Công tác chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thời gian qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung về KT-XH của tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Ngay từ năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 về kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 01/4/2020 về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng bộ tiêu chí mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu hoàn thành Chuyển đổi số cho UBND cấp huyện, cấp xã đến năm 2025.

 

Với quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý của tỉnh trong việc xây dựng, phát triển Chính quyền số và chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.  

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, đô thị thông minh tại UBND Thành phố Sầm Sơn

Hạ tầng, trang thiết bị CNTT trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, công tác chuyển đổi số. Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư đảm bảo cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7.

 

Các đơn vị duy trì hoạt động hơn 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ hiệu quả 105 cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với các cơ quan Bộ, ngành trung ương và hơn 380 cuộc họp trong tỉnh giữa các cơ quan từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã.

Hạ tầng viễn thông tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình qua mạng viễn thông. Tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên toàn tỉnh là 9.399 trạm BTS. Tỷ lệ sử dụng chung cột ăng ten giữa các doanh nghiệp viễn thông đạt 7,6%. Các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang gần 150 km cáp.

Thuê bao điện thoại: Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.973.300 thuê bao bằng 100,88% so với cùng kỳ, mật độ thuê bao điện thoại đạt 80,50 máy/100 dân.Thuê bao Internet: Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.400.000 thuê bao bằng 102,13% so với cùng kỳ, đạt mật độ 65,4 thuê bao/100 dân.

Thanh Hóa đang đẩy mạnh ký kết hợp tác chuyển đổi số tạo động lực cho phát triển Kinh tế  - Xã hội của tỉnh nhà

Xác định dữ liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm triển khai xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ các cơ sơ dữ liệu nhằm phục vụ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Cụ thể như: Cổng Dữ liệu mở của tỉnh đã được đưa vào triển khai, sử dụng với 195 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực. Hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công; hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 20/02/2023 giúp người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân và giảm thời gian thực hiện các dịch vụ công.

Phát triển công dân số với việc Công an tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân trên địa bàn với số lượng 3.421.346 hồ sơ; đã tiếp nhận 2.336.438 hồ sơ tạo tài khoản định danh điện tử; kích hoạt thành công 1.651.144 tài khoản. Đã thực hiện rà soát là 1.721.898/ 2.262.033 mã số thuế cá nhân (đạt tỷ lệ 76%). Bên cạnh đó, đã có 678/678 cơ sở y tế đã triển khai việc khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp để thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế; Thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với số lượng 261.308 người.  

Với quyết tâm thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều sự thay đổi, đổi mới và hiện đại hóa nền hành chính. Kết quả đó được thể hiện qua việc triển khai các nền tảng, hệ thống cụ thể như sau: Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định; hiện tại đang cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 10 dịch vụ kết nối bên ngoài; đã khai báo và quản lý 2.540 mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị. Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 03 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh. Thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 2.939.433 lượt văn bản. Tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%. Hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%.

Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.202 dịch vụ.  

Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28/3/2023 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.  Trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số, đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; đã đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử. Cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Thanh Hóa luôn quan tâm đến xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số.

Các cơ quan Đảng, đoàn thể đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng như: Phần mềm Sổ tay Đảng viên điện tử cho Tỉnh ủy. Phần mềm Quản lý khiếu nại cử tri cho Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh…Phối hợp triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, đô thị thông minh tại UBND Thành phố Sầm Sơn; đang phối hợp tư vấn triển khai xây dựng đô thị thông minh cho UBND thành phố Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân. Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh từ cấp tỉnh đến, cấp huyện, cấp xã.  

 

Thanh Hóa xác định phát triển kinh tế số là cơ hội tốt nhất để các địa phương bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội; nhằm phát triển đột phá 03 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh trong thời gian tới. Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư thế hệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 vào đầu tư, tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật... Xây dựng Trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây của Khu vực (Digital Hub) tại Thanh Hóa và hình thành vùng động lực công nghiệp ICT, công nghệ số. Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đào tạo và chuyển giao công nghệ của tỉnh với diện tích 7,35 ha ngay tại trung tâm Thành phố Thanh Hóa với hạ tầng kỹ thuật khang trang; Tòa nhà điều hành 12 tầng đã được đầu tư đồng bộ, trang thiết bị hiện đại.  

QC