Công ước Singapore về Hòa giải – Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả
Ngày 07 tháng 8 năm 2019, tại Singapore, 46 nước thành viên Liên hợp quốc đã ký kết Công ước của Liên hợp quốc về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (hay còn gọi là Công ước Singapore về Hòa giải) . Công ước này được đánh giá là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển hài hòa, qua đó góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về bối cảnh ra đời, nội dung chính của Công ước và đánh giá với thực tiễn của Việt Nam.
Bối cảnh ra đời của Công ước
Tháng 5/2014, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Nhóm công tác II của Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đưa ra đề xuất xây dựng một công ước đa phương về thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hoà giải (thỏa thuận giải quyết tranh chấp), với mong muốn khuyến khích hòa giải như cách thức mà Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York) đã thúc đây sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Từ Phiên họp thứ 63 đến 67, Nhóm công tác II đã thảo luận và đàm phán dự thảo Công ước với sự tham gia của 85 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và 35 tổ chức phi chính phủ. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc xây dựng và ký Công ước như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Singapore. Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì cùng với đại diện của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao… tham gia các phiên đàm phán Công ước với tư cách quan sát viên.
Công ước đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/12/2018 tại Phiên họp thứ 62 tổ chức tại Viên, Cộng hòa Áo.
Trụ sở Liên hợp quốc tại Viên thủ đô của Áo (United Nations Office at Vienna)
Mục tiêu, phạm vi và nội dung cơ bản của Công ước
a) Mục tiêu:
Mục tiêu chính của Công ước là thúc đẩy hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển hài hòa, qua đó góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
b) Phạm vi áp dụng:
Công ước áp dụng đối với việc ghi nhận và thi hành các thỏa thuận hòa giải quốc tế được các bên ký kết bằng văn bản là kết quả của quá trình hòa giải tranh chấp thương mại quốc tế, có sự tham gia của hòa giải viên nếu tại thời điểm ký kết: (i) ít nhất hai bên tham gia thỏa thuận có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau; hoặc (ii) quốc gia mà các bên tham gia thỏa thuận có địa điểm kinh doanh khác với quốc gia mà phần đáng kể các nghĩa vụ theo thỏa thuận được thực hiện hoặc quốc gia mà nội dung của thỏa thuận có mối quan hệ gắn bó nhất.
Công ước không áp dụng đối với các trường hợp sau: (i) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp phát sinh từ các giao dịch mà một trong các bên (người tiêu dùng) tham gia vì mục đích cá nhân hoặc hộ gia đình; (ii) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan đến luật gia đình, thừa kế, lao động; (iii) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã được tòa án công nhận hoặc đạt được trong quá trình tố tụng tại tòa án hoặc đang được thi hành như phán quyết của tòa án tại quốc gia có tòa án đó; (iv) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp được ghi nhận và có thể được thi hành như một phán quyết trọng tài.
c) Nội dung của Công ước:
Công ước gồm 16 điều, trong đó: từ Điều 1 đến Điều 6 quy định các nội dung chính của Công ước: phạm vi điều chỉnh; giải thích các thuật ngữ; các nguyên tắc thi hành và viện dẫn thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải; điều kiện sử dụng thỏa thuận nêu trên làm căn cứ yêu cầu trợ giúp; căn cứ từ chối trợ giúp; quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia được yêu cầu trong trường hợp hiệu lực của thỏa thuận đang được xem xét tại tòa án, trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; từ Điều 7 đến Điều 10 quy định về mối quan hệ của Công ước với các điều ước khác; bảo lưu; trình tự thủ tục lưu chiểu, ký kết, gia nhập, sửa đổi, bãi bỏ và hiệu lực của Công ước.
Lễ ký kết Công ước Singapore về Hòa giải (Ảnh: Straittimes)
Nhìn chung, Công ước xác định rõ phạm vi, yêu cầu đối với những thỏa thuận giải quyết tranh chấp có thể được xem xét công nhận và thi hành tại các quốc gia thành viên; các căn cứ từ chối. Công ước không quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cụ thể xem xét công nhận và thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà để ngỏ cho các nước thành viên chủ động thực hiện nhưng phải đảm bảo nhanh chóng, phù hợp với các điều kiện được quy định tại Công ước.
