ nên đã nhận ông Vũ Xuân Đ, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Cụ Vũ Xuân Đ1 chết năm 2005; còn cụ Nguyễn Thị T1 chết năm 2014. Di sản của cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 để lại là nhà và đất.

Ông Vũ Xuân Đ khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế theo di chúc, đề nghị Tòa án giải quyết giao di sản của cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 cho ông quản lý, sử dụng. Ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 bác bỏ quyền thừa kế theo di chúc của ông Vũ Xuân Đ, đồng thời không đồng ý chia thừa kế.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2018/DS-ST ngày 29/03/2018, TAND huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Xuân Đ, giao di sản của cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 cho vợ chồng ông Vũ Xuân Đ, bà Phạm Thị G sở hữu, sử dụng. Ngày 03/04/2018, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 kháng cáo.

TAND tỉnh Nam Định nhận định rằng cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 nhận ông Vũ Xuân Đ, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 làm con nuôi từ khi còn nhỏ, sau đó chăm sóc nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành, nhưng không lập thành văn bản, cũng không làm thủ tục nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Tòa án áp dụng Thông tư số 81/TANDTC và Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP để xác định rằng ông Vũ Xuân Đ, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 là con nuôi thực tế của cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1.

Tòa án cũng cho rằng văn bản mà ông Vũ Xuân Đ đưa ra không được xem là di chúc hợp pháp. Các đương sự đều không có nguyện vọng phân chia di sản thừa kế trong trường hợp không công nhận di chúc hợp pháp nên Toà án không xem xét. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Xuân Đ, giao cho ông Vũ Xuân Đ, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 quyền sở hữu chung di sản của cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1.

Các tác giả cho rằng giải pháp pháp lý của TAND tỉnh Nam Định theo hướng công nhận việc nuôi con nuôi thực tế là phù hợp. Mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm “xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”.[23] Xét rằng cụ Vũ Xuân Đ1 và cụ Nguyễn Thị T1 khi còn sống không có con đẻ nên đã nhận ông Vũ Xuân Đ, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị H1, bà Vũ Thị H2 làm con nuôi từ khi còn nhỏ cho đến khi dựng vợ, gả chồng. Như vậy, mục đích của việc nuôi con nuôi đã hoàn thành. Hơn nữa, trước đây Thông tư số 81/TANDTC và Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP đều quy định theo hướng công nhận việc nuôi con nuôi thực tế bắt đầu trước ngày 03/01/1987 nếu như việc này đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi. Do đó, trong trường hợp Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 không quy định rõ, Tòa án có thể áp dụng tinh thần của Thông tư số 81/TANDTC và Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP để giải quyết theo hướng công nhận việc nuôi con nuôi thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của con nuôi thực tế.

Kết luận

Việc nuôi con nuôi thực tế là một hiện tượng xã hội đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Mặc dù Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã cố gắng giải quyết triệt để vấn đề này bằng cách đưa ra điều khoản chuyển tiếp về việc công nhận nuôi con nuôi thực tế,[24] thực tiễn thi hành chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Theo thống kê của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), tính đến thời điểm sau ngày 31/12/2015, cả nước có hơn 7.000 trường hợp nuôi con nuôi thực tế, tuy nhiên chỉ có 3.193 trường hợp đã đăng ký, vẫn còn 3.918 trường hợp chưa đăng ký mặc dù đã được động viên, khuyến khích.[25] Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đăng ký nuôi con nuôi là cần thiết nhằm hạn chế rủi ro pháp lý cho cả cha mẹ nuôi và con nuôi, góp phần thúc đẩy quan hệ nuôi con nuôi đạt được mục đích nhân văn cao đẹp./.

 

Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận xét xử vụ án chia tài sản chung, chia thừa kế - Ảnh: Trần Phương Dung

 

[1] Tờ trình số 163/TTr-CP ngày 07/10/2009 của Chính phủ về Dự án Luật Nuôi con nuôi. Tham khảo trực tuyến tại: <https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXII/kyhopthusau/Pages/van-kien-tai-lieu.aspx?ItemID=1905> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[2] Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.

[3] Tờ trình số 163/TTr-CP ngày 07/10/2009 của Chính phủ về Dự án Luật Nuôi con nuôi. Tham khảo trực tuyến tại: <https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXII/kyhopthusau/Pages/van-kien-tai-lieu.aspx?ItemID=1905> [Truy cập ngày 06/06/2021].

Xem thêm: Nguyễn Phương Lan, 2009. Nuôi con nuôi thực tế - thực trạng và giải pháp. Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số chuyên đề pháp luật về nuôi con nuôi. Tham khảo trực tuyến tại: <https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/01/03/4280> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[4] Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

[5] Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định “Việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch.”

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định “Việc nhận nuôi con nuôi do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch.”

[6] Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

[7] Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi:

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

3. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

[8] Nguyễn Phương Lan, 2009. Nuôi con nuôi thực tế - thực trạng và giải pháp. Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số chuyên đề pháp luật về nuôi con nuôi. Tham khảo trực tuyến tại: <https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/01/03/4280> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[9] Bản thuyết minh về Dự án Luật Nuôi con nuôi ngày 30/09/2009 của Bộ Tư pháp. Tham khảo trực tuyến tại:

<http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/download.aspx?id=38523> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[10] Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 - chú thích của các tác giả.

[11] Mục III (Thừa kế theo luật) Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/07/1981 của Tòa án nhân dân Tối cao.

[12] Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 - chú thích của các tác giả.

[13] Điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

[14] Điều 17 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP.

[15] Bản thuyết minh về Dự án Luật Nuôi con nuôi ngày 30/09/2009 của Bộ Tư pháp. Tham khảo trực tuyến tại:

<http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/download.aspx?id=38523> [Truy cập ngày 06/06/2021].

Ban soạn thảo đã cân nhắc một số hướng giải quyết khác nhau như (1) không thừa nhận việc nuôi con nuôi thực tế bởi vì đây là một hiện tượng xã hội trái pháp luật, (2) trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về việc nuôi con nuôi thực tế, (3) đưa ra quy định chuyển tiếp nhằm giải quyết việc nuôi con nuôi thực tế. Cuối cùng, giải pháp (3) được lựa chọn.

[16] Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011. Như vậy, thời hạn đăng ký nuôi con nuôi thực tế là kể từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015.

[17] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta295707t1cvn/NUOI_CON_NUOI.pdf> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[18] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta30064t1cvn/QUYET_DINH_VIEC_DAN_SU_CBBA_2.pdf> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[19] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta84779t1cvn/01_Viec_dan_su__HAI___Viet.pdf> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[20] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/3ta299545t1cvn/> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[21] Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực kể từ ngày 03/01/1987 đến hết ngày 31/12/2000.

[22] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta162908t1cvn/ban_an_so_44.pdf> [Truy cập ngày 06/06/2021].

[23] Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

[24] Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

[25] Nguyễn Trà My, 2016. Thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế sau ngày 31/12/2015. Trang tin điện tử Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Tham khảo trực tuyến tại: <http://thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/lists/tinbonganh/view_detail.aspx?itemid=34> [Truy cập ngày 06/06/2021].

ThS. NCS. NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM) LÊ BẢO KHANH (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM)