Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và khả năng Việt Nam gia nhập Công ước này

Công ước thu thập chứng cứ (CƯTTCC) được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực từ ngày 7/10/1972. CƯTTCC hướng tới việc xác lập được nhiều cách thức hợp tác TTCC để giải quyết các tranh chấp dân sự hoặc thương mại tại cơ quan tư pháp/Tòa án các nước thành viên Công ước (TVCƯ)

Bài 1:

Hội nghị La Hay và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại 

1. Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế

Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế  được thành lập từ năm 1893. Đến năm 1955 Hội nghị La Hay thông qua Hiến chương của Hội nghị và trở thành một tổ chức quốc tế liên chính phủ độc lập. Trụ sở của tổ chức này đặt tại La Hay, Vương quốc Hà Lan. Hiện tại, Hội nghị La Hay có 83 thành viên, trong đó gồm 82 nước và 01 tổ chức quốc tế (Liên minh châu Âu – EU)[2]. Trong Cộng đồng ASEAN, chỉ có Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po là thành viên của Hội nghị La Hay.

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội nghị La Hay gồm có: Hội đồng Thường vụ và Chính sách, Văn phòng thường trực, các kỳ họp và Ủy ban đặc biệt.

Mục đích hoạt động của Hội nghị La Hay là nhằm tiến tới thống nhất các nguyên tắc trong tư pháp quốc tế giữa các quốc gia trên thế giới. Tư pháp quốc tế trước hết là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật quốc gia trên các lĩnh vực, bao gồm nhưng không giới hạn bởi:

(1) Thẩm quyền xét xử quốc tế của Tòa án quốc gia đối với các vụ việc dân sự hoặc thương mại có yếu tố nước ngoài;

(2) Lựa chọn luật áp dụng trong việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự hoặc thương mại;

(3) Công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài.

Trong thời gian 125 năm qua, bên cạnh Hiến chương của Hội nghị, Hội nghị đã thông qua được 39 Công ước quốc tế, tập trung vào các chủ đề quan trọng của tư pháp quốc tế: (1) Luật áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau (19 Công ước); (2) Thủ tục tố tụng dân sự, tống đạt giấy tờ tư pháp ra nước ngoài, TTCC (TTCC) ở nước ngoài (3 Công ước); (3) Công nhận và cho thi hành quyết định; bản án của tòa án nước ngoài (6 Công ước); Thỏa thuận lựa chọn Tòa án (2 Công ước). Nếu xét trên phương diện hài hóa pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em có yếu tố quốc tế thì có tới 12 Công ước được Hội nghị ban hành để điều chỉnh vấn đề này. Ngoài ra, còn có các công ước khác điều chỉnh một số nội dung liên quan đến di chúc, miễn hợp pháp hóa giấy tờ công của nước ngoài… là những công ước hết sức quan trọng, tác động lớn đến quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại và hoạt động của Tòa án nhiều nước.

1.2. Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (CƯTTCC)  

CƯTTCC được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực từ ngày 7/10/1972.

CƯTTCC thay thế các quy định từ Điều 8 đến Điều 16 của Công ước về tố tụng dân sự năm 1905 (sửa đổi, bổ sung năm 1954).

CƯTTCC có 03 chương với 42 điều. Chương I (từ Điều 1 đến Điều 14) quy định về Văn bản yêu cầu ủy thác tư pháp TTCC; Chương II (từ Điều 15 đến Điều 22) quy định về việc TTCC của viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và người được bổ nhiệm/ủy quyền TTCC; Chương III (từ Điều 23 đến Điều 42) là những quy định chung của Công ước. 

1.2.1. Mục đích ban hành, phạm vi áp dụng của Công ước

CƯTTCC hướng tới việc xác lập được nhiều cách thức hợp tác TTCC để giải quyết các tranh chấp dân sự hoặc thương mại tại cơ quan tư pháp/Tòa án các nước thành viên Công ước (TVCƯ). Công ước quy định nhiều phương thức để hài hòa hóa sự khác nhau giữa pháp luật dân sự (civil law) và thông luật (common law) về TTCC; theo đó, các nước theo hệ thống pháp luật dân sự thì việc TTCC chủ yếu do Tòa án tiến hành trong khi tại các nước thông luật thì nghĩa vụ TTCC thuộc về đương sự.