Như vậy, để thực thi Công ước, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có một cơ chế pháp lý trong nước với phạm vi áp dụng, quy trình thủ tục phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, điều kiện của Công ước.
Đánh giá thuận lợi và khó khăn của Việt Nam nếu tham gia Công ước
a) Thuận lợi:
Thứ nhất, việc Việt Nam tham gia Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra nhiệm vụ “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại cũng thể hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Thứ hai, Việt Nam đã có quy định pháp luật về hòa giải thương mại, cùng với đó là đội ngũ hòa giải viên vụ việc, một số trung tâm hòa giải được cấp giấy chứng nhận, được thành lập và đi vào hoạt động, nên nếu tham gia Công ước, kết quả hòa giải thành do các hòa giải viên, trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam thực hiện sẽ được công nhận tại các quốc gia thành viên Công ước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của hòa giải thương mại của Việt Nam.
Thứ ba, việc tham gia Công ước giúp thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại Việt Nam, từng bước đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế. Qua đó góp phần tăng cường giao lưu thương mại quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.[2]
b) Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi như trên thì việc Việt Nam tham gia Công ước ngay tại thời điểm này sẽ có những khó khăn, thách thức, trong đó phải kế đến những khó khăn chính như sau:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý trong nước, pháp luật Việt Nam vẫn còn khoảng trống và có một số điểm khác biệt so với quy định của Công ước. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án Việt Nam chỉ công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên, tổ chức hòa giải được đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, mà chưa có quy định về việc công nhận thoả thuận giải quyết tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước do hòa giải viên nước ngoài, tổ chức hòa giải ở nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (không phải tòa án), nên thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên nước ngoài, tổ chức hòa giải ở nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam thực hiện không thuộc loại được công nhận và cho thi hành. Do vậy cần có thời gian, nguồn lực để nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật trong nước.
Thứ hai, về thực tiễn trong nước, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP – cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động hoà giải thương mại mới có hiệu lực 02 năm, nên chưa có đủ thời gian đánh giá về khó khăn, thuận lợi từ thực tiễn thi hành Nghị định cũng như hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, Công ước là vấn đề mới, các nước vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về giá trị pháp lý của thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Vì vậy, cần có thời gian theo dõi, đánh giá kinh nghiệm quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thể chế, nguồn lực để thực thi hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc Việt Nam tham gia Công ước New York khi điều kiện trong nước chưa sẵn sàng dẫn đến việc thực thi chưa thực sự hiệu quả.[3]
Có thể thấy rằng, Công ước là một cơ chế pháp lý quốc tế tốt, góp phần thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hòa giải. Việc tham gia Công ước hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải. Đây cũng là một văn bản có giá trị tham khảo quan trọng trong bối cảnh Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 năm 2019 và dự kiến thông qua vào tháng 5 năm 2020.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, các điều kiện trong nước của Việt Nam cả về mặt thể chế pháp luật, nguồn lực và kinh nghiệm thực tiễn chưa đáp ứng đầy đủ để tham gia ký Công ước ngay và khó có thể thực thi hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước đối với Việt Nam, theo dõi mức độ quan tâm của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới,[4] để từ đó đề xuất Việt Nam tham gia Công ước vào thời điểm thích hợp./.
[1] Xem bản tiếng Anh tại: https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/EN/Texts/UNCITRAL/Arbitration/mediation_convention_v1900316_eng.pdf
[2] Xem Báo cáo số 169/BC-BTP ngày 27/6/2019 của Bộ Tư pháp về kết quả nghiên cứu sơ bộ Công ước Liên hợp quốc về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải.
[3] Như trên.
[4] Lễ ký kết ngày 07/8/2019 tại Singapore có sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu, trong đó có Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong và Tổng thư ký các vấn đề luật pháp của LHQ Stephen Mathias. Tại buổi Lễ, 46 nước thành viên Liên hợp quốc đã ký kết Công ước, bao gồm các quốc gia có nền thương mại phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
2 Bình luận
Góp ý
21:31 17/09.2024Trả lời
Nhân
21:31 17/09.2024Trả lời