Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài ... (Tiếp theo)

CƯTTCC được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực từ ngày 7/10/1972. CƯTTCC hướng tới việc xác lập được nhiều cách thức hợp tác TTCC để giải quyết các tranh chấp dân sự hoặc thương mại tại cơ quan tư pháp/ Tòa án các nước thành viên Công ước (TVCƯ)

3. Sự cần thiết và khả năng Việt Nam gia nhập CƯTTCC

3.1. Khái quát tình hình yêu cầu và kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự trong một số năm gần đây 

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 17 điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp về dân sự. Trong các hiệp định này đều có quy định Việt Nam và nước thành viên hỗ trợ cho nhau việc TTCC trên lãnh thổ của nước được yêu cầu. Bên cạnh đó, từ tháng 10 năm 2016, Việt Nam trở thành thành viên của CƯTĐGT.

Vì vậy, từ trước đến nay, các Tòa án Việt Nam muốn TTCC ở các nước TVCƯ TTCC thì phải thực hiện theo con đường ngoại giao hoặc theo Hiệp định tương trợ tư pháp song phương mà Việt Nam là thành viên nếu nước được yêu cầu TTCC là một trong các nước: Nga, Pháp, U-crai-na, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ba Lan, Séc và Xlô-va-ki-a, Trung Quốc. Đây là những nước cùng với Việt Nam là thành viên Hiệp định tương trợ tư pháp; đồng thời những nước này cũng là thành viên của CƯTTCC.

Thực tiễn giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam từ nhiều năm nay cho thấy cả việc tống đạt văn bản tố tụng và TTCC theo con đường ngoại giao đều mất nhiều thời gian tố tụng, ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Theo số liệu thống kê chính thức của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), trong thời gian 6 năm (2013-2018) Tòa án thông qua Bộ Tư pháp đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Bộ Ngoại giao 17.154 hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp tống đạt văn bản tố tụng và TTCC. Trong số đó, đa phần là các hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp để yêu cầu nước ngoài thực hiện theo con đường ngoại giao. Số hồ sơ yêu cầu ủy thác còn lại được gửi đến một số nước thành viên Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ba Lan, Séc và Xlô-va-ki-a, Lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, chỉ có 9.532/17.154 yêu cầu được thực hiện; số hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp không được thực hiện là 7.622, chiếm 44,43% tổng số yêu cầu gửi ra nước ngoài. Điều đáng quan tâm là đa số những hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp không được thực hiện đều là những hồ sơ yêu cầu thực hiện theo đường ngoại giao theo nguyên tắc có đi có lại.

 Bảng 1. Số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài và kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam giai đoạn 2013-2018

NĂM 2013 2014 2015 2016 2017 2018
SỐ LƯỢNG YÊU CẦU ỦY THÁC TƯ PHÁP 3377 3360 3149 3338 1861 2069
SỐ LƯỢNG YÊU CẦU ĐƯỢC THỰC HIỆN 1710 1793 2126 1890 855 1158
TỔNG CỘNG SỐ LƯỢNG YÊU CẦU ĐƯỢC THỰC HIỆN 9.532

Cũng trong thời gian từ 2013 đến 2018, Tòa án Việt Nam nhận được 4.910 yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài.  Các yêu cầu này chủ yếu là của các nước chưa cùng với Việt Nam là thành viên Hiệp định tương trợ tư pháp, CƯTĐGT. Trong đó, Tòa án Việt Nam đã thực hiện được 2592/4.910 yêu cầu ủy thác tư pháp.

Bảng số 2. Số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam và kết quả thực hiện yêu cầu giai đoạn 2013-2018

NĂM 2013 2014 2015 2016 2017 2018
SỐ LƯỢNG YÊU CẦU CỦA NƯỚC NGOÀI 872 825 805 666 753 989
SỐ LƯỢNG YÊU CẦU ĐƯỢC THỰC HIỆN 405 414 460 284 439 590
TỔNG CỘNG SỐ LƯỢNG YÊU CẦU ĐƯỢC THỰC HIỆN 2592

Với thực tiễn yêu cầu và kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài như trên, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; trong đó phần quy định về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể mà Tòa án không nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong nước. Giải pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với quy định về cho phép Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài quy định tại CƯTĐGT mà Việt Nam là thành viên từ năm 2016.