CƯTTCC chỉ được áp dụng đối với các TVCƯ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Công ước không tự động có hiệu lực giữa hai nước thành viên nếu một nước thành viên phản đối việc gia nhập Công ước của nước thành viên còn lại.

 1.2.2. Các phương thức TTCC

Công ước quy định hai phương thức TTCC: (1) TTCC bằng văn bản yêu cầu (quy định tại Chương I của Công ước) và (2) TTCC bởi viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được bổ nhiệm/ủy quyền (Chương II của Công ước).

 1.2.2.1. TTCC bằng văn bản yêu cầu

a) Khái niệm “dân sự hoặc thương mại” trong mục đích TTCC

Điều 1 CƯTTCC cho phép khi giải quyết vụ án liên quan đến lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, cơ quan tư pháp của một nước TVCƯ có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên khác (của Công ước này) tiến hành TTCC hoặc “Thực hiện một số hoạt động tố tụng”. Việc TTCC chỉ được thực hiện theo yêu cầu TTCC bằng văn bản nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây: (1) Văn bản yêu cầu TTCC phải do cơ quan tư pháp/tòa án của một nước TVCƯ ban hành để yêu cầu TTCC hoặc thực hiện một số hoạt động tố tụng trên lãnh thổ nước TVCƯ khác; (2) Yêu cầu đó liên quan đến vụ việc dân sự hoặc thương mại; (3) Yêu cầu đó nhằm có được chứng cứ để giải quyết vụ việc tại Tòa án trong các trường hợp Tòa án đang giải quyết vụ việc; Tòa án đã thụ lý vụ việc và đơn khởi kiện sẽ được nộp tại Tòa án.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Công ước này áp dụng cho việc TTCC và chỉ liên quan trực tiếp đến vấn đề dân sự hoặc thương mại. Tuy nhiên, Công ước không đưa ra định nghĩa hoặc giải thích thế nào là “dân sự hoặc thương mại”. Vì vậy, các nước thành viên có xu hướng giải thích khác nhau khái niệm “dân sự hoặc thương mại”.

Để hỗ trợ các nước TVCƯ, Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay tại phiên họp năm 2014 đã hướng dẫn giải thích khái niệm “dân sự hoặc thương mại” theo hướng sau đây:

– Khái niệm “dân sự hoặc thương mại” nên được giải thích theo hướng độc lập, không dựa trên pháp luật nước yêu cầu TTCC hoặc pháp luật nước được yêu cầu TTCC. Cùng với đó, khái niệm này cũng cần được giải thích theo một phạm vi rộng, bởi lẽ Công ước không có bất kỳ một quy định nào hạn chế hoặc không áp dụng đối với những trường hợp cụ thể được coi là không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Vì vậy, khi xác định phạm vi “dân sự hoặc thương mại” của yêu cầu TTCC thì cần căn cứ vào bản chất quan hệ pháp luật phát sinh vụ kiện hơn là căn cứ vào chủ thể đưa ra yêu cầu TTCC (đương sự, cơ quan tư pháp/tòa án cụ thể đưa ra yêu cầu).

–  Khái niệm “dân sự hoặc thương mại” nên được giải thích tương tự như khi giải thích về khái niệm này trong Công ước tống đạt giấy tờ (CƯTĐGT) năm 1965.

– Các quan hệ pháp luật sau đây được nhiều nước TVCƯ chấp nhận là quan hệ pháp luật dân sự hoặc thương mại: phá sản hoặc giải thể doanh nghiệp; bảo hiểm; hợp đồng lao động; bảo vệ người tiêu dùng; hôn nhân và gia đình, hộ tịch; hạn chế độc quyền, cạnh tranh không công bằng, sở hữu trí tuệ.

