Công tác đối ngoại đóng góp đắc lực trong tăng cường năng lực cho hệ thống Tòa án nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống TAND, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thúy Hiền- Nguyên Phó Chánh án TANDTC, về công tác hợp tác quốc tế trong hệ thống TAND trong những năm qua, cũng như những đổi mới trong công tác này để TAND Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

PV: Thời gian qua, công tác hợp tác quốc tế của TANDTC đã đạt được nhiều thành tựu, xin bà khái quát một số thành tựu chính, cũng như mục đích, nguyên nhân cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ngành TAND?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp nhằm khai thác sự hỗ trợ quốc tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường, nâng cao hoạt động của Tòa án là mối quan tâm lớn, thường xuyên và là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, được ghi nhận trong nhiều Văn kiện quan trọng của Đảng.

Nhìn chung, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của TAND thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TANDTC đã hoàn thiện về cơ bản bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn công tác đối ngoại trong nội bộ. Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc độc lập về chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa, TANDTC đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực thực hiện chính sách đối ngoại theo phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao vị thế Việt Nam nói chung và TAND Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Hoạt động hợp tác đối với các đối tác truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cu Ba, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… không ngừng được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, TANDTC đã hỗ trợ tích cực Toà án các nước Lào, Campuchia trong các dự án hoặc hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng lực xét xử, cũng như tổ chức các Hội nghị quốc tế quan trọng.

Việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã đóng góp đáng kể vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của TANDTC trong công cuộc cải cách tư pháp mà trọng tâm là công tác xét xử. Nổi bật là Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” với số vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc là 12 triệu USD, khởi động từ tháng 4/2019, dự kiến kéo dài 4 năm. Dự án tập trung vào 3 mục tiêu lớn là “tăng cường minh bạch”; “nâng cao chất lượng xét xử” của TAND và bước đầu tạo nền tảng, định hướng cho việc triển khai xây dựng “Tòa án điện tử” của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng góp phần giúp TANDTC đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của các TAND để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, TANDTC đã chủ động, tích cực tham gia trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp luật quốc tế, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, việc tham gia xây dựng, đàm phán và ký kết hoặc gia nhập các hiệp ước quốc tế song phương và đa phương, nổi bật nhất trong lĩnh vực tương trợ tư pháp.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền tiếp khách quốc tế

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ). Việt Nam đang tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ để đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 8 của CACJ theo hình thức trực tuyến, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020.

PV: Xin bà cho biết để có được những kết quả tích cực đó, nguyên nhân nào là cơ bản?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Để đạt được những thành tích trên, như trên đã nói, trước hết TANDTC luôn nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan liên quan… Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC chỉ đạo sâu sát, kịp thời, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động đối ngoại TAND các cấp đạt kết quả tốt.

Đồng thời, lãnh đạo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc trung ương đã có sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác đối ngoại của TAND, nhất là những địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng. Các đơn vị chức năng và các đơn vị liên quan, lãnh đạo một số TAND địa phương đã chủ động, nhiệt tình, tích cực trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại của TANDTC. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ngày càng được hoàn thiện thêm một bước về số lượng, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ nói chung, nhằm hoàn thành tốt công tác đối ngoại của hệ thống TAND.

PV: Hợp tác quốc tế đang trở thành xu hướng trong thế giới mở, ngành TAND đã có những định hướng nào để nâng cao hợp tác quốc tế, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế vào vận hành hệ thống TAND tại Việt Nam, thưa bà?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, ngày 12/6/2017, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Đề án về công tác đối ngoại của TAND giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 với những định hướng chung để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế. Trong đó nhấn mạnh đến công tác đối ngoại phải đóng góp đắc lực trong việc đổi mới, tăng cường năng lực cho hệ thống TAND trên nhiều lĩnh vực. Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho công tác xét xử và hoạt động của Tòa án theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, đáp ứng được các yêu cầu của cải cách tư pháp trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện. Mặt khác, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của hệ thống TAND với Tòa án các nước trên thế giới, với các tổ chức/thiết chế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực tư pháp, đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, nâng cao vị thế của Việt Nam và Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động đối ngoại của TAND cần phải bám sát và phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của TAND; cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của TAND dài hạn, trung hạn và ngắn hạn vào các hoạt động đối ngoại, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó; huy động sự tham gia và phát huy được tiềm lực của toàn hệ thống trong công tác đối ngoại.

PV: Xin cảm ơn nguyên Phó Chánh án TANDTC!

QUANG MINH