Qua tổng kết thực tiễn, chúng tôi thấy rằng việc TTCC, có được chứng cứ thông qua việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài vẫn hết sức cần thiết cho việc giải quyết khách quan, toàn diện, công minh, đúng pháp luật của Tòa án Việt Nam đối với các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có đương sự ở nước ngoài. Do đó, với ước tính trung bình hàng năm Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao giải quyết khoảng 3500 vụ án có đương sự ở nước ngoài thì Tòa án cũng phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài để TTCC. Như đã nêu ở trên, các yêu cầu TTCC đa phần được Tòa án đề nghị thực hiện theo con đường ngoại giao vì đa số những nước này đều là thành viên của CƯTTCC; trong khi đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước này. Điều này dẫn đến việc Tòa án phải lựa chọn giải pháp tình thế là gửi kèm trong hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng cả yêu cầu đương sự ở nước ngoài tự trả lời về những vấn đề mà đương sự trong nước đề cập trong đơn khởi kiện và gửi lại cho Tòa án Việt Nam. Hiện nay, đây là cách thức mà Tòa án áp dụng khi gửi yêu cầu ủy thác tư pháp đến các nước TVCƯ tống đạt giấy tờ. Tuy nhiên, đã có một số nước TVCƯ này như Hoa Kỳ, Nhật Bản có ý kiến không đồng ý với cách thức Tòa án Việt Nam gửi kèm yêu cầu đương sự tự trả lời như trên. Do đó, Tòa án Việt Nam khi gửi yêu cầu ủy thác tư pháp đến Hoa Kỳ, Nhật Bản phải tách văn bản yêu cầu đương sự tự trả lời và lập thành hồ sơ TTCC để gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước này thực hiện. Cùng với đó, thực tiễn đã cho thấy việc thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp cho nước ngoài theo đường ngoại giao, dù là yêu cầu tống đạt văn bản tố tụng hoặc TTCC hoặc cả hai yêu cầu này, đều phụ thuộc vào thiện chí của nước được Tòa án Việt Nam yêu cầu. Do đó, rủi ro của phương thức ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo con đường ngoại giao là có thể đoán định được; theo đó, thời gian thực hiện các yêu cầu này rất lâu hoặc không được thực hiện.

Trong bối cảnh nêu trên, để giải quyết hai vấn đề quan trọng của vụ án có đương sự ở nước ngoài là việc tống đạt văn bản tố tụng và TTCC, Việt Nam đã giải quyết được một vấn đề tống đạt giấy tờ. Do đó, việc gia nhập CƯTTCC là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Việc gia nhập Công ước này có ý nghĩa quan trọng: Sau khi trở thành thành viên của Công ước, Tòa án Việt Nam có quyền gửi yêu cầu TTCC đến 61 nước TVCƯ này theo kênh chính thức của Công ước; không phải gửi yêu cầu này theo con đường ngoại giao như hiện nay. Cùng với đó, khi ủy thác TTCC ở nước ngoài theo quy định của CƯTTCC, Việt Nam và các nước TVCƯ này sẽ liên hệ với nhau qua cơ quan trung ương của mỗi nước để trao đổi, hỗ trợ, đôn đốc việc thực hiện yêu cầu TTCC.

Hiện nay, việc Việt Nam gia nhập CƯTTCC có rất nhiều thuận lợi. Mặc dù vậy, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc gia nhập, thực thi Công ước này. Cụ thể như sau: 

3.2. Khả năng Việt Nam gia nhập CƯTTCC 

3.2.1. Thuận lợi

Nhìn chung, việc Việt Nam gia nhập CƯTTCC trong thời gian tới (2019-2020) là hết sức thuận lợi. Đây là Công ước có số lượng thành viên đông đảo, đã có hiệu lực và thực thi tại nhiều quốc gia từ 46 năm nay (1972-2018). Thực tế 46 năm áp dụng CƯTTCC tại các nước TVCƯ cho thấy đây là một trong những Công ước thành công nhất của Hội nghị La Hay. Kết quả đó xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

(1) Công ước được soạn thảo công phu, khoa học nên đa số quy định của Công ước khá rõ ràng, cụ thể; tạo điều kiện thuận lợi cho các nước TVCƯ áp dụng trên thực tế.