– Quan hệ pháp luật hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này. Tuy nhiên, nhiều nước TVCƯ chấp nhận yêu cầu TTCC để giải quyết vụ kiện dân sự của cá nhân đòi bồi thường thiệt hại xuất phát từ trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, đa số các nước không chấp nhận yêu cầu TTCC liên quan đến tài sản phạm tội mà có trong vụ án hình sự là yêu cầu về “dân sự hoặc thương mại”.

– Đối với các quan hệ pháp luật về thuế, hải quan, an sinh xã hội, chứng khoán, tồn tại hai quan điểm khác nhau giữa các nước TVCƯ; theo đó, một loại quan điểm cho rằng các quan hệ pháp luật nêu trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước; ngược lại, loại quan điểm còn lại cho rằng không phải là quan hệ pháp luật “dân sự hoặc thương mại”. Về vấn đề này, Ủy ban thường trực Hội nghị La Hay cho rằng các nước thành viên của Công ước nên cố gắng áp dụng Công ước đến mức cao nhất có thể để giải quyết. Trong trường hợp nước thành viên được yêu cầu TTCC cho rằng các quan hệ pháp luật này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước thì nên thông báo cho nước yêu cầu TTCC về các phương thức TTCC khác đang được áp dụng cũng như khả năng giải quyết bằng đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về tố tụng hành chính, hình sự, hải quan và thuế.

Cùng với đó, CƯTTCC cũng không định nghĩa thế nào là yêu cầu “Thực hiện một số hoạt động tố tụng”. Thay vào đó, tại đoạn 3 Điều 1, CƯTTCC quy định yêu cầu tống đạt văn bản tư pháp hoặc ngoài tư pháp hoặc yêu cầu thực hiện các hoạt động để bảo đảm cho tiến trình thực thi hoặc công nhận bản án, quyết định của Tòa án cũng như các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải là yêu cầu “thực hiện một số hoạt động tố tụng” quy định tại đoạn 1 Điều 1 Công ước. Quy định này được xây dựng để nhằm hạn chế việc áp dụng không đúng quy định của Công ước; theo đó, việc tống đạt văn bản tư pháp và ngoài tư pháp cần được thực hiện theo quy định của CƯTĐGT cũng như các yêu cầu nhằm thực hiện việc công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài phải thực hiện theo quy định của Công ước La Hay công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài.

Cũng cần phải lưu ý rằng “một số hoạt động tố tụng” quy định tại đoạn 1 Điều 1 Công ước phải là hoạt động thực hiện thẩm quyền của Tòa án. Do đó, yêu cầu TTCC để phục vụ hoạt động hòa giải, thương lượng ngoài Tòa án sẽ không được coi là “thực hiện một số hoạt động tố tụng” quy định tại đoạn 1 Điều 1 Công ước và sẽ bị nước được yêu cầu từ chối thực hiện theo quy định tại Điều 12 (a) Công ước.

Ngoài ra, đoạn 2 Điều 1 của Công ước nghiêm cấm việc sử dụng văn bản yêu cầu thu thập chứng để thu thập những chứng cứ mà những chứng cứ đó không phục vụ một trong các trường hợp sau đây: (1) Vụ việc đang được Tòa án giải quyết; (2) Vụ việc đã được Tòa án thụ lý; (3) Đơn khởi kiện sẽ được nộp tại Tòa án.

Quy định này của Công ước được đặt ra nhằm ngăn chặn việc TTCC để sử dụng cho mục đích khác với mục đích giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Trên thực tế, quy định “đơn khởi kiện sẽ được nộp tại Tòa án” tại đoạn 2 Điều 1 của Công ước được xây dựng để “công ước hóa” một thủ tục tố tụng “Perpetuation of testimony” thường có trong tố tụng dân sự của các nước thông luật; theo đó, thủ tục này nhằm giải quyết trường hợp cần phải thu thập lời khai của những người mà trong tương lai người này khó có khả năng xuất hiện trước Tòa án trong một vụ kiện cụ thể.

