“Công tác nhân sự là phải làm từng bước vững chắc, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót”

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị, có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về công tác nhân sự.

Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và ổn định kinh tế- xã hội.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời nhấn mạnh, cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Ông cho rằng, theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch này là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, quy mô lớn, lan rộng nhanh, hậu quả vô cùng nguy hại, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của loài người. Hệ lụy của nó phải mất rất nhiều năm mới thấy hết, với những dự báo có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thậm chí còn xấu hơn cả cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929- 1933.

 

Toàn cảnh Hội nghị – Ảnh: TTXVN

Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động phản ứng tốt, kịp thời và đạt kết quả rất mừng, qua đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng được khẳng định và nâng cao. Có thể khẳng định không có hệ thống chính trị như ở nước ta thì không thể làm được như vậy, trên dưới một lòng đoàn kết thống nhất, lòng yêu nước của nhân dân, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của đồng bào ở mọi miền Tổ quốc lại được nhân lên trong phòng chống dịch. Tất cả các ngành, các cấp, y tế, các lực lượng công an, quân đội, người già, người trẻ đều hưởng ứng phòng chống dịch,.. Tổng Bí thư  nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm; phải đồng tâm, nhất trí, trên dưới một lòng vừa chủ động phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, ổn định xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh.

Công tác cán bộ là khâu then chốt

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 5 tới, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp, trong đó có nội dung rất quan trọng là Trung ương sẽ cho ý kiến về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng.

Theo Tổng Bí thư, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu. Chọn đúng người đứng đầu thì dân được nhờ, đất nước phát triển, chọn sai người đứng đầu thì đất nước sẽ ra sao, bài học từ Liên Xô trước đây thấy rất rõ điều đó. Đội ngũ cán bộ của ta trưởng thành về nhiều mặt, được đào tạo cơ bản, được rèn luyện qua nhiều môi trường tốt, cho nên việc chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương phải làm cho tốt, nếu chọn sai không biết điều gì sẽ xảy ra.

Vấn đề hàng đầu là xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng; về cơ cấu, số lượng như hiện nay hay thế nào; quan hệ giữa tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu như thế nào? Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Chấp hành Trung ương phải là một tập thể thật sự đoàn kết, thống nhất; phải là những cán bộ có đức, có tài, có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư nhắc lại câu Kiều của Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” để nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức đối với cán bộ.

Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trách nhiệm, cách làm của các cấp ủy trong công tác nhân sự là phải làm từng bước vững chắc, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Ngay từ khâu giới thiệu phải thật sự công tâm khách quan, không có “cánh hẩu”, lợi ích nhóm. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải dày công chuẩn bị, xác định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”; có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Các cơ quan, địa phương, cán bộ trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với công việc có vị trí, ý nghĩa đặc biệt hệ trọng này, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, công tác nhân sự đặc biệt quan trọng, phức tạp vì liên quan đến con người, là công tác về con người, nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng như thế nào, liên quan đến danh dự, chế độ chính sách của cán bộ, dễ phát sinh tâm tư, mất đoàn kết. Vì vậy, công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm dân chủ, công tâm, công khai, thật sự trong sáng, khách quan; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Những người tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, đặc quyền, đặc lợi, gia trưởng, trù dập người dân, nâng đỡ kẻ xấu, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng đều không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn là làm sao để có Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước mạnh, được dân tin yêu, như thế chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước .

KIM DUNG