(2) Hội nghị La Hay đã xây dựng, đăng tải, cập nhật được các văn bản quan trọng liên quan đến việc soạn thảo, thực thi Công ước trên trang điện tử của Hội nghị; tổ chức thành công các phiên họp định kỳ 5 năm dành riêng cho việc thảo thuận thực tiễn áp dụng CƯTĐGT, CƯTTCC; xuất bản được cuốn Sổ tay thực hiện Công ước. Đây là những phương thức hết sức quan trọng để bảo đảm cho các nước TVCƯ hiểu thống nhất, áp dụng đúng các quy định của Công ước;

(3) Sự tích cực tham gia, gia nhập, triển khai thực hiện Công ước của nhiều nước khác nhau thuộc hai hệ thống pháp luật dân luật và thông luật.

(4) Thủ tục gia nhập Công ước khá đơn giản, thuận lợi cũng là yếu tố tạo nên sự chú ý, tham gia, gia nhập của nhiều nước trên thế giới.

(5) Công ước không yêu cầu các nước thành viên phải sửa đổi, bổ sung pháp luật trong nước để phù hợp với quy định của Công ước. Thay vào đó, Công ước dành quyền thực hiện yêu cầu TTCC cho các nước TVCƯ theo quy định của pháp luật mỗi nước. Bên cạnh đó, Công ước còn có quy định cho phép bất kỳ nước nào khi xin gia nhập Công ước đều có quyền đưa ra các tuyên bố về việc không áp dụng một số quy định cụ thể của Công ước.

(6) Việc thực hiện yêu cầu TTCC được thực hiện theo quy định của nước thành viên được yêu cầu. Đối với Việt Nam, từ trước tới nay, việc TTCC do Tòa án thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể, yêu cầu TTCC được giao cho các Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh thực hiện. Do đó, việc TTCC không gặp trở ngại về mặt năng lực chuyên môn; bởi lẽ, đa số Thẩm phán đã tham gia xét xử nhiều vụ án dân sự theo thẩm quyền nên nắm vững nghiệp vụ cũng như kiến thức pháp luật để thực hiện.

3.2.2. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc thực thi CƯTTCC vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đây là những điều cần lưu ý để có các giải pháp phù hợp, khả thi trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước sau khi gia nhập.

Thứ nhất, nhiều nước TVCƯ còn chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho Hội nghị La Hay về cơ quan trung ương có thẩm quyền tiếp nhận, thực hiện yêu cầu TTCC của nước đó theo quy định của Công ước. Cùng với đó, nhiều nước cũng không cung cấp thông tin về quy định của pháp luật trong nước, thực tiễn thực hiện yêu cầu TTCC của nước thành viên khác. Điều này làm cho nước thành viên khác gặp khó khăn trong việc liên lạc, tìm hiểu pháp luật về TTCC của nước được yêu cầu để lập yêu cầu TTCC cho phù hợp với pháp luật của những nước này.

Thứ hai, hiện nay có nhiều nước tuyên bố không áp dụng Điều 23 của Công ước đối với yêu cầu TTCC của nước thành viên khác. Để hiểu rõ và thống nhất quy định tại Điều 23 nêu trên, Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay cũng đã có khuyến nghị cụ thể tại các phiên họp các năm 2003, 2009 và 2014. Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn còn nhiều nước thành viên vẫn chưa sửa đổi, bổ sung tuyên bố không áp dụng Điều 23 Công ước cho phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban đặc biệt. Từ đó, có khả năng nhiều nước đưa ra tuyên bố về Điều 23 Công ước vẫn từ chối thực hiện yêu cầu TTCC theo quy định nêu trên của Công ước.

Thứ ba, Công ước không đưa ra quy định cụ thể về thời hạn thực hiện yêu cầu TTCC. Do đó, tùy thuộc vào quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành quy định của Công ước của mỗi nước thành viên, thời hạn thực hiện yêu cầu TTCC là khác nhau.