b) Thực hiện yêu cầu TTCC

Để thực hiện việc nhận văn bản yêu cầu TTCC, Điều 2 của Công ước yêu cầu mỗi nước TVCƯ chỉ định một cơ quan trung ương có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu đó và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền trong nước để thực hiện. Việc chỉ định cơ quan trung ương có thẩm quyền tiếp nhận văn bản yêu cầu TTCC được thực hiện theo quy định nội luật của từng nước TVCƯ. Văn bản yêu cầu TTCC được gửi trực tiếp đến cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước được yêu cầu TTCC. Tuy nhiên, Công ước không quy định cách thức gửi yêu cầu TTCC. Trên thực tiễn, yêu cầu này thường được gửi bằng hình thức dịch vụ bưu chính bảo đảm do hệ thống bưu chính quốc gia hoặc các công ty bưu chính tư nhân cung cấp. Một số nước chấp nhận việc gửi yêu cầu TTCC bằng email và/hoặc bằng fax trong khi nước khác chỉ chấp nhận việc gửi văn bản này bằng phương thức điện tử nếu sau đó văn bản phải được gửi chính thức bằng đường bưu chính.

Sau khi chấp nhận yêu cầu TTCC, theo quy định tại Điều 9 của Công ước, yêu cầu đó sẽ được thực hiện bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền được quy định trong luật pháp nước được yêu cầu TTCC. Tại đa số các nước, yêu cầu TTCC được thẩm phán, quan tòa (magistrate) hoặc nhân viên tòa án thực hiện. Trong khi đó, tại một số nước thuộc hệ thống thông luật thì yêu cầu TTCC được tiến hành bởi người được Tòa án bổ nhiệm/ủy quyền. Bởi lẽ, tại các nước này, Tòa án không có thẩm quyền TTCC; chứng cứ phải do đương sự và người đại diện của họ cung cấp cho Tòa án. Cùng với đó, Điều 9 và Điều 10 Công ước quy định việc TTCC được tiến hành theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu. Theo đó, việc TTCC được tiến hành theo các phương pháp, trình tự, thủ tục được áp dụng như trong các vụ án không có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại nước được yêu cầu TTCC. Tuy nhiên, Công ước cũng quy định việc thực hiện TTCC theo phương pháp hoặc thủ tục đặc biệt có thể được chấp nhận, trừ trường hợp trái quy định của luật nước được yêu cầu hoặc không thể thực hiện được vì lý do thực tiễn thi hành và thủ tục thực hiện hoặc vì lý do khó khăn phát sinh từ thực tiễn.

c) Sự có mặt của các đương sự, người đại diện của các đương sự, nhân viên Tòa án nước yêu cầu TTCC

Về vấn đề này, Công ước có các quy định cho phép sự có mặt của đương sự, người đại diện của các đương sự, nhân viên Tòa án tại nơi thực hiện TTCC. Cụ thể, Điều 7 Công ước quy định nước yêu cầu TTCC có quyền yêu cầu nước được yêu cầu TTCC cho phép các đương sự, người đại diện của họ, nhân viên Tòa án nước yêu cầu có mặt tại địa điểm TTCC. Yêu cầu này cần ghi rõ trong Văn bản yêu cầu TTCC. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu TTCC phải được thông báo thời gian, địa điểm nơi thực hiện việc TTCC để bảo đảm các đương sự và người đại diện của họ (nếu có) có thể có mặt. Thông tin về thời gian, địa điểm nói trên cũng cần được gửi trực tiếp cho các đương sự và người đại diện của họ (nếu có) theo đề nghị của nước yêu cầu TTCC. Tuy nhiên, Công ước cũng quy định bất kỳ nước thành viên nào của Công ước này cũng có thể đưa ra tuyên bố rằng các nhân viên của Tòa án nước yêu cầu TTCC chỉ có thể có mặt tại địa điểm thực hiện việc TTCC nếu có sự chấp thuận trước của cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên đưa ra tuyên bố nêu trên.

d) Từ chối cung cấp chứng cứ, từ chối thực hiện yêu cầu TTCC

Để bảo vệ quyền của cá nhân được yêu cầu cung cấp chứng cứ, Công ước có quy định cho phép người này từ chối thực hiện yêu cầu TTCC. Điều 11 Công ước quy định việc từ chối có thể phát sinh trong các trường hợp người được yêu cầu cung cấp chứng cứ có đặc quyền miễn trừ hoặc có nghĩa vụ phải từ chối theo quy định của luật nước thực hiện yêu cầu TTCC hoặc theo luật của nước yêu cầu TTCC và đặc quyền miễn trừ hoặc nghĩa vụ từ chối được nêu rõ trong văn bản yêu cầu TTCC hoặc được xác nhận bởi nước yêu cầu theo đề nghị của nước được yêu cầu TTCC.

Công ước cũng đặt ra một số điều kiện về việc nước được yêu cầu TTCC có quyền từ chối thực hiện yêu cầu TTCC. Điều 12 Công ước quy định yêu cầu TTCC có thể bị từ chối thực hiện nếu việc thực hiện TTCC đó không thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp/Tòa án hoặc nước được yêu cầu thu thấp chứng cứ cho rằng việc thực hiện yêu cầu có thể xâm phạm đến chủ quyền hoặc an ninh quốc gia nước đó. Tuy nhiên, Công ước cũng quy định nước được yêu cầu TTCC không được từ chối thực hiện nếu chỉ dựa vào lý do duy nhất là theo quy định nội luật của nước đó thì vụ kiện thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước đó hoặc pháp luật của nước đó không thừa nhận quyền khởi kiện của đương sự tại Tòa án nước ngoài đối với vụ án đó.

Bên cạnh đó, Điều 23 Công ước cũng có quy định về việc một nước thành viên khi ký, phê chuẩn, gia nhập Công ước này có thể tuyên bố về việc nước đó sẽ không thực hiện yêu cầu TTCC của nước khác nếu xét thấy mục đích của yêu cầu đó là để thu thập các tài liệu, văn bản phát sinh từ “Thủ tục tố tụng tìm kiếm chứng cứ trước khi mở phiên tòa” tại các nước thông luật để giải quyết vụ kiện.

đ) Chi phí thực hiện TTCC

Đối với vấn đề chi phí TTCC, Điều 14 Công ước quy định nước được yêu cầu sẽ không thu chi phí, kể cả tiền thuế phát sinh từ chi phí TTCC. Tuy nhiên, nước được yêu cầu TTCC có quyền yêu cầu nước yêu cầu TTCC phải thanh toán lại các chi phí đã trả cho chuyên gia và phiên dịch cũng như chi phí thực hiện TTCC theo thủ tục đặc biệt mà nước gửi yêu cầu TTCC đề nghị.

Điều 14 Công ước cũng quy định trong trường hợp theo pháp luật nước được yêu cầu TTCC mà đương sự có nghĩa vụ TTCC để cung cấp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu TTCC không có khả năng tự mình thực hiện yêu cầu đó thì với sự đồng ý trước của nước yêu cầu, nước được yêu cầu sẽ bổ nhiệm/ủy quyền việc TTCC cho cá nhân phù hợp để thực hiện. Khi hỏi nước yêu cầu về việc TTCC theo cách này, nước được yêu cầu sẽ thông báo luôn về dự tính chi phí TTCC. Nếu nước yêu cầu đồng ý với cách thức TTCC thông qua việc bổ nhiệm/ủy quyền cho cá nhân phù hợp thì nước này phải thanh toán chi phí. Ngược lại, nếu nước yêu cầu không đồng ý thì không có nghĩa vụ thanh toán chi phí TTCC.

Song song với đó, Điều 26 Công ước cũng quy định một thành viên của Công ước mà theo quy định của nước đó, có thể yêu cầu nước đã đề nghị TTCC phải hoàn trả các chi phí liên quan đến thực hiện yêu cầu TTCC, chi phí cho thực hiện các thủ tục cần thiết để bảo đảm sự có mặt của người cung cấp chứng cứ, chi phí để người này có mặt (chi phí ăn ở đi lại…) và chi phí trích xuất chứng cứ dưới dạng văn bản.

1.2.2.2. TTCC do viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được bổ nhiệm/ủy quyền tiến hành

 Bên cạnh phương thức TTCC bằng văn bản yêu cầu, phương thức TTCC khác được quy định trong Công ước là phương thức TTCC bởi viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được bổ nhiệm/ủy quyền thực hiện nhiệm vụ này. Phương thức này được quy định tại Chương II của Công ước.

Điều 15 Công ước quy định để hỗ trợ hoạt động tố tụng của tòa án trong nước, viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của nước TVCƯ này tại nước TVCƯ khác được quyền tiến hành TTCC từ công dân của nước mình với điều kiện việc TTCC đó phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn mà viên chức đó được giao và được tiến hành trong phạm vi khu vực lãnh sự đã thỏa thuận với nước TVCƯ tiếp nhận.

Tuy nhiên, Điều 15 Công ước cũng quy định việc TTCC nêu trên chỉ được thực hiện nếu có sự chấp thuận của nước TVCƯ nơi viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của nước TVCƯ khác thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự của mình. Cụ thể, Điều 15 Công ước cho phép bất kỳ nước TVCƯ có thể đưa ra tuyên bố việc TTCC của viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của nước TVCƯ khác phải có sự đồng ý trước của cơ quan có thẩm quyền của nước này (nước đưa ra tuyên bố).

Bên cạnh đó, Điều 16 Công ước cũng quy định để hỗ trợ hoạt động tố tụng của tòa án trong nước, viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của một nước TVCƯ này thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự của mình tại một nước TVCƯ khác hoặc kiêm nhiệm nước thứ ba, được quyền tiến hành TTCC từ công dân nước tiếp nhận hoặc công dân nước thứ ba nếu đáp ứng được điều kiện sau đây:

(1) Việc TTCC đó phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn mà viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự đó được giao và được tiến hành trong phạm vi khu vực lãnh sự đã thỏa thuận với nước TVCƯ tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm;

(2) Cơ quan có thẩm quyền của nước TVCƯ nơi viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự nêu trên làm việc đã đồng ý để viên chức này thực hiện việc TTCC theo nguyên tắc chung hoặc giới hạn trong phạm vi từng vụ việc cụ thể;

(3) Viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự đó tuân thủ các điều kiện được nêu trong văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền nước TVCƯ nơi viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự làm việc.

Tuy nhiên, Điều 16 của Công ước cũng cho phép các nước thành viên tuyên bố việc TTCC quy định tại Điều này có thể được tiến hành mà không cần sự đồng ý của nước thành viên đưa ra tuyên bố (nước nơi việc TTCC được tiến hành).

Bên cạnh quy định về việc TTCC do viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao thực hiện, Điều 17 Công ước cũng cho phép việc TTCC có thể được tiến hành bởi người được bổ nhiệm/ủy quyền. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu TTCC có quyền bổ nhiệm/ủy quyền cho một cá nhân cụ thể mà cơ quan đó cho là phù hợp để tiến hành việc TTCC trên lãnh thổ nước được yêu cầu TTCC.

Công ước quy định người được bổ nhiệm/ủy quyền thực hiện nhiệm vụ TTCC để phục vụ hoạt động tố tụng tại Tòa án của một nước thành viên, có thể thực hiện việc TTCC với phương thức không ép buộc, trên lãnh thổ nước thành viên khác nếu:

(1) Cơ quan có thẩm quyền của nước TVCƯ nơi việc TTCC được tiến hành đã đồng ý để người này thực hiện việc TTCC theo nguyên tắc chung hoặc giới hạn trong phạm vi từng vụ việc cụ thể;

(2) Người này tuân thủ các điều kiện được nêu trong văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền nước TVCƯ nơi tiến hành TTCC.

Tương tự Điều 16, Điều 17 Công ước cũng cho phép các nước thành viên tuyên bố việc TTCC quy định tại Điều này có thể được tiến hành mà không cần sự đồng ý trước của nước thành viên đưa ra tuyên bố (nước nơi việc TTCC được tiến hành).