Thứ tư, Công ước không buộc nước yêu cầu TTCC phải thanh toán trước chi phí TTCC cho nước được yêu cầu. Do đó, việc thực hiện yêu cầu TTCC như giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng đến Tòa án Việt Nam để lấy lời khai… sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan, tổ chức giám định, định giá đều yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu giám định, định giá phải nộp tiền tạm ứng. Nếu việc nộp tiền tạm ứng không được thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định không có chi phí để tiến hành thực hiện việc giám định, định giá. Do đó, Việt Nam phải tiến hành sửa đổi một số luật liên quan đến chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng trong tố tụng dân sự.

Thứ năm, theo quy định của Công ước thì mỗi TVCƯ phải thiết lập một cơ quan trung ương có thẩm quyền để tiếp nhận các yêu cầu TTCC từ các TVCƯ khác. Đối với Việt Nam, việc chỉ định cơ quan trung ương theo quy định của CƯTTCC là một thách thức lớn về nguồn nhân lực và khối lượng công việc thực hiện. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang là cơ quan trung ương của CƯTĐGT từ năm 2016. Theo số liệu thống kê chính thức của Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian 6 năm (2013-2018): Bộ Tư pháp đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài 17.154 hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp, chủ yếu là của Tòa án để tống đạt văn bản tố tụng và TTCC; cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã ủy thác cho Việt Nam thực hiện 4.910 yêu cầu. Trong quá trình thực hiện yêu cầu ủy thác ra nước ngoài và ủy thác tư pháp vào Việt Nam, Bộ Tư pháp phải ban hành văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Tòa án, Bộ Ngoại giao để gửi yêu cầu, kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp. Theo ước tính sơ bộ, trong thờigian trên,  Bộ Tư pháp đã ban hành hơn 50 nghìn văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Tòa án, Bộ Ngoại giao.

Nếu trong thời gian tới, Việt Nam gia nhập CƯTTCC và Bộ Tư pháp được chỉ định là cơ quan trung ương có thẩm quyền của Việt Nam về Công ước này thì sự quá tải công việc tại Bộ Tư pháp sẽ tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng xử lý công việc chung. Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất phát sinh từ sự quá tải công việc nêu trên là hồ sơ yêu cầu TTCC và hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án ra nước ngoài sẽ bị gửi chậm so với quy định của pháp luật. Từ đó, làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài hoặc phải TTCC ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, đối với hồ sơ yêu cầu TTCC của nước ngoài gửi đến, tuy có thể không nhiều như số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam gửi ra nước ngoài nhưng Bộ Tư pháp cũng khó bảm đảo được thời hạn xử lý, chuyển cho Tòa án thực hiện. Căn cứ vào thực tiễn công tác ủy thác tư pháp ra nước ngoài của Tòa án trong nhiều năm nay, có thể dự báo tình hình thực hiện CƯTTCC của Việt Nam sau khi gia nhập Công ước này như sau:

Hiện nay, trung bình hàng năm có khoảng 3000 hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án ra nước ngoài. Đây là hồ sơ gồm hai loại yêu cầu: tống đạt văn bản và TTCC. Tuy nhiên, khi gia nhập CƯTTCC, Tòa án phải tách yêu cầu TTCC để lập thành một bộ hồ sơ riêng nếu yêu cầu TTCC này được gửi đến các nước TVCƯ TTCC. Như vậy, trung bình mỗi năm Tòa án sẽ gửi ra nước ngoài khoảng 6000 hồ sơ TTCC và tống đạt văn bản tố tụng đến các nước TVCƯ tống đạt giấy tờ, CƯTTCC và các nước không phải thành viên của hai Công ước này. Với số lượng hồ sơ như vậy, ước tính trung bình mỗi năm Bộ Tư pháp sẽ ban hành khoảng 16.000 văn bản để thực hiện nhiệm vụ của quan trung ương của Việt Nam về CƯTĐGT và CƯTTCC (nếu được chỉ định).