Cũng cần lưu ý rằng về nguyên tắc thì CƯTTCC chỉ cho phép viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, người được bổ nhiệm/ủy quyền tiến hành TTCC trên cơ sở tự nguyện của người cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của việc TTCC, Công ước cũng cho phép việc thực hiện TTCC tương tự như quy định pháp luật của nước nơi TTCC. Trên tinh thần đó, Điều 18 Công ước quy định cho phép các nước TVCƯ đưa ra tuyên bố về việc viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được bổ nhiệm/ủy quyền quy định tại các điều 15,16 và 17 của Công ước này có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận (nước đưa ra tuyên bố) có sự hỗ trợ cần thiết để có được chứng cứ bằng phương thức bắt buộc. Nước đưa ra tuyên bố này có thể nêu rõ các điều kiện để có được sự trợ giúp phù hợp nhất. Nếu nước đưa ra tuyên bố như vậy và trên thực tế đã chấp thuận đề nghị trợ giúp thì cơ quan có thẩm quyền của nước này phải áp dụng mọi biện pháp bắt buộc phù hợp và được quy định trong nội luật để thực hiện.

Khi đưa ra sự chấp thuận cho việc TTCC theo quy định tại Điều 15, 16 hoặc Điều 17 hoặc đồng ý cung cấp sự trợ giúp theo quy định tại Điều 18, Công ước cũng cho phép nước đưa ra sự chấp thuận, trợ giúp nêu rõ các điều kiện mà nước đó cho là phù hợp, bao gồm điều kiện về thời gian, địa điểm thực hiện việc TTCC; việc phải thông báo trước trong thời hạn hợp lý về thời gian, địa điểm thực hiện TTCC, người đại diện của đương sự hoặc của cơ quan có thẩm quyền được quyền có mặt khi thực hiện TTCC (Điều 19 và Điều 20 Công ước).

Khi viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự hoặc người được ủy quyền/bổ nhiệm làm nhiệm vụ TTCC theo quy định tại các điều 15, 16 hoặc 17 của Công ước, người này có thể thu thập tất cả các loại chứng cứ, miễn là các chứng cứ đó không được trái với quy định của pháp luật nước nơi chứng cứ được thu thập hoặc không được trái với bất kỳ sự chấp thuận/đồng ý được quy định tại các điều 15, 16 và 17 nêu trên; đồng thời người này cần phải có thẩm quyền để yêu cầu thu thập bằng chứng thông qua lấy lời khai có tuyên thệ hoặc cam đoan bằng văn bản. Cùng với đó, trong văn bản yêu cầu cung cấp chứng cứ phải nêu rõ người được yêu cầu cung cấp chứng cứ có quyền nhờ người khác đại diện để thực hiện và nếu văn bản này được đưa ra tại bất kỳ nước nào không đưa ra tuyên bố theo quy định tại Điều 18, trong văn bản đó phải nêu rõ người đề nghị được cung cấp chứng cứ không bắt buộc phải cung cấp chứng cứ hoặc phải có mặt tại tòa án nước yêu cầu. Trong trường hợp việc TTCC theo quy định tại Chương II Công ước này không thành công với lý do người được yêu cầu từ chối cung cấp chứng cứ thì việc TTCC có thể tiếp tục được thực hiện theo quy định của Chương I Công ước này (Điều 21 và 22 Công ước).

Mối quan hệ giữa CƯTTCC với Công ước tống đạt giấy tờ (CƯTĐGT)

CƯTTCC và CƯTĐGT bao quát hai nội dung quan trọng nhất của việc giải quyết vụ kiện tại Tòa án: tống đạt văn bản của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Do đó, phạm vi điều chỉnh của mỗi Công ước là độc lập với nhau, không thể thay thế lẫn nhau; không thể sử dụng quy định của CƯTĐGT để yêu cầu thu thập chứng cứ ở nước ngoài cũng như không được sử dụng CƯTTCC để tống đạt cho đương sự ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, rất khó khăn cho việc phân biệt và áp dụng Công ước nào để thực hiện hoặc từ chối thực hiện. Đề giải quyết tình trạng này, Ủy ban Thường trực Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế đưa ra khuyến nghị về mối liên hệ giữa hai công ước này như sau:

– Ghi nhận thực tế rằng theo pháp luật trong nước, Tòa án của một nước có thể ban hành lệnh để yêu cầu đương sự ở nước ngoài phải trả lời về việc kiện của nguyên đơn hoặc người làm chứng phải cung cấp lời khai cho Tòa án hoặc phải có mặt tại Tòa án để cung cấp lời khai hoặc yêu cầu đương sự phải cung cấp tài liệu, giấy tờ mà họ đang lưu giữ, quản lý cho Tòa án. Nếu đương sự hoặc người làm chứng không thực hiện các lệnh đó, họ có thể bị Tòa án nước yêu cầu cung cấp lời khai, tài liệu áp dụng các biện pháp chế tài đã được quy định trong nội luật nước đó, bao gồm tội coi thường tòa án. Như vậy, xét trên phương diện những lệnh này là giấy tờ của cơ quan tư pháp/tòa án và pháp luật trong nước nơi Tòa án giải quyết vụ kiện có quy định các lệnh này cần phải được gửi ra nước ngoài cho đương sự hoặc người làm chứng thì Công ước tống đạt giấy tờ có thể được áp dụng để thực hiện việc tống đạt giấy tờ đó[3].

– Ghi nhận thực tế rằng việc Tòa án ban hành các lệnh nêu trên không nhằm mục đích yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện việc thu thập chứng cứ (lấy lời khai hoặc thu thập văn bản, tài liệu từ đương sự hoặc người làm chứng) nên các quy định tại Chương I của CƯTTCC (Yêu cầu thu thập chứng cứ bằng văn bản) không được áp dụng[4].

– Ghi nhận thực tế rằng trong trường hợp văn bản của Tòa án gửi ra nước ngoài cho người thứ ba (người làm chứng), rất khó phân biệt để áp dụng CƯTTCC hay CƯTĐGT. Do đó, trong trường hợp này, CƯTTCC sẽ được ưu tiên áp dụng vì việc áp dụng Công ước này bảo đảm quyền được bảo vệ của người làm chứng.

– Ghi nhận thực tế rằng theo pháp luật của một số nước thì việc tống đạt lệnh của Tòa án nước ngoài cho đương sự hoặc người làm chứng trên lãnh thổ của nước đó là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Do đó, theo quy định tại Điều 13 của CƯTĐGT, nước được yêu cầu tống đạt lệnh của Tòa án nước ngoài có thể từ chối thực hiện với lý do việc thực hiện tống đạt sẽ vi phạm chủ quyền quốc gia của nước đó.[5]

– Văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ có thể được sử dụng để xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài. Trong trường hợp xác định được địa chỉ thì thông tin này sẽ được sử dụng để Tòa án nước ngoài tống đạt văn bản cho đương sự đó theo quy định của CƯTĐGT.

Như vậy, từ mối quan hệ giữa hai CƯTĐGT và CƯTTCC, sẽ thuận lợi nhất cho một nước là nước đó cần phải gia nhập cả hai Công ước này. Nếu chỉ tham gia một trong hai công ước thì nước đó phải thực hiện việc tống đạt hoặc thu thập chứng cứ theo hai phương thức khác nhau. Cụ thể, nếu chỉ tham gia CƯTTCC hoặc CƯTĐGT thì việc tống đạt văn bản của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài hoặc thu thập chứng cứ phải thực hiện theo điều ước quốc tế song phương hoặc theo con đường ngoại giao[6].

(Còn nữa…)

[1] Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao; Đỗ Ngọc Thanh, Giảng viên, Học viện Tài chính.

[2] Số lượng các thành viên Hội nghị La Hay: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/?cid=29.

[ 3] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254

[4] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254

[5] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254.

[6] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 152, 153,154.

 

LÊ MẠNH HÙNG và ĐỖ NGỌC THANH [1]