Từ những phân tích, dự báo nêu trên, có thể thấy rằng việc Việt Nam chỉ định cơ quan trung ương có thẩm quyền để thực hiện Công ước TTCC là một vấn đề hết sức quan trọng, tác động lớn đến hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam cũng như việc thực hiện yêu cầu TTCC của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện công tác chuẩn bị để gia nhập Công ước này, cần có sự quan tâm thích đáng cho việc chỉ định cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC.

4. Một số kiến nghị, đề xuất 

4.1. Cần nghiên cứu sâu các khuyến nghị của Hội nghị La Hay và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm gia nhập của đa số các TVCƯ TTCC

Để thực hiện thành công việc nghiên cứu gia nhập Công ước, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các quy định của Công ước thông qua các báo cáo, khuyến nghị có sẵn tại trang thông tin điện tử của Hội nghị La Hay; học tập kinh nghiệm gia nhập của một số nước, đặc biệt là kinh nghiệm đưa ra các tuyên bố theo quy định của Công ước, bao gồm quy định tại các điều 8, 15, 16, 17, 18, 23 và 24 Công ước. Theo đó, khi gia nhập Công ước này, Việt Nam cần đưa ra các tuyên bố về việc:

1) Phải có sự đồng ý trước của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì những người thuộc cơ quan tư pháp/tòa án của nước TVCƯ có yêu cầu TTCC mới có quyền có mặt tại địa điểm TTCC (Điều 8).

(2) Phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của nước TVCƯ khác đang thực hiện nhiệm vụ của họ tại Việt Nam mới có quyền TTCC từ công dân của nước mà họ đại diện (Điều 15).

(3) Phải có sự đồng ý trước của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của nước TVCƯ khác đang thực hiện nhiệm vụ của họ tại Việt Nam mới có quyền TTCC từ công dân Việt Nam hoặc công dân nước thứ ba đang cư trú tại Việt Nam (Điều 16).

(4) Phải có sự đồng ý trước của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì người được bổ nhiệm/ủy quyền mới được thực hiện TTCC (Điều 17).

(5) Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của nước TVCƯ khác hoặc người được bổ nhiệm/ủy quyền TTCC có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hỗ trợ trong việc TTCC bằng biện pháp bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(6) Việt Nam không chấp nhận việc TTCC quy định tại Điều 23 của Công ước trong trường hợp chỉ nhằm mục đích phục vụ một bên đương sự phát hiện, biết được những loại tài liệu, giấy tờ mà bên đương sự kia có thể đang nắm giữ.

4.2. Cần phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng công tác cơ quan trung ương đầu mối về tương trợ tư pháp về dân sự tại Bộ Tư pháp để có giải pháp thích hợp cho việc lựa chọn, đề xuất cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC 

Như đã phân tích, dự báo sơ bộ như ở trên, nếu Bộ Tư pháp tiếp tục được giao là cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC thì cần phải có sự tính toán kỹ về phương thức thực hiện, nguồn lực thực hiện. Bởi lẽ, với nguồn lực có hạn, công việc hiện nay đã có biểu hiện quá tải, Bộ Tư pháp sẽ rất khó khăn khi đảm nhiệm thêm nhiệm vụ cơ quan trung ương về CƯTTCC. Do đó, để giải quyết vấn đề này, mô hình cơ quan trung ương của Việt Nam nên được thiết kế theo quy định tại Điều 2 của CƯTTCC. Theo đó, cơ quan trung ương của Việt Nam chỉ thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận, gửi yêu cầu TTCC của nước TVCƯ khác cho cơ quan trong nước thực hiện; chuyển kết quả thực hiện cho nước thành viên yêu cầu; không làm thêm nhiệm vụ tiếp nhận, gửi các yêu cầu TTCC của Tòa án Việt Nam để gửi cho cơ quan trung ương nước TVCƯ được yêu cầu. Đây chính là mô hình cơ quan trung ương mà đa số các nước TVCƯ TTCC đang duy trì. Với mô hình này, nếu Bộ Tư pháp được chỉ định là cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC thì Bộ Tư pháp sẽ không phải thực hiện một khối lượng lớn công việc phát sinh từ việc tiếp nhận, gửi yêu cầu TTCC của Tòa án ra nước ngoài như đã nêu ở phần trên.

4.3. TANDTC nên được chỉ định là cơ quan bên cạnh cơ quan trung ương của Việt Nam theo quy định tại Điều 24 CƯTTCC

Theo quy định tại Điều 24 CƯTTCC thì mỗi TVCƯ có quyền chỉ định thêm cơ quan có thẩm quyền bên cạnh cơ trung ương của nước đó để thực hiện Công ước này. Nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan bên cạnh cơ quan trung ương sẽ do nước TVCƯ xác định cụ thể. Tuy nhiên, các yêu cầu TTCC của nước TVCƯ khác vẫn được gửi đến cơ quan trung ương của nước thành viên được yêu cầu.

Như vậy, trong trường hợp Bộ Tư pháp được chỉ định là cơ quan trung ương theo quy định của Điều 2 Công ước, Việt Nam cũng nên chỉ định TANDTC là cơ quan bên cạnh cơ quan trung ương của Việt Nam theo quy định tại Điều 24 Công ước. Việc chỉ định TANDTC là cơ quan theo quy định tại Điều 24 Công ước là nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển các yêu cầu của Tòa án Việt Nam đến các nước TVCƯ này. Việc chỉ định như trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của TANDTC theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, TANDTC có nhiệm vụ quản lý các Tòa án nhân dân các cấp về tổ chức; hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, các chức danh khác của Tòa án nhân dân. Với nhiệm vụ, quyền hạn như trên, đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự nói chung, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, TANDTC phải ban hành các nghị quyết để hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật về tố tụng, đặc biệt là thủ tục tống đạt văn bản tố tụng, thủ tục TTCC để giải quyết vụ việc dân sự. Nói cách khác, TANDTC có trách nhiệm hướng dẫn các Tòa án về mặt nghiệp vụ xét xử, bảo đảm cho Tòa án tiến hành đúng pháp luật việc TTCC, bao gồm TTCC ở nước ngoài. Trên cơ sở quy định của Bộ luật tố tụng, TANDTC hướng dẫn các Tòa án áp dụng các quy định này; từ đó, các Tòa án căn cứ vào đó để đánh giá về sự cần thiết hay không cần thiết phải TTCC ở nước ngoài; nếu phát sinh nhu cầu TTCC thì nên thu thập những chứng cứ gì để phục vụ việc giải quyết vụ việc dân sự một cách khách quan, toàn diện.

Thứ hai, với tư cách là cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ xét xử, khi nhận hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài của Tòa án các cấp, TANDTC sẽ có điều kiện hướng dẫn, trao đổi cụ thể với Tòa án các cấp về việc TTCC.

Thứ ba, về nguồn lực thực hiện, TANDTC có đầy đủ nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan trung ương. Hiện nay, tại TANDTC, có nhiều cán bộ được đào tạo về luật ở nước ngoài và có thời gian công tác lâu năm trong lĩnh vực hướng dẫn nghiệp vụ xét xử nên có đầy đủ kiến thức pháp luật tố tụng dân sự để thực hiện các công việc được giao.

Thứ tư, việc chỉ định TANDTC làm cơ quan bên cạnh cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp. Bởi lẽ, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau, như xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong nước, đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trung ương cũng như địa phương, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện điều ước quốc tế. Cụ thể hơn, trong việc thực hiện CƯTTCC, công tác tham mưu của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này sẽ được bảo đảm bằng công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với TANDTC thông qua việc chia sẻ thông tin, báo cáo và ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng phần mềm nghiệp vụ liên thông giữa hai cơ quan.

Cuối cùng, việc chỉ định TANDTC là cơ quan bên cạnh cơ quan trung ương của Việt Nam về CƯTTCC cũng là nhằm phục vụ công tác hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tố tụng dân sự; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án Việt Nam thực hiện công tác xét xử, giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, công dân, tổ chức nước ngoài; củng cố thêm niềm tin về sự minh bạch, thượng tôn pháp luật của hệ thống Tòa án Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. /.

[1] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254

[2] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254

[3] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 252, 253,254.

[4] Practical Handbok on the Operation of the Evidence Convention 2016,pp 152, 153,154.

LÊ MẠNH HÙNG ( Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC) và ĐỖ NGỌC THANH (Giảng viên Học viện Tài